Trước hết những người đó tự nhận là người/gia đình mình CÓ CÔNG thấy chướng chướng, sao ấy.
Nhưng cũng thông cảm, các danh hiệu “Người có công” hay “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng” là do Nhà nước áp đặt vào họ thôi, chứ họ đâu dám tự nhận.
bà Nguyễn Thị Năm (Chủ hiệu Cát Hanh Long)
Nếu nói người có công thì bà Nguyễn Thị Năm (Chủ hiệu Cát Hanh Long) và gia đình ông Trịnh Văn Bô mới là những người có công đầu, công lớn với Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Và còn biết bao nhiêu người có công cưu mang, góp tiền, vàng, gạo nuôi cán bộ, bộ đội, sắm vũ khí cho quân đội trong cuộc kháng chiến chống Pháp; rồi họ không những không được ghi công mà còn bị quy tội chết trong Cải cách ruộng đất.
Rồi bao nhiêu đồng bào, chiến sĩ hy sinh; rồi mồ hôi, nước mắt của toàn dân đóng góp nên, lại không “có công” sao?
Mà nghĩ chế độ này cũng lạ:
Cứ ai là bộ đội, công an … chết khi làm nhiệm vụ thì được coi là có công.
Còn anh tài giỏi mấy, cống hiến mấy, nhưng còn sống thì coi như không phải “diện có công”?!
Có anh công an nhảy xuống mương nước bắt tên trộm, bị nó dìm chết, hay anh công an xông vào bắt tên cướp, bị nó đâm chết… thì các anh này được tuyên dương, “nêu gương toàn ngành học tập”; nếu hai anh hoàn thành nhiệm vụ ngon lành và nhiều lần bắt cướp vẫn an toàn, thì lại không được nêu gương học tập?…
Làng tôi có bà Mỡi, góa chồng, có một con trai đi bộ đội hy sinh, thì bà là Bà Mẹ VN Anh hùng, thuộc diện “người có công”.
Ảnh minh họa
Ông chú ruột tôi đi Vệ quốc quân chống Pháp, đánh Điện Biên Phủ, sức yếu về phục viên.
Ông có 4 con trai, lần lượt đi bộ đội, hết đánh Mỹ, đánh Polpot, đánh Tàu cộng… nhưng may không thằng nào chết cả.
Vậy là 5 bố con đi bộ đội chiến đấu, nhưng sống cả, coi như không phải “diện có công”?
Anh bạn tôi, nhà có 5 anh em trai, đi bộ đội từ chống Pháp đến chống Mỹ, chống Tàu cộng, 3 anh hàm Thượng tá, Đại tá, hai anh chuyển ngành làm kỹ sư xây dựng nhiều công trình quốc gia…
Nhưng chả bao giờ họ coi đó là “gia đình có công”, vì sống sót cả 5 anh em…
Công của đất nước này là công của toàn dân, nhất là những người, những gia đình đã đóng góp tiền của, xương máu cho đất nước.
Nói một số người có công, nghe sao ấy.
Tôi đề nghị gọi chung những người hưởng chính sách Thương binh, Liệt sĩ, bệnh binh, Bà mẹ NVAH… là “diện CHÍNH SÁCH” thay vì “diện CÓ CÔNG”, gọi như vậy không gây thắc mắc, băn khoăn.
Chính sách đãi ngộ có thể chia ra hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba… phù hợp các đối tượng, cũng chả có gì thắc mắc, băn khoăn cái tên gọi “Người có công với nước”.
Ngày 6/2/2023
PGS. Mạc Văn Trang
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC