"Năm nay, cả nước có trên 122.000 thí sinh bỏ nhập học đại học, và năm sau có lẽ sẽ còn nhiều hơn nữa. Đó là những con số rất đáng lo ngại cho ngành Giáo dục nước nhà. Bằng đại học có mất giá hay không thể hiện ở con số thống kê cụ thể chứ tôi không có khả năng đánh giá.
Tôi chỉ thấy rất khó hiểu một điều rằng tại sao sinh viên học bốn, năm năm, tốn kém khoảng 500 triệu đồng, nhưng khi ra trường các em lại không thể làm được việc đúng chuyên môn, phải làm trái nghề đã được đào tạo? Rồi khi đi làm, các doanh nghiệp lại phải đào tạo lại từ con số 0. Đó là một điều rất vô lý, làm phí phạm thời gian và tiền bạc của gia đình các em.
Đây là tình trạng chung của rất nhiều các sinh viên sau khi ra trường. Tôi không hiểu các trường đại học đã dạy gì cho các em? Phải chăng chương trình giảng dạy của các trường đang không theo kịp yêu cầu chuyên môn hiện tại của các công ty, nên ra trường các em không biết làm việc. Hay trường dạy một kiểu, còn các công ty lại làm việc theo một kiểu khác nên dẫn tới chuyên môn của sinh viên ra trường không đáp ứng được?
Ở đây, tôi chưa nói đến chuyên môn công việc, cái đơn giản như cách in một tờ giấy A4 mà nhiều em cũng không biết, viết một cái email đơn giản cũng không nổi... Công ty nhận sinh viên mới ra trường vào làm đều phải đào tạo từ những thứ cơ bản nhất suốt nhiều tháng, nhưng các em theo không kịp công việc rồi lại phải nghỉ.
Rất nhiều công ty ở Việt Nam phàn nàn về chất lượng sinh viên khi ra trường chứ đâu phải chỉ một, hai doanh nghiệp. Hiện tại rất nhiều nơi luôn cần tuyển nhân sự có chuyên môn, nhưng họ vẫn khó tuyển được đủ số lượng dù lượng sinh viên thất nghiệp mỗi năm vẫn tăng đều. Ngay cả các chuyên gia nước ngoài cũng nói sinh viên Việt lấy bằng loại giỏi, xuất sắc nhưng khi vào thực tế cũng chẳng làm được việc.
Tôi cho rằng, ngành Giáo dục cần nhìn thẳng vào thực tế này để điều chỉnh. Cái gì không phù hợp thì phải thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh, chứ cứ bảo thủ thì bao giờ giáo dục nước nhà mới đi lên được?
Trường đại học thu rất nhiều tiền học phí của sinh viên để đào tạo cho các em nhưng ra trường nhiều em không biết làm gì, đó là trách nhiệm lớn của các trường đại học. Nếu nói trường học chỉ dạy lý thuyết, tư duy cho sinh viên, chứ không tập trung dạy thực hành công việc, nếu chương trình của các trường đại học nhẹ nhàng như vậy thì thu học phí thấp thôi mới phải.
Trường học bây giờ cũng là một ngành nghề. Nếu chất lượng sản phẩm đầu ra bị rất nhiều người phản ánh theo chiều hướng tiêu cực thì trường học đó phải nghiêm túc xem lại cách thức truyền đạt kiến thức cho các sinh viên của mình có phù hợp, có sát sao với yêu cầu chuyên môn của xã hội bây giờ hay không? Nếu thấy không phù hợp thì các trường phải có tinh thần cầu thị, kết hợp với các doanh nghiệp để thay đổi. Có như vậy, tương lai ngành Giáo dục mới phát triển, bằng không tương lai sẽ còn rất nhiều em bỏ đại học".
Đó là quan điểm của độc giả Nguyenthaitrước thực trạng chất lượng sinh viên tốt nghiệp đại học hiện nay. Theo thống kê, hơn 122.000 trong khoảng 673.600 thí sinh đỗ đại học nhưng không xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Một trong những nguyên nhân được đưa ra là do học phí cao. Thống kê từ 110 trường đại học cho thấy học phí với tân sinh viên năm học này phổ biến quanh mức 20-35 triệu đồng. So với năm học trước, mức thu của nhiều trường tăng khoảng 10%.
Lê Phạm tổng hợp
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC