Lính Triều Tiên thương vong cao ở Kursk vì không rành chiến tranh hiện đại

Lính Triều Tiên thương vong cao ở Kursk vì không rành chiến tranh hiện đại

Hàn Quốc đánh giá 2 người lính Triều Tiên bị Ukraine bắt giữ không muốn đến nước này, nhưng vẫn sẽ tích cực trao đổi với Ukraine, vì người Triều Tiên được coi là công dân Hàn Quốc theo các giá trị của Hiến pháp.

1 Linh Trieu Tien Thuong Vong Cao O Kursk Vi Khong Ranh Chien Tranh Hien Dai

Hai lính nghi mang quốc tịch Triều Tiên đang bị Kiev bắt giữ: Người bên trái khai sinh năm 1999, là xạ thủ bắn tỉa; người bên phải sinh năm 2005 - Ảnh: TELEGRAM/Zelensky / Official

Ngày 13-1, Hàn Quốc cho biết 2 người lính Triều Tiên bị Ukraine bắt không có mong muốn tị nạn ở nước này, thông tin thêm ít nhất 300 lính Triều Tiên được điều đến Nga đã thiệt mạng, cùng 2.700 binh sĩ khác bị thương.

Tổn thất lớn vì không rành chiến tranh hiện đại

Nói với Hãng tin Yonhap, nghị sĩ Lee Seong Kweun của Đảng Quyền lực nhân dân cầm quyền cho hay Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) vừa chia sẻ thông tin trên với các nhà lập pháp trong cuộc họp kín của Ủy ban Tình báo Quốc hội.

Thông tin mới về lính Triều Tiên bị Ukraine bắt giữ

Theo đó, NIS cho biết họ đánh giá "thương vong lớn" của binh lính Triều Tiên là do "thiếu hiểu biết về chiến tranh hiện đại", bao gồm cả hành động nã đạn "vô ích" vào thiết bị bay không người lái (drone) tầm xa. 

Đánh giá trên được đưa ra khi NIS phân tích một đoạn video chiến đấu mà họ thu được gần đây.

Cơ quan tình báo của Hàn Quốc cũng cho rằng phía Triều Tiên đã nhấn mạnh với binh lính được gửi sang Nga hãy tự sát, để tránh bị quân đội Ukraine bắt sống.

Không muốn đến Hàn Quốc

Dẫn đoạn video thẩm vấn mới đây do Ukraine đăng tải liên quan đến 2 người lính Triều Tiên bị bắt tại vùng Kursk, nghị sĩ Lee cho biết: "Những người tù binh chiến tranh này đã không bày tỏ ý định đến Hàn Quốc".

Hôm 12-1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đăng tải lên X một đoạn phim dài gần 3 phút cho thấy một trong 2 người lính Triều Tiên bị bắt bày tỏ mong muốn ở lại Ukraine, khi anh này được hỏi liệu anh có muốn về nhà.

"Tôi muốn sống ở đây", người lính nói sau một hồi im lặng.

Người này nói anh ta sẽ trở về nhà nếu được yêu cầu, nhưng cũng gật đầu khi được hỏi liệu anh ta có muốn ở lại Ukraine nếu được yêu cầu hay không.

Anh nói thêm anh không hề biết mình được điều động tham gia cuộc chiến chống Ukraine, và lắc đầu khi được hỏi liệu anh ta có biết mình đang chiến đấu với Ukraine.

Người lính Triều Tiên thứ hai bị băng bó ở hàm, và khó nói chuyện bình thường. Khi được hỏi anh có muốn quay lại Triều Tiên, dưới tên được nhắc đến là "Joseon", anh này gật đầu.

Người lính này cũng thể hiện rằng anh không biết cha mẹ mình ở đâu khi được hỏi đến.

NIS đánh giá hai binh sĩ này thuộc Tổng cục Trinh sát, một cơ quan tình báo quân sự quan trọng của Triều Tiên. Cơ quan này cũng tiết lộ có bằng chứng cho thấy chính quyền Triều Tiên đã gửi bồi thường đến gia đình những người lính được triển khai đến Nga, trong đó có thực phẩm và nhu yếu phẩm hằng ngày.

NIS nói thêm họ sẽ tích cực trao đổi với Ukraine nếu 2 người lính trên muốn đào tẩu đến Hàn Quốc, vì "người Triêu Tiên được coi là công dân Hàn Quốc theo các giá trị của Hiến pháp".

NGHI VŨ

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan