Châu Âu đã cam kết sẽ dừng sử dụng nhiên liệu của Nga vào năm 2027 để đáp trả lại những động thái của Nga tại Ukraine vào đầu năm 2022. Tuy nhiên thay vì được công bố vào tháng trước, Ủy ban đã trì hoãn kế hoạch này một phần đến từ những thông tin thuế quan từ phía Mỹ. Thương mại năng lượng có khả năng ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và châu Âu.
Trong khi lượng khí đốt cung cấp qua đường ống của Nga đã giảm mạnh kể từ năm 2022, EU đã tăng lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ Nga vào năm ngoái. Khí đốt và LNG từ Nga đến châu Âu cũng chiếm đến 19% thị phần vào năm 2024.
Không giống như dầu mỏ, EU không áp dụng lệnh trừng phạt đối với việc nhập khẩu khí đốt của Nga. Hungary đã tuyên bố sẽ chặn các lệnh trừng phạt năng lượng của Nga trong khi một số quốc gia khác đã ra tín hiệu không muốn chấp thuận các lệnh trừng phạt đối với LNG của Nga trước khi EU đảm bảo được nguồn cung cấp thay thế.
Các nhà phân tích tại viện nghiên cứu Bruegel có trụ sở tại Brussels đã đề xuất EU áp thuế đối với khí đốt nhập khẩu của Nga.
Việc ngừng nhập khí đốt hoàn toàn từ Nga sẽ có nghĩa là EU sẽ mua nhiều khí đốt hơn từ các nhà cung cấp khác, nổi bật là Mỹ. Phía châu Âu cho biết họ sẽ cân nhắc mua thêm LNG từ Mỹ và Tổng thống Donald Trump cũng cho biết việc bán năng lượng cho EU sẽ là trọng tâm chính trong nỗ lực nhằm xóa bỏ thâm hụt thương mại với EU.
LNG của Mỹ đã trở thành "cứu tinh" với Mỹ là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ ba của châu Âu, sau Nga và nhà cung cấp hàng đầu là Na Uy.
Về phía Nga, quốc gia này kỳ vọng xuất khẩu khí đốt tự nhiên bao gồm cả qua đường ống và LNG sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 và gấp 3 lần vào năm 2050 theo chiến lược năng lượng dài hạn mới được Chính phủ phê duyệt ngày 14/4.
Cụ thể, Nga đặt mục tiêu lượng khí đốt LNG và đường ống cung cấp ra nước ngoài tăng từ 146 tỷ mét khối (bcm) vào năm 2023 lên 293 bcm vào năm 2030 và tăng lên 438 bcm vào năm 2050. Mục tiêu sản lượng dầu thô và ngưng tụ sẽ tăng từ 531 triệu tấn mỗi năm (hay 10,66 triệu bpd) vào năm 2023 lên 540 triệu tấn (10,8 triệu bpd) vào năm 2050.
Theo chiến lược này, Nga cũng sẽ tiếp tục chuyển hướng xuất khẩu dầu khí sang các thị trường mới ở các quốc gia thân thiện, đặc biệt là châu Á.
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC