Bị Mỹ áp thuế nặng: Việt Nam đáng lẽ phải thấy đòn thuế quan này từ trước

Quốc gia Đông Nam Á này đã tuân thủ gần như hoàn hảo sách giáo khoa về phát triển kinh tế, trở thành điểm đến hấp dẫn của các tập đoàn toàn cầu. Nhưng giờ đây, sự thành công ấy lại khiến Việt Nam trở thành mục tiêu trừng phạt.

1 Bi My Ap Thue Nang Viet Nam Dang Le Phai Thay Don Thue Quan Nay Tu Truoc

Việc Mỹ bất ngờ áp thuế quan nặng tay đối với hàng hóa từ Việt Nam đã khiến cộng đồng quốc tế không khỏi bối rối và thất vọng. Đòn đánh từ chính quyền Tổng thống Donald Trump không chừa một ai – kể cả các quốc gia có mối quan hệ thân thiết với Washington. Trong số đó, Việt Nam là một trong những cái tên đáng chú ý nhất.

Từ hình mẫu phát triển đến mục tiêu bị trừng phạt

Gia nhập “cỗ máy xuất khẩu” Đông Nam Á muộn hơn so với các nước láng giềng, Việt Nam đã nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Chính phủ mở cửa đầu tư, thúc đẩy chuỗi cung ứng, phát triển hạ tầng và đẩy mạnh chống tham nhũng – những bước đi gần như theo đúng sách giáo khoa.

Khi Mỹ nỗ lực tách mình khỏi chuỗi cung ứng Trung Quốc, Việt Nam nổi lên như một điểm đến thay thế lý tưởng với chi phí rẻ, nhân công lành nghề và chính trị ổn định. Giới đầu tư quốc tế liên tục rót vốn, đặc biệt vào các ngành dệt may, giày dép, điện tử – từ Nike, Adidas đến Intel và Apple đều đã hoặc đang có mặt tại đây. Việt Nam được ca ngợi là "kẻ chiến thắng" trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Tuy nhiên, ánh hào quang ấy đã phai nhạt chỉ sau một đêm. Với mức thuế lên tới 46% – một trong những mức cao nhất từng được Trump áp dụng – Việt Nam giờ đây đối mặt với nguy cơ mất đà tăng trưởng, đe dọa trực tiếp đến hàng triệu người lao động và tầng lớp trung lưu.

Thành công… quá mức?

Theo Bloomberg Economics, hơn 25% GDP của Việt Nam phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ, và tổng kim ngạch xuất khẩu tương đương gần 90% quy mô nền kinh tế. Điều này khiến Việt Nam dễ tổn thương trước bất kỳ biến động nào từ phía Mỹ. Các cáo buộc như thao túng tiền tệ, thiếu minh bạch hay hạn chế đầu tư nước ngoài – từng nhắm vào Trung Quốc – giờ đây bắt đầu được áp lên Việt Nam.

Thực tế, Hà Nội đã lường trước phần nào rủi ro này: trước đó vài ngày, Việt Nam đã chủ động giảm thuế cho nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ. Nhưng điều đó vẫn không đủ để xoa dịu Nhà Trắng.

Cái giá của vị trí chiến lược

Không chỉ là điểm đến của các công ty phương Tây, Việt Nam còn nằm trong tầm ngắm của Trung Quốc. Washington lo ngại Bắc Kinh sẽ lợi dụng Việt Nam như "cửa hậu" để chen chân trở lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính quyền Trump cũng từng gây sức ép với cả Mexico vì lý do tương tự.

Nếu mức thuế quan mới tiếp tục được duy trì, mục tiêu tăng trưởng 8% năm nay của Việt Nam gần như không thể đạt được. Một phần thành công của Việt Nam – vốn dựa trên sự hội nhập toàn cầu và thị trường Mỹ – đang bị đặt dấu hỏi lớn.

Bị bỏ rơi một lần nữa?

Từng được Trump ca ngợi là hình mẫu phát triển, Việt Nam giờ đây lại bị gán mác là kẻ "lạm dụng hệ thống thương mại". Bộ Tài chính Mỹ từng liệt Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ năm 2020, và các cuộc điều trần tại Washington ngày càng nhắm nhiều hơn đến hàng nhập khẩu giá rẻ từ Việt Nam.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Mỹ từng theo lời kêu gọi "thoát Trung" để chuyển sản xuất sang Việt Nam nay lại phải đối mặt với rủi ro mới, và đặt câu hỏi: liệu họ có nên "nhổ cỏ tận gốc" một lần nữa?

Khi Trump tuyên bố ngày áp thuế là "ngày lịch sử", cả Đông Nam Á chấn động. Các quốc gia như Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và thậm chí cả Singapore cũng bị vạ lây, nhưng Việt Nam là trường hợp đặc biệt nhất.

Một điều đáng tiếc: có lẽ Việt Nam nên đoán trước được điều này. Không phải mô hình nào dù đúng sách giáo khoa cũng có thể miễn nhiễm với sự thay đổi thất thường trong chính sách toàn cầu. Và Mỹ – một lần nữa – đã quay lưng với Việt Nam.

Phạm Hương - © Báo TIN TỨC VIỆT ĐỨC

Theo Bloomberg


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan