Chiến tranh Lạnh sẽ kết thúc rất khác nếu…

Những tài liệu mới được tiết lộ cho thấy, ông Helmut Kohl khi đang giữ cương vị Thủ tướng Tây Đức (Cộng hòa Liên bang Đức cũ) đã phản đối đàm phán với Nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev trong giai đoạn cuối của Chiến tranh Lạnh.

Nếu ông thành công, có lẽ xung đột này sẽ kết thúc theo một cách rất khác.

Cựu Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Đức Hans-Dietrich Genscher từng nhắc về mối thân tình với cựu Thủ tướng Helmut Kohl, người từng “kề vai sát cánh” trong liên minh cầm quyền năm ấy. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn thừa nhận giữa hai người từng tồn tại nhiều bất đồng tưởng chừng như không thể gỡ bỏ.

Trong giai đoạn 1982 – 1992, hai người đã cùng nhau dẫn dắt Tây Đức và sau đó là nước Đức thống nhất. Họ thương thảo quá trình thống nhất nước Đức, dọn đường cho sự xuất hiện của đồng Euro. Nhưng ngay cả khi đó, họ vẫn thường xuyên ở thế đối đầu, với những cuộc khẩu chiến dai dẳng và gay gắt.

Ông Kohl - thành viên của đảng trung hữu Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) - từng gọi Ngoại trưởng Genscher là “chuyên gia tâng bốc”. Đáp trả, ông Genscher - người có lập trường gần gũi với giới doanh nghiệp của đảng Dân chủ Tự do (FDP) - tin rằng Ngài Thủ tướng chưa bao giờ là nhân vật có sức ảnh hưởng chính trị lớn như mọi người tưởng tượng. Không thiếu những lần mà khác biệt về quan điểm của cựu Thủ tướng và cựu Ngoại trưởng Đức đã thay đổi lịch sử nước Đức và thế giới. Xung đột đáng kể nhất giữa hai người liên quan đến vấn đề Liên Xô, khi chính trị gia theo thiên hướng cải cách Mikhail Gorbachev trở thành chủ nhân điện Kremlin năm 1985 và theo đuổi chủ trương hòa hoãn.

Chiến tranh Lạnh sẽ kết thúc rất khác nếu… - 0 Từ trái sang: Ngoại trưởng Đức Hans-Dietrich Genscher, Lãnh đạo Liên xô Michaił Gorbachev và Thủ tướng Đức Helmut Kohl, tháng 7/1990. (Nguồn: AP)

Trong khi ông Genscher nhìn nhận chính sách của Moscow như là một cơ hội, ông Kohl lại tỏ ra hoài nghi hơn nhiều. Với sự đồng ý của Bộ Ngoại giao Đức, những tài liệu mật từ năm 1987, trong đó bao gồm báo cáo của các đại sứ, phân tích từ các vụ trưởng, nội dung các cuộc đối thoại từ lưu trữ của Bộ Ngoại giao và Văn phòng Thủ tướng, cũng như một số lá thư từ nhà riêng của cựu Thủ tướng Kohl ở Oggersheim, đã được Viện Nghiên cứu Lịch sử Đương đại Đức tại Munich công bố. Nó đã cung cấp góc nhìn mới về tranh cãi giữa hai người và phải nói rằng, người Đức đã rất may mắn.

Theo đó, khi gặp gỡ những nguyên thủ quốc gia khác, ông Kohl thường lên tiếng phản đối sự hiện diện của nhà lãnh đạo mới tại Moscow, đồng thời cố gắng trì hoãn động thái giải giáp vũ khí hạt nhân của Liên Xô.

Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) về cấm sử dụng tên lửa hạt nhân tầm trung vẫn thường được coi là bước ngoặt lớn của Chiến tranh Lạnh.

Nhưng vào thời điểm đó, có lúc việc ký kết thỏa thuận này tưởng chừng đã trở nên bất khả thi, đặc biệt là với sự nghi ngờ từ phía Bonn.

Sự hoài nghi

Tháng 5/1987, Thủ tướng Kohl thậm chí đã bí mật chuẩn bị một chương trình vũ trang mới. Ông muốn các thành viên châu Âu trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng tập hợp và yêu cầu Mỹ đưa tên lửa hạt nhân tới châu Âu. Ông đã cố gắng thuyết phục người đồng cấp Bỉ Wilfried Martens ủng hộ nỗ lực này. Ông cho rằng nó có thể “khiến Italy đồng ý và tạo ra một vị thế mạnh mẽ cho châu Âu, khiến người Mỹ phải cân nhắc”.

Ông cũng dặn dò các quan chức không gửi nội dung hội đàm tới Bộ Ngoại giao. Nếu ông Kohl thành công, ông Gorbachev nhiều khả năng sẽ không chấp nhận sự sụp đổ của Bức tường Berlin và công cuộc thống nhất nước Đức chỉ hai năm sau.

Tuy nhiên cuối cùng, Ngoại trưởng Genscher đã can thiệp kịp thời. Ông Kohl thoái lui khỏi kế hoạch của mình bởi ông lo ngại có thể kích động những “xung đột mạnh mẽ trong liên minh” như ông từng nói. Frank Elbe, phụ tá của ông Genscher, thuật lại rằng người đứng đầu ngành Ngoại giao Đức đã “phải nỗ lực vô cùng để thay đổi quan điểm của Thủ tướng”.

Trước đó, liên minh cầm quyền tại Đức vẫn vận hành khá trơn tru. Sau khi chiến thắng trong cuộc Bầu cử Liên bang tháng 1/1987, ông Genscher đã gửi ông Kohl một bức thư tay, trong đó ba lần nhấn mạnh về mối quan hệ “đồng hành thân thiết” giữa hai người.

Dẫu vậy, không lâu sau, khác biệt trong cách nhìn nhận về ông chủ mới của điện Kremlin của ông Kohl và ông Genscher dần lộ rõ. Thủ tướng Kohl nhìn nhận chính sách cải cách của lãnh đạo Liên Xô là “không đáng kể”.

Trong khi đó, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Ngoại trưởng Genscher cho rằng thay vì chờ đợi ông Gorbachev, các nước phương Tây cần hành động ngay - điều mà ông Kohl không thể và cũng không muốn thực hiện, nhất là khi ông Gorbachev dường như thường ngó lơ ông Kohl. Lãnh đạo Liên Xô Gorbachev từng nhiều lần hoãn chuyến viếng thăm Bonn, nhưng lại gửi lời mới tới những đối thủ của ông Kohl như Tổng thống Đức đầu tiên  Richard von Weizsäcker, Chủ tịch Đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CSU) Franz Josef Strauß, Thủ hiến bang Baden Württemberg Lothar Späth và ông Genscher.

Xung khắc cá nhân

Tuy nhiên, ông Gorbachev không đi theo kịch bản đó. Lãnh đạo Liên Xô mong muốn cải tổ đất nước với nền kinh tế đang sụp đổ và chấm dứt Chiến tranh Lạnh. Ông khiến phương Tây bất ngờ khi theo đuổi các sáng kiến giải trừ quân bị, dù khiến Liên Xô tổn hại không nhỏ. Một trong số đó kêu gọi Washington và Moscow phá hủy tên lửa hạt nhân tầm trung phóng từ mặt đất của họ tại châu Âu. Phương Tây thường xuyên yêu cầu Liên Xô tiến hành những kế hoạch như vậy, được gọi là “Giải pháp số 0”. Ban đầu, ông Kohl ủng hộ ý tưởng trên vì cho rằng Kremlin sẽ không bao giờ đồng ý, dù theo ông, kế hoạch này là “sai lầm”. Tuy nhiên, sau cuộc “thảo luận kịch liệt” như ông Genscher từng mô tả, ông Kohl đã bị khuất phục và tiếp tục duy trì lập trường ủng hộ ban đầu của mình.

 Mùa Xuân 1987, ông Genscher nhận thấy cơ hội “để xóa bỏ sự thống trị của Liên Xô trong sở hữu vũ khí hạt nhân”. Còn Thủ tướng Kohl chỉ miễn cưỡng dõi theo khi những cường quốc xúc tiến thỏa thuận giải giáp vũ khí tại Geneva. Khi lãnh đạo

Liên Xô Gorbachev đề xuất ông đã sẵn sàng cho việc từ bỏ tên lửa hạt nhân tầm ngắn hay “Giải pháp số 0 kép”, Thủ tướng Kohl đã cố gắng ngăn cản điều này tại NATO. Ông yêu cầu 72 tên lửa hạt nhân Pershing I đóng tại Đức được loại trừ trong các cuộc đàm phán ở Geneva. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Eduard Shevardnadze, điều này đã trở thành “trở ngại số một” trong việc đạt được thỏa thuận giải giáp vũ khí.

Ngay cả khi thế giới đã cách xa một thảm họa hạt nhân hơn bất kỳ khoảnh khắc nào trong Chiến tranh Lạnh, Thủ tướng Kohl vẫn luôn đề phòng tình huống xấu nhất. Ông cho rằng một khi Tây Đức bị tấn công, NATO cần có khả năng phóng tên lửa từ quốc gia này tới Liên Xô. Ông muốn thay thế những tên lửa Pershing I cũ bằng tên lửa mới hơn và phân bố chúng khắp các quốc gia NATO, trong đó có Bỉ.

Tuy nhiên, ông Genscher đã phản biện lại tất cả những suy nghĩ này của ông Kohl. Trong nhiều tuần, một cuộc cãi vã lớn nổ ra. Trong lá thư hiếm hoi còn sót lại mà ông Kohl gửi ông Genscher, ngài Thủ tướng cảnh báo vị Ngoại trưởng đang “tiến một bước lớn” tới việc hòa hoãn với Liên Xô, đồng thời đe dọa sẽ “theo dõi sát sao từng bước đi”.

Ngài Thủ tướng lùi bước

Nhiều năm sau, ông Genscher tiết lộ ông Kohl vẫn chưa thể chấp nhận việc có người ngáng đường và khiến ông cảm thấy bất lực. Trong khi các chính trị gia của FDP lại có đồng minh đắc lực: Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, người tìm kiếm cơ hội cho thế giới không còn vũ khí hạt nhân dù đã sắp hết nhiệm kỳ. Chủ nhân Nhà Trắng mong muốn có thể đi đến một thỏa thuận với Moscow, dù tư tưởng hòa bình của ông vẫn gặp phải không ít sự phản đối.

Tuy nhiên, các chính trị gia tại Bonn đã không còn hứng thú với việc phản đối ý tưởng hòa bình. Họ không muốn tranh cãi về một chương trình trang bị vũ khí mới và đồng thuận về việc thương thảo với ông Gorbachev. Cuối tháng 8/1987, Thủ tướng Kohl lùi bước, tuyên bố ông đã “đầu hàng” trước “chính sách an ninh của ông Hans-Dietrich Genscher”.

Vài tháng sau, Lãnh đạo Liên Xô Gorbachev và Tổng thống Mỹ Reagan ký kết Hiệp ước INF. Đây là cột mốc trong lịch sử giải giáp vũ khí, đánh dấu lần đầu tiên một danh mục vũ khí đã bị gạt bỏ và khiến những thỏa thuận trong tương lai trở nên dễ dàng hơn.

Trong lá thư gửi tới Bonn nhân thỏa thuận được ký kết, ông Gorbachev vẫn tỏ ra thận trọng trước những áp lực trong nước khi nhận định Thủ tướng Đức đã làm “những gì mà chúng ta, như mọi người dân châu Âu khác, kỳ vọng từ phía Tây Đức”.

Minh Quân

theo Spiegel


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan