Người phụ nữ gửi tiết kiệm hơn 170 tỷ đồng, 30 phút sau số dư chỉ còn 0, ngân hàng tuyên bố: “Đó là việc của chị”

Đặt niềm tin sai chỗ, người phụ nữ vừa mất tiền, vừa nhận về bài học nhớ đời.

Với niềm tin gửi tiền vào ngân hàng là kênh đầu tư an toàn tuyệt đối, một cặp vợ chồng tại Quảng Tây, Trung Quốc, đã không ngần ngại rót toàn bộ số tiền tiết kiệm cả đời là 48 triệu NDT (hơn 170 tỷ đồng) vào một ngân hàng do bạn bè giới thiệu. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 30 phút sau khi hoàn tất giao dịch, tài khoản của họ đã không còn một đồng nào.

“Bẫy” niềm tin và giấc mơ an nhàn tuổi già

Theo Baidu, chị Ngô (tên nhân vật đã được thay đổi) ở Quảng Tây, Trung Quốc, cùng chồng làm việc chăm chỉ trong suốt nhiều năm đã tích góp được 48 triệu NDT. Họ dự định gửi số tiền này vào ngân hàng để hưởng lãi suất ổn định, chuẩn bị cho những năm tháng nghỉ hưu an nhàn.

Sau khi tìm hiểu các ngân hàng có mức lãi suất cao, họ được một người bạn giới thiệu một người quen là giám đốc cấp cao tại một ngân hàng địa phương. Người này cam kết sẽ giúp họ gửi tiền với mức lãi suất ưu đãi cao hơn 30% so với thông thường. Vì tin tưởng bạn bè, người phụ nữ không chút nghi ngờ, nhanh chóng gặp vị giám đốc ngân hàng trên và được người này trực tiếp đưa đến chi nhánh để thực hiện giao dịch.

1 Nguoi Phu Nu Gui Tiet Kiem Hon 170 Ty Dong 30 Phut Sau So Du Chi Con 0 Ngan Hang Tuyen Bo Do La Viec Cua Chi

Với mức lãi suất hứa hẹn, chị Ngô ước tính mỗi năm có thể thu về hơn 1 triệu NDT tiền lãi. Cầm trong tay sổ tiết kiệm được cấp, vợ chồng họ vui vẻ trở về nhà mà không biết rằng bi kịch đến chỉ vài ngày sau đó. 

Một lần, trong lúc xem tin tức trên truyền hình, chị Ngô sững sờ nhận ra người giám đốc ngân hàng từng giúp mình gửi tiền đang bị truy nã vì biển thủ tiền của khách hàng. Ngay lập tức, người phụ nữ này mang sổ tiết kiệm đến ngân hàng để kiểm tra thì nhận được tin sốc: Tài khoản của chị không có bất kỳ khoản tiền nào. Nhân viên ngân hàng cho biết sổ tiết kiệm là giả, được làm tinh vi với con dấu không hợp lệ và hoàn toàn không có giá trị pháp lý. 

Kết quả điều tra còn cho thấy chỉ trong vòng 30 phút sau khi chị Ngô gửi tiền, vị giám đốc ngân hàng đã chuyển toàn bộ số tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng và bỏ trốn.

Ngân hàng không chịu trách nghiệm

Sau đó, mặc dù cảnh sát địa phương đã nhanh chóng bắt được giám đốc ngân hàng lừa đảo, tuy nhiên chị Ngô vẫn không thể lấy lại tiền của mình bởi toàn bộ đã bị hắn ta tiêu sạch. 

Không chấp nhận mất trắng số tiền tiết kiệm 48 triệu NDT, người phụ nữ này đã lập tức đến ngân hàng, yêu cầu đơn vị này bồi thường thiệt hại nhưng bị từ chối. 

"Đó là việc của chị, không phải việc của chúng tôi. Chị đã tự ý đưa tiền cho cá nhân khác mà không thông qua quy trình chính thức của ngân hàng nên chúng tôi không có trách nhiệm bồi thường", đại diện ngân hàng cho biết.

Phản bác lập luận này, chị Ngô cho rằng mình đã giao tiền cho một giám đốc ngân hàng, người đại diện cho tổ chức nên lỗi của ngân hàng trong vụ việc này là không quản lý tốt nội bộ, gây thiệt hại tài sản của khách hàng. Người phụ nữ này sau đó đã đệ đơn kiện, yêu cầu ngân hàng bồi thường thiệt hại cho mình. Tuy nhiên, quá trình pháp lý vẫn chưa thể giúp chị lấy lại số tiền đã mất. Bởi lẽ, theo hồ sơ giao dịch, số tiền đó chưa từng được nhập hệ thống ngân hàng chính thức nên cuối cùng, toà án địa phương tuyên bố ngân hàng không phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này.

Chị Ngô chia sẻ trong nước mắt: “Giá như tôi không quá tin người, giá như tôi kiểm tra các giấy tờ kỹ hơn  trước khi đặt bút ký tên, thì có lẽ giờ đây mọi thứ đã khác”.

Qua vụ việc này, cơ quan chức năng Trung Quốc cũng khuyến cáo người dân khi tham gia các giao dịch tại ngân hàng cần đọc kỹ và xác nhận mọi thông tin về sản phẩm tài chính mà mình sẽ sử dụng với ngân hàng để tránh bị lợi dụng hoặc sập bẫy lừa đảo. Đặc biệt, các ngân hàng với tư cách là tổ chức tài chính cũng cần siết chặt hơn nữa những quy định có liên quan để đảm bảo quyền lợi cho người dân, tránh tiếp diễn những trường hợp tương tự.

Ánh Lê

Đời sống và Pháp luật


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan