Tôi ngày trước học nhàn, cớ gì trẻ em ngày nay học nặng

Tôi ngày trước học nhàn, cớ gì trẻ em ngày nay học nặng

Thời tôi, việc học rất nhàn, trẻ con có thời gian vui chơi, phụ giúp gia đình, không như ngày nay phải học thêm để không bị hổng kiến thức.

1 Toi Ngay Truoc Hoc Nhan Co Gi Tre Em Ngay Nay Hoc Nang

Ngày trước, việc học có vẻ nhàn hơn giờ rất nhiều. Ngoài giờ học, bọn trẻ con chúng tôi còn rất nhiều thời gian để phụ giúp gia đình, để vui chơi cùng chúng bạn những trò chơi dân gian như trốn tìm, lò cò, đánh đũa, đánh khăng, hoặc những hoạt động thể chất như bơi lội, đá bóng...

Chơi nhiều, học ít là vậy nhưng thế hệ ấy cũng đào tạo được nhiều người giỏi, cũng góp phần để dựng xây đất nước được giàu đẹp như hôm nay đấy thôi.

Nhìn lại việc học ngày trước, tôi nhớ không nhầm thì học trò tiểu học đi học mỗi ngày chỉ bốn tiếng, một buổi sáng hoặc chiều tùy từng lớp, từng trường mà thôi. Chương trình học ngày ấy cũng không nhiều như bây giờ.

Còn ngày nay, để đáp ứng với yêu cầu phát triển của thời đại, nên chương trình giáo dục của ta phải thêm những môn học mà ngày trước không có. Chắc chắn một điều là thời lượng học ở trường, ở lớp không đủ để giáo viên dạy hết, dạy đủ, dạy kỹ nội dung kiến thức của bài học cho học trò được.

Từ đây, yêu cầu học thêm, dạy thêm trở thành một nhu cầu thực tế. Nhất là những gia đình có điều kiện, và đặc biệt là các gia đình có truyền thống hiếu học, luôn muốn tạo mọi điều kiện tốt nhất để đưa con đến lớp học thêm, nhằm bổ trợ kiến thức cần thiết, tránh bị thua kém bạn bè.

Đó cũng là nguyên nhân nhiều học sinh bị mất căn bản trên lớp, dẫn đến tình trạng chán học, đến lớp nghe thầy cô giảng bài mà như "vịt nghe sấm", không hiểu gì.

Tôi từng trực tiếp chứng kiến nhiều cháu đã học đến lớp 5, nhưng đọc vẫn không thông, viết vẫn chưa thạo. Nhưng vì nhiều nguyên nhân, cháu vẫn đều đặn lên lớp qua mỗi năm, vậy thử hỏi làm sao học sinh ấy có thể theo được ở những lớp cao hơn của bậc trung học cho được?

Tôi thiết nghĩ, các cơ quan thuộc bộ máy giáo dục nước nhà cần có những chiến lược phù hợp hơn, những kế sách thực tế hơn, những chương trình đào tạo hữu ích hơn, như vậy việc học mới đáp ứng được yêu cầu "giáo dục là quốc sách".

Nguyen Thuy


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan