Cuộc phong tỏa kéo dài gần 1 năm, kéo dài từ 24/6/1948 đến 12/5/1949.
Sau Thế chiến 2 khi quân phát xít đầu hàng, nước Đức bại trận được chia thành 4 vùng nằm trong sự kiểm soát của nhiều quốc gia khác nhau. Phần phía đông của đất nước do Liên Xô kiểm soát, trong khi phần phía tây thuộc về Mỹ, Anh và Pháp.
Nước Đức sau Thế chiến 2 (1/9/1945) với các vùng thuộc quyền kiểm soát của Anh (vàng đậm), Mỹ (xanh lá), Pháp (xanh dương) và Liên Xô (hồng). Đồ họa: A.Kunz
Dù Berlin nằm hoàn toàn trong vùng Liên Xô kiểm soát, các hiệp định Yalta và Potsdam chia thành phố thành những phần tương tự. Liên Xô cai quản nửa phía đông, còn các đồng minh khác kiểm soát phần phía tây. Việc chiếm đóng 4 bên ở Berlin bắt đầu vào tháng 6/1945.
Năm 1948, sau khi Mỹ, Anh và Pháp đơn phương cải cách tiền tệ ở Tây Đức và Tây Berlin, Liên Xô đã quyết định phản ứng bằng cách tiến hành chiến dịch phong tỏa Tây Berlin, mục đích buộc các đồng minh phương Tây phải rời khỏi thành phố. Theo đó, Liên Xô chặn lưu thông đường bộ, đường sắt và đường kênh ra – vào Tây Berlin.
Người dân Berlin xem máy bay C-54 mang hàng tiếp tế hạ cánh tại Sân bay Tempelhof (1948).
Tuy nhiên, thay vì rút lui, ngày 26/6/1948, Mỹ và các đồng minh quyết định mở chiến dịch không vận, tiếp viện từ trên không cho các vùng mình cai quản trong thành phố.
Các phi đội của Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Australia và New Zealand và Nam Phi đã tiến hành hơn 200.000 chuyến bay trong một năm, cung cấp cho dân chúng Tây Berlin 8.893 tấn hàng hóa cần thiết mỗi ngày, nhiều hơn cả lượng hàng hóa được chuyển vào thành phố trước đó.
Tính tổng trong hơn một năm, họ đã vận chuyển hơn 2,3 triệu tấn lương thực, chất đốt và hàng hóa khác tới Tây Berlin.
Liên Xô không ngăn chặn các hoạt động không vận này của các nước đồng minh vì lo ngại chúng có thể dẫn đến xung đột. Cuối cùng, vào ngày 12/5/1949, Liên Xô dừng chiến dịch phong tỏa của mình.
Chiến dịch phong tỏa Tây Berlin của Liên Xô được cho là đã nêu bật các tầm nhìn về kinh tế và ý thức cạnh tranh đối với châu Âu thời hậu chiến.
Thanh Hảo
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC