Sau tuần hỗn loạn: Trump sa thải các cố vấn hải quan của mình

Đối mặt với nguy cơ khủng hoảng kinh tế và làn sóng chỉ trích dữ dội, Tổng thống Mỹ Donald Trump buộc phải "trảm" các cố vấn thuế quan và bổ nhiệm nhân sự mới nhằm xoa dịu thị trường và cứu vãn tình hình.

Trump cải tổ đội ngũ cố vấn thương mại sau một tuần hỗn loạn tài chính toàn cầu

Trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu rúng động và nền kinh tế đứng trước nguy cơ lao dốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện một cuộc cải tổ lớn trong đội ngũ thương mại của mình.

Động thái này được xem là nỗ lực nhằm kiểm soát lại chính sách thuế quan đang ngày càng mất kiểm soát và gây hoang mang cho giới đầu tư.

1 Sau Tuan Hon Loan Trump Sa Thai Cac Co Van Hai Quan Cua Minh

???? Ảnh: Tổng thống Donald Trump tại Phòng Bầu dục cùng Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent (giữa) và Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick. - /Pool/AP/dpa

Người mới được Trump lựa chọn vào vị trí Bộ trưởng Tài chính là ông Scott Bessent (63 tuổi), một nhà đầu tư kỳ cựu từng điều hành quỹ đầu cơ và được đánh giá là có thái độ điềm tĩnh, thực dụng. Việc bổ nhiệm ông Bessent là tín hiệu cho thấy chính quyền Trump đang nghiêng về một đường lối mềm mỏng hơn để ổn định thị trường.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick (63 tuổi) – người từng giữ vai trò trung tâm trong các cuộc đối đầu thương mại – bị giáng chức, nay chỉ đóng vai “kẻ tấn công” trong các cuộc đàm phán, theo nguồn tin từ Politico.

Còn cố vấn thương mại Peter Navarro (75 tuổi), người bị tỷ phú Elon Musk mỉa mai là “ngu hơn bao gạch”, gần như bị loại khỏi vòng ảnh hưởng và chỉ còn giữ vai trò mờ nhạt.

Chính sách thuế quan: Từ chủ động sang phản ứng

Việc thay đổi nhân sự cấp cao cho thấy cuộc chiến thuế quan mà Tổng thống Trump phát động không còn đi đúng hướng như kỳ vọng ban đầu. Đỉnh điểm là vào thứ Tư vừa qua, thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ đối mặt với tình trạng “tan chảy tài chính”, buộc Nhà Trắng phải ra quyết định hoãn áp thuế mạnh lên hàng hóa từ 75 quốc gia trong vòng 90 ngày tới.

Tuy nhiên, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục leo thang. Washington tuyên bố áp thuế 145% lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc. Đáp trả, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chính thức lên tiếng và áp thuế 125% với hàng Mỹ, đồng thời khẳng định: “Trung Quốc không hề sợ hãi.” Đây là tuyên bố mạnh mẽ đầu tiên của ông kể từ khi cuộc chiến thương mại bùng nổ.

Tại Washington, việc ông Bessent – người được giới đầu tư Phố Wall kính trọng – được bổ nhiệm là nỗ lực nhằm mang lại sự ổn định. Theo các nguồn tin, ông đã bay tới khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của Tổng thống để thuyết phục ông chuyển sang một đường lối thực dụng hơn. Từ nay, ông sẽ dẫn đầu các cuộc đàm phán thương mại với 75 quốc gia.

Lutnick và Navarro: Những “kẻ thua cuộc”

“Ngài thuế quan” Lutnick – từng là Giám đốc điều hành Cantor Fitzgerald, công ty có 658 nhân viên thiệt mạng trong vụ khủng bố 11/9 – giờ đây chỉ còn giữ vai trò phụ. Theo nguồn tin nội bộ, ông thường xuyên bị kiểm soát trong các cuộc đàm phán do tính cách cứng rắn, khó hợp tác. Đáng chú ý, ông từng đề xuất áp thuế lên Heard và quần đảo McDonald – nơi chỉ có chim cánh cụt sinh sống – với lập luận rằng các quốc gia có thể lợi dụng các vùng đất ở Nam Cực để lách thuế.

Không kém phần tranh cãi, ông cũng từng hình dung một nước Mỹ nơi “hàng triệu người làm việc trong dây chuyền sản xuất iPhone, siết từng con ốc nhỏ” – một viễn cảnh khiến giới chuyên gia phải lắc đầu.

Về phần mình, Peter Navarro – người đại diện cho lập trường dân túy trong chính sách thuế quan – dù vẫn nhận được sự chú ý nhất định từ Tổng thống, nhưng rõ ràng đang dần bị đẩy vào thế “vật tế thần”. Nhiều ý kiến cho rằng ông chỉ còn là phương án dự phòng nếu các cải tổ kinh tế của Trump gặp thất bại.

Phạm Hương - © Báo TIN TỨC VIỆT ĐỨC

Theo AP/Politico


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan