Hơn 10.000 ngôi nhà đã bị phá hủy sau vụ cháy khiến nhiều người đau đớn vì rơi vào cảnh vô gia cư chỉ sau một đêm - Ảnh: REUTERS
Hãng tin AFP ngày 11-1 cho biết sau khi cháy rừng càn quét qua khu vực Altadena ở hạt Los Angeles, bang California vào ngày 7-1 (theo giờ địa phương) và biến phần lớn nơi đây trở thành tro bụi, đến sáng 10-1, Lực lượng Vệ binh quốc gia Mỹ mới tiến hành tuần tra khu vực này.
Đối với người dân ở Altadena, số lượng các binh sĩ vào lúc này là quá ít ỏi và muộn màng.
Không nhận được sự hỗ trợ
"Chúng tôi không hề thấy bất cứ bóng dáng của người lính cứu hỏa nào đến hỗ trợ, trong khi người dân thì phải tạt từng xô nước để bảo vệ ngôi nhà của mình khỏi ngọn lửa.
Họ quá bận rộn để dập tắt đám cháy ở Palisades, nơi có khối tài sản của những người giàu có và nổi tiếng. Họ đã để mặc chúng tôi ở đây", ông Nicholas Norman, một người dân sinh sống ở Altadena, bức xúc.
Tuy nhiên, tại khu vực giàu có nổi tiếng của Los Angeles Pacific Palisades, nơi xảy ra vụ cháy đầu tiên, người dân cũng bất mãn trước phản ứng của chính quyền địa phương.
"Thành phố đã hoàn toàn bỏ rơi chúng tôi", cô Nicole Perri chỉ trích, tức giận khi các vòi cứu hỏa mà lính cứu hỏa sử dụng lại hết sạch nước hoặc không đủ áp lực nước để chữa cháy.
Ngôi nhà sang trọng của cô ở Palisades đã bị thiêu rụi sau vụ cháy.
"Đáng lý ra phải có những biện pháp phòng ngừa từ trước để ngăn chặn thảm họa này", cô bức xúc. "Chúng tôi đã mất hết mọi thứ và tôi cảm thấy như không nhận được sự hỗ trợ nào từ thành phố, từ vị thị trưởng tồi tệ đến thống đốc bang".
Một người dân ở Altadena đang phải tự dùng xô nước để dập các tàn lửa xung quanh - Ảnh: REUTERS
Chính quyền bị chỉ trích
Cho đến nay, nhiều đám cháy vẫn tiếp tục tàn phá Los Angeles, cướp đi mạng sống của ít nhất 11 người.
Theo chính quyền địa phương, những cơn gió mạnh với tốc độ lên đến 160km/h cùng tình trạng hạn hán kéo dài trong những tháng gần đây là nguyên nhân chính dẫn đến vụ cháy.
Tuy nhiên, với người dân California - những người đã mất đi tất cả chỉ sau một đêm - lời giải thích này là chưa đủ.
Thị trưởng Karen Bass của hạt Los Angeles đã bị chỉ trích gay gắt vì bà đang có chuyến thăm tới quốc gia Ghana tại châu Phi khi vụ cháy xảy ra, mặc dù đã có các cảnh báo về thời tiết nguy hiểm trong những ngày trước đó.
Những đợt cắt giảm ngân sách cho sở cứu hỏa và một loạt cảnh báo sơ tán sai lệch đã được gửi đến hàng triệu người dân Los Angeles trong tuần này càng làm gia tăng sự tức giận trong cộng đồng.
"Tôi không nghĩ chính quyền địa phương đã chuẩn bị cho tình huống này", ông James Brown, cư dân vùng Altadena, nói. "Sẽ phải có một cuộc đánh giá thực sự, vì hàng trăm ngàn người dân ở đây đã bị hủy hoại cuộc sống hoàn toàn. Cảm giác như bạn đang ở trong vùng chiến sự vậy".
Bên cạnh đó, việc Tổng thống đắc cử Donald Trump liên tục "châm dầu vào lửa" khi chỉ trích và đổ lỗi cho các nhà lãnh đạo ở California về vụ cháy, đưa ra tuyên bố sai lệch về lý do các vòi cứu hỏa hết nước, cũng khiến một số người dân ở Altadena cảm thấy bực tức.
"Đúng kiểu điển hình của ông ấy: cố gắng tạo ra một cuộc tranh luận từ thông tin sai lệch. Hãy tập trung vào những người đang cố gắng khôi phục lại cuộc sống của mình và giúp đỡ họ. Sau đó, chúng ta có thể chỉ trích và tìm hiểu mọi chuyện dựa trên những dữ liệu và thông tin thực tế", anh Ross Ramsey chia sẻ với AFP, trong khi đang dọn dẹp tàn tích từ đống đổ nát của ngôi nhà mẹ anh.
HÀ ĐÀO
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC