Với phụ nữ có chồng, chồng con là gánh nặng, làm vợ, làm mẹ, làm dâu là trách nhiệm cả đời - Ảnh minh họa: Internet
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm chia sẻ với hàng trăm lao động nữ ở TPHCM tại tọa đàm về chủ đề phụ nữ hạnh phúc nhân Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10.
Khi hy sinh là gánh nặng
Trong cuộc sống, không khó để thấy những "tấm gương hy sinh" của những người vợ, người mẹ. Có những cố gái trẻ có chồng rồi là rút lui về ở ẩn, từ bỏ công việc; có người bị chồng vô tâm, bạo hành nhưng cam chịu, chịu đựng với lý do vì con hay vì bố mẹ.
Dường như lúc nào họ cũng chọn thiệt thòi, gánh nặng về mình vì người khác. Nhiều người quên hẳn tâm tư, nhu cầu, mong muốn, khát vọng của chính bản thân mà thay vào đó là làm mọi cách để phụ vụ cho chồng, cho con.
Cho đi nhiều thì kỳ vọng cũng nhiều, sự ban ơn cũng nhiều. Nhiều chị em suốt ngày kêu gào công lao, cho rằng chồng con phải ghi nhớ, đền đáp sự hy sinh, đánh đổi của mình.
Để rồi, không chỉ bản thân họ mà có khi chồng con cũng phải khổ sở vì sự "cho đi bằng hết" của vợ, của mẹ.
Biết bao nhiêu ông chồng, không ngóc đầu lên nổi vì sự chì chiết "nhờ tôi anh mới có", bao nhiêu đứa con sống trong món nợ đời "nhờ mẹ", dằn vặt "vì mình mà mẹ".
Nhiều bà mẹ cho đi hết, quên cả bản thân mình, nghĩ vậy vì cho con, vì con. Trong khi, không một ai, không một đứa trẻ nào có thể sống hạnh phúc trên sự hy sinh của người khác. Nhất là khi người đó lại là mẹ mình, người mà những đứa con luôn mong họ hạnh phúc, bình yên nhất.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm, rất nhiều chị em đang sống trên ảo tưởng phải hy sinh thì mới có giá trị, mới là người phụ nữ xứng đáng. Trong khi, họ là linh hồn của gia đình, nếu họ đang phải hy sinh, họ không bình an, không hạnh phúc thì không cách nào để gia đình, chồng con hạnh phúc.
Nhiệm vụ lớn nhất của người phụ nữ là làm mình hạnh phúc
Hy sinh, cho đi nhiều nhưng bà Nguyễn Thị Tâm cho rằng, quanh chúng ta nhìn đâu cũng có thể những người đàn chịu quá nhiều đau thương. Từ những người bà, người mẹ, cho đến bản thân các chị em, nhiều số phận khổ muốn chết!
Họ bị quá tải trong cuộc sống, mang trên vai quá nhiều gánh nặng trách nhiệm. Rồi chồng vô tâm, bồ bịch... với đủ nỗi khổ trên đời.
Trong quá trình tư vấn, bà Tâm từng đặt câu hỏi với nhiều chị em ao ước điều gì nhất trong cuộc đời từ người chồng thì vô cùng bất ngờ lẫn đau lòng khi nhiều người có câu trả lời: Ước chồng đi làm về chịu chơi con.
"Sao mà phụ nữ lại khổ thế này? Con là con chung, chứ có phải con của mình người phụ nữ đâu mà giờ đây họ phải ước chồng chơi với con, xin chồng mình hãy để ý đến gia đình hơn", người này thốt lên.
Gia đình chỉ hạnh phúc khi người phụ nữ hạnh phúc (Ảnh: Hoài Nam)
Ngay hôm nay, nói chuyện về hạnh phúc, cả hội trường cũng chỉ toàn phụ nữ nói với nhau cần làm gì, phải làm gì, không có bóng dáng một người đàn ông nào. Nhiều người chồng đang trút hết trách nhiệm ven vén gia đình, nuôi dạy con cho người vợ.
Theo bà Tâm, ngày nào mà chị em chúng ta còn đòi quà, còn cần được ưu tiên cái này, cái kia là phụ nữ còn đang rất thiếu thốn. Vì không có nên mới phải đòi.
Ngày nào chúng ta đang tưng bừng kỷ niệm những ngày phụ nữ là phụ nữ còn đang sống trong sự bất bình đẳng, đang phải vùng dậy. Những ngày kỷ niệm này như là một giải an ủi.
Chuyên gia này cũng nhắn nhủ, người đàn ông cần yêu thương, trân trọng người bạn đời. Người chồng không trân trọng vợ thì chính họ đang hủy hoại hạnh phúc của chính mình, của gia đình mình.
Còn người phụ nữ cần có thái độ, nhận thức, cảm xúc về hạnh phúc. Bản thân phụ nữ hãy tự hỏi mình cảm thấy hạnh phúc mỗi ngày chưa? Để có được hạnh phúc trong cuộc sống gia đình và cả công việc, phụ nữ cũng cần điều chỉnh cách ứng xử, giao tiếp của mình. Cần tránh tâm trạng ghen tỵ, đố kỵ, phán xét để không bị năng lượng tiêu cực đầu độc bản thân.
"Nhiệm vụ lớn nhất của người mẹ, người vợ là làm cho chính bản thân mình hạnh phúc. Họ phải đầu tư cho bản thân, biết hưởng thụ để mình hạnh phúc thì mới truyền được sự hạnh phúc đó sang chồng, sang con.
Còn phụ nữ còn phải hy sinh, đau khổ, cạn kiệt năng lượng, suốt ngày nhăn nhó, cau có thì gia đình không thể hạnh phúc được", chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm nhấn mạnh.
Nguồn: Nguyên Hoài Phong/Dân Trí
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC