'Mọi thứ chúng tôi nghe từ người Nga đều là dối trá' - các chiến binh Trung Quốc bị Ukraine bắt giữ lên tiếng

Hai công dân Trung Quốc bị bắt khi chiến đấu cho Nga khẳng định họ không được chính phủ Trung Quốc cử đến tham chiến, và kể lại những khó khăn mà họ phải trải qua trong hàng ngũ quân đội Nga.

1 Moi Thu Chung Toi Nghe Tu Nguoi Nga Deu La Doi Tra   Cac Chien Binh Trung Quoc Bi Ukraine Bat Giu Len Tieng

Công dân Trung Quốc Zhang Renbo (trái) và Wang Guangjun, những người đã tham gia vào cuộc chiến toàn diện của Nga chống lại Ukraine và bị bắt làm tù binh trên chiến trường, trả lời các câu hỏi của các nhà báo tại Kyiv, Ukraine, vào ngày 14 tháng 4 năm 2025.

Một trong hai người bị bắt, Vương Quang Quân (Wang Guangjun), cho biết anh đã bị nhắm mục tiêu bởi "vũ khí hóa học" của Nga ngay sau khi bị một binh sĩ Ukraine bắt giữ, theo lời anh tại cuộc họp báo ở Kyiv vào ngày 14 tháng 4.

“Tôi mất dần sức lực và ngất đi... Sau đó tôi cảm thấy có người túm cổ áo tôi kéo ra ngoài không khí trong lành,” Vương kể.

Theo lời Vương, sau khi bị bắt, anh được đưa vào một hầm trú ẩn cùng một binh sĩ Ukraine trong lúc Nga tấn công. Anh nói rằng người lính Ukraine đã giúp anh sống sót qua đợt tấn công mà anh mô tả là “khí độc phun sương”.

“Các binh sĩ Ukraine đã bảo vệ chúng tôi và luôn đối xử tốt với chúng tôi trong suốt thời gian này,” anh nói thêm.

Vương Quang Quân và Trương Nhận Ba (Zhang Renbo), sinh năm 1991 và 1998, là hai công dân Trung Quốc đầu tiên bị bắt khi chiến đấu trong hàng ngũ quân Nga trên lãnh thổ Ukraine. Việc họ bị bắt được Tổng thống Volodymyr Zelensky công bố đầu tháng 4. Ngày 11 tháng 4, Zelensky cho biết có ít nhất “vài trăm” công dân Trung Quốc đang chiến đấu bên phía Nga tại Ukraine.

Vài ngày sau, hai người được đưa đến buổi họp báo.

Họ nói tiếng Trung Quốc và câu trả lời được phiên dịch sang tiếng Ukraine bởi một phiên dịch viên do chính phủ cung cấp. Tờ Kyiv Independent không thể xác minh tuyên bố của họ hay độ chính xác của bản dịch.

Vương nói rằng khi còn ở Trung Quốc, anh lướt TikTok thì thấy một quảng cáo mời gọi tham gia quân đội Nga. Sau khi mất việc vào mùa hè năm ngoái, anh cảm thấy hứng thú với lời mời, đặc biệt vì, theo lời anh, việc phục vụ quân đội được coi là "vinh dự" ở Trung Quốc.

Người tuyển dụng mà Vương liên hệ nói rằng một người Trung Quốc có thể kiếm được 200.000 đến 250.000 rúp Nga (khoảng 2.000 đến 3.000 USD) mỗi tháng khi phục vụ trong quân đội Nga — cao hơn mức lương trung bình ở Trung Quốc. Người này còn hứa sẽ chi trả chi phí đi lại sang Nga và hỗ trợ làm giấy tờ, theo lời Vương.

Nhưng điều đó không thành hiện thực. Về sau, người Nga đã lấy thẻ ngân hàng và điện thoại của anh, khiến anh không thể quản lý số tiền mình kiếm được.

Người lính bị bắt còn lại, Trương, chia sẻ rằng anh xuất thân từ một gia đình khá giả và từng làm lính cứu hỏa và cứu hộ. Anh nói rằng anh đến Nga vào tháng 12 và ban đầu được hứa hẹn một công việc xây dựng, nhưng sau đó lại bị tuyển vào quân đội.

“Tôi chỉ muốn kiếm tiền, chứ không ngờ lại rơi vào chiến tranh.”

Cả hai không tiết lộ quê quán cụ thể ở Trung Quốc.

Họ khẳng định không có liên hệ với chính phủ Trung Quốc và đã tự nguyện ký hợp đồng với quân đội Nga.

Lộ trình của họ đi qua Moscow, Rostov-on-Don và Donetsk (khu vực phía đông Ukraine bị Nga chiếm đóng), trước khi ra chiến trường.

Theo lời Vương, anh còn bị đưa vào trại cùng với những người thuộc các quốc tịch khác, có thể đến từ Trung Á, Ghana và Iraq. Nga đã tuyển mộ các chiến binh nước ngoài từ nhiều quốc gia, bao gồm Ấn Độ, Nepal và Syria, để chiến đấu chống lại Ukraine. Moscow cũng đã sử dụng khoảng 12.000 binh sĩ Triều Tiên do Bình Nhưỡng cử sang để đối phó với cuộc tấn công của Ukraine ở tỉnh Kursk.

Hai công dân Trung Quốc cho biết họ phục tùng các chỉ huy Nga, những người này chủ yếu dùng cử chỉ để ra lệnh.

Vương nói rằng rất khó để trốn thoát một khi đã nhập ngũ, vì trại huấn luyện được kiểm soát rất chặt chẽ.

Vương còn khẳng định rằng anh không giết bất kỳ binh sĩ Ukraine nào. Anh cho biết chỉ ở tuyến đầu ba ngày thì bị bắt.

Trương nói rằng anh chưa từng thấy binh sĩ Ukraine nào cho đến lúc bị bắt.

Cả hai đã chỉ trích Nga tại buổi họp báo và kêu gọi đồng bào Trung Quốc không nên tham gia chiến tranh. Tuy nhiên, không thể xác minh sự chân thật trong những tuyên bố này vì họ đang trong tình trạng bị Ukraine giam giữ.

“Gửi đến những công dân Trung Quốc muốn tham chiến, chúng tôi muốn nói rằng đừng nên làm vậy,” Vương nói. “Vì tất cả những gì chúng tôi nghe từ phía Nga đều là dối trá. Hóa ra Nga không mạnh như tưởng tượng, còn Ukraine thì không yếu. Vì vậy, tốt hơn hết là đừng tham gia vào chiến tranh.”

Mặc dù Trung Quốc tự nhận là bên trung lập, lập trường này đã bị đặt dấu hỏi nhiều lần — đặc biệt khi nước này trở thành nhà cung cấp lớn nhất các thiết bị lưỡng dụng (có thể dùng cho cả mục đích dân sự và quân sự) cho Nga.

Khi được hỏi liệu Bắc Kinh có biết về sự tham gia của họ trong cuộc chiến của Nga hay không, cả hai cho biết chính phủ Trung Quốc đã cảnh báo công dân không nên đến những khu vực xảy ra chiến sự. Theo Trương, người Trung Quốc tham gia chiến đấu ở bất kỳ quốc gia nào có thể sẽ bị xử lý theo pháp luật Trung Quốc.

Dù vậy, cả hai người đều nhấn mạnh rằng họ muốn trở về Trung Quốc chứ không phải Nga, như một phần của thỏa thuận trao đổi tù binh trong tương lai.

“Tôi hiểu rằng có thể sẽ bị xử phạt, và tôi sẵn sàng chấp nhận. Nhưng tôi vẫn muốn trở về nhà, về với gia đình,” Trương nói.

“Chiến tranh thực sự hoàn toàn khác với những gì ta thấy trong phim ảnh và truyền hình,” Vương chia sẻ. “Tôi hối hận một điều — tôi muốn xin lỗi cha mẹ. Và ước muốn duy nhất của tôi là được trở về (Trung Quốc) và làm theo mọi hướng dẫn để có thể quay lại.”

Theo Kyiv Independent


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan