Bộ Y tế đề nghị xử lý bác sĩ tư vấn, bán sữa giả cho người bệnh

Bộ Y tế vừa có văn bản khẩn yêu cầu giám đốc các bệnh viện siết chặt việc quản lý khám chữa bệnh khi xuất hiện thông tin nhân viên y tế tư vấn, hướng dẫn người bệnh dùng sữa giả.

1 Bo Y Te De Nghi Xu Ly Bac Si Tu Van Ban Sua Gia Cho Nguoi Benh

Sữa Hofumil Gold Plus nằm trong đường dây sữa giả vừa bị triệt phá, được sử dụng trong một bệnh viện ở Hà Nội. Ảnh: Tiền Phong.

Ngày 20/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn yêu cầu giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ và giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghiêm các quy định pháp luật trong khám bệnh, chữa bệnh.

Văn bản được ban hành trong bối cảnh có phản ánh về việc nhân viên y tế tư vấn, hướng dẫn sử dụng sữa giả và các sản phẩm không phải là thuốc, cũng như những sai phạm trong kê đơn thuốc.

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị y tế khẩn trương rà soát, kiểm tra danh mục thuốc và việc sử dụng thuốc tại cơ sở, đối chiếu với danh sách các thuốc giả đã được cơ quan chức năng công bố để có biện pháp xử lý kịp thời nếu phát hiện vi phạm.

Đáng chú ý, Bộ Y tế đặc biệt lưu ý đến tình trạng kê đơn thuốc có các sản phẩm không phải là thuốc như sữa, thực phẩm chức năng. Các cơ sở y tế phải rà soát, chấn chỉnh ngay lập tức nếu phát hiện tình trạng này.

Ngoài ra, văn bản cũng chỉ rõ các hành vi vi phạm cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý, bao gồm:

  • Kê đơn, chỉ định sử dụng thuốc chưa được cấp phép lưu hành.
  • Kê đơn thuốc, chỉ định dịch vụ kỹ thuật, thiết bị y tế, gợi ý chuyển bệnh nhân nhằm trục lợi.
  • Người hành nghề y bán thuốc dưới mọi hình thức.
  • Lợi dụng việc kê đơn thuốc để trục lợi.
  • Quảng cáo thuốc khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận hoặc không đúng nội dung đã được xác nhận.

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai các giải pháp bảo đảm việc kê đơn và sử dụng thuốc một cách hợp lý, an toàn và hiệu quả. Việc quản lý, giám sát kê đơn phải phù hợp với chẩn đoán, tình trạng bệnh, tính cần thiết và đúng mục đích. Đồng thời, cần tăng cường hoạt động dược lâm sàng trong tư vấn, giám sát kê đơn, theo dõi phản ứng có hại của thuốc (ADR) và quản lý tương tác thuốc theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Liên quan đến việc tiêu thụ các sản phẩm không phải là thuốc như sữa, thực phẩm chức năng trong cơ sở y tế, Bộ Y tế yêu cầu kiểm tra, rà soát việc nhân viên y tế tư vấn, giới thiệu, bán các sản phẩm này, đặc biệt là các sản phẩm sữa giả đã bị phát hiện.

Các đơn vị phải đảm bảo hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện tuân thủ đúng quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh về hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện.

Bộ Y tế cũng yêu cầu kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng các sản phẩm không phải là thuốc có nội dung liên quan đến phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người; quảng cáo vượt quá phạm vi hành nghề hoặc lợi dụng kiến thức y học để quảng cáo sai sự thật.

Bộ Y tế nhấn mạnh yêu cầu xử lý nghiêm, tuyệt đối không bao che, dung túng các hành vi vi phạm.


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan