Chuyện học của học sinh tiểu học ở Đức

Nhà giáo Đỗ Kim Hồi (nguyên cán bộ Sở GD-ĐT Hà Nội) chia sẻ về chuyện học tại một trường tiểu học ở Đức, nơi các cháu của ông theo học, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

1. Cặp sách của các cháu cũng kềnh càng và nặng không kém cặp sách của các cháu ở Việt Nam (lại nghĩ đến chuyện cậu cháu trai chưa đầy 6 tuổi của tôi nhăn nhó khi phải đeo cặp “trình diễn” hôm khai giảng – ở đây chỉ tổ chức khai giảng cho học sinh lớp 1). Cái khác là chiếc cặp to nặng ấy, các cháu được cất ở trường, đến cuối tuần mới mang về nhà, đầu tuần lại đem đến lớp.

Chuyện học của học sinh tiểu học ở Đức - 0

Nhà giáo Đỗ Kim Hồi và các cháu ông ở Đức.

2. Bên cạnh những yêu cầu được coi là nhẹ nhàng so với chương trình Việt Nam thường xuyên bị lên án là “quá tải”, cũng có không quá ít chỗ rõ ràng là nặng, thậm chí rất nặng nếu đối chiếu với cái chương trình “quá tải” kia. Ví dụ:

Hai cháu tôi khi vào lớp 1 đã phải học cùng lúc cả tiếng Anh và tiếng Trung Quốc. Dĩ nhiên, tiếng Đức, ngôn ngữ chính, đã phải học rất nhiều. Tới lớp 2, các cháu lại có thêm giờ tiếng Pháp. Đấy là chưa kể, các cháu vẫn phải nói tiếng Việt, ít nhất là đối với những người “mù tịt” tiếng Đức như ông bà.

Chuyện học của học sinh tiểu học ở Đức - 1

Sách học tiếng Trung Quốc và tiếng Pháp của học sinh lớp 1 ở Đức.

Đến giờ, các cháu đã phải làm 2 bài thuyết trình bằng miệng trước lớp, trong khoảng 15 phút, 1 bài về đề tài vật nuôi, 1 bài giới thiệu về một đất nước. Khi thuyết trình, các cháu phải đưa ra tờ giấy khổ lớn, thể hiện những thông tin, hình ảnh mà mình tự sưu tầm được, kèm theo các hiện vật cụ thể (nếu có). Lúc đứng trước lớp, cô giáo yêu cầu học sinh phải nói, chứ không đọc. Sau đó, người nói phải trả lời các câu hỏi của người nghe (dĩ nhiên, không phải lúc nào các cô cậu cũng giải đáp được thật trôi chảy). Bài làm được chấm cả về hai mặt: nội dung và cách trình bày.

Chuyện học của học sinh tiểu học ở Đức - 2

3. Trường học của các cháu vẫn cho điểm học sinh. Ví dụ, với bài trình bày nói trên, mỗi cháu sẽ nhận được hai loại điểm. Giáo viên không chỉ cho điểm các bài kiểm tra, mà còn cho điểm chung của mỗi học kỳ và toàn năm học. Điểm số phải được thông báo cho bố mẹ (như cậu Tùng Phong, có lần để đâu mất bài kiểm tra tiếng Anh, không nộp lại được chữ ký của bố mẹ, nên bị hạ từ điểm 1 xuống điểm 2). Chỉ có điều, cô không bao giờ công bố điểm của bất kỳ ai trước lớp. Về nguyên tắc, học sinh không có quyền biết điểm của nhau.

4. Các cháu tôi rất sớm làm quen với các thứ bầu cử. Đến lớp 3, các cháu đã được ứng cử và bầu cử vào chức danh người phát ngôn của lớp. Và ngay từ thời ở vườn trẻ, nhà trường vẫn lập những “Hội đồng trẻ em” (Kilder Konferenz). Các thành viên Hội đồng sẽ cùng với một cô giáo thảo luận và thông qua một số nội dung (Themen) hoạt động của một khoảng thời gian hay một sự kiện nào đó. Quyết nghị được xác lập bằng cách bỏ phiếu và phải được chấp hành. Phiếu của cô giáo cũng được tính là 1 phiếu, có giá trị ngang với phiếu của mỗi thành viên tí hon của hội đồng.

Đấy là những điều tôi biết được từ mấy đứa cháu trong nhà, xin kể lại để các bạn tham khảo. Quyền đánh giá, trước hết, xin nhường cho các bạn.

Nguồn: dantri.com.vn


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan