Trường ĐH British Columbia (Vancouver, Canada) có 13 khu KTX với hơn 50.000 sinh viên. Riêng khu KTX tôi ở có hơn 1.000 sinh viên lưu trú. Nhưng kể từ khi trường thông báo đóng cửa, KTX chỉ còn khoảng 50 sinh viên trong khuôn viên rộng gần hai héc-ta. Vì cách khu dân cư một khu rừng nên đa số sinh viên ít khi ra khỏi KTX và người bên ngoài cũng ít khi nào tiếp cận. Do đó, có thể xem KTX là nơi an toàn để “trốn dịch”.
Một KTX nhộn nhịp thường ngày giờ như chốn không người. Tất cả nhà hàng, quán cà phê, cửa hàng thức ăn nhanh, siêu thị trong khuôn viên KTX đều đóng cửa. Có ba căng-tin vẫn mở cửa phục vụ sinh viên, nhưng mỗi căng-tin giờ chỉ còn một gian hàng thức ăn so với năm, sáu gian hàng như thường ngày. Tất cả sự giao tiếp giữa những sinh viên ở lại với nhân viên căng-tin cũng dừng lại ở yêu cầu ngay tại vạch đánh dấu khoảng cách an toàn. Những bữa cơm diễn ra trong lặng lẽ từ căn phòng KTX.
Tâm trạng chán nản bao trùm lấy tôi trong những ngày đầu, bởi thời gian rỗi rãi quá nhiều và không gian hoạt động bị bó hẹp trong phòng. Cảm giác như bạn đang trong kỳ nghỉ hè nhưng lại bị “mắc kẹt” ở trường, không thể về nhà, cũng chẳng thể đi đâu. Học online, thoáng nghe có vẻ tự do nhưng thực chất khó khăn hơn rất nhiều so với việc đến lớp. Thiếu sự tương tác trực tiếp với giảng viên, cũng như thiếu sự trao đổi nhóm, việc tiếp thu, nắm bắt bài giảng hạn chế rất nhiều. Để giữ cân bằng trước sự thay đổi đột ngột này, tôi đã tự trấn an mình: đây là cơ hội để “sống chậm” lại. Ngoài thời gian học online, tôi đã chuyển những hoạt động theo nhóm sang đọc sách, chơi đàn, làm những việc trước đây dù muốn nhưng không có thời gian… Tuy nhiên, nếu hôm nào trời đẹp, tôi ra ngoài đi bộ để tận hưởng không khí trong lành và cẩn thận tuân thủ những quy tắc để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.
Điều đáng tiếc nhất là lễ tốt nghiệp đại học của trường năm nay đã bị hủy bỏ. Nhiều bạn sinh viên đã trông chờ giây phút này nhưng cuối cùng rơi vào cảm giác hụt hẫng. Dịch bệnh đã lấy đi sự kiện ý nghĩa nhất trong cuộc đời sinh viên.
Chúng tôi hoàn toàn không biết thời gian phải quay trở lại trường học. Vé máy bay không phải rẻ, trong khi đó, tiền thuê nhà vẫn phải đóng hằng tháng. Thêm nữa, hành trình trở về so với việc ở yên tại chỗ có quá nhiều nguy cơ nhiễm bệnh. Suốt những tháng qua, tôi hoàn toàn một mình, bởi ba bạn ở cùng nhà trọ đã về Việt Nam, còn tôi thì chưa hề bước ra khỏi cửa. Tình trạng hiện tại chắc sẽ còn kéo dài khoảng một tháng nữa. Nhưng đó là điều cần thiết để đảm bảo an toàn cho bản thân. Thức ăn dự trữ đủ cho tôi trong chừng ấy thời gian không phải ra ngoài.
Lịch học vẫn diễn ra theo thời khóa biểu bình thường. Mỗi ngày, tôi dành khoảng ba tiếng cho việc học online. Không gò bó như học ở trường, là phải đúng giờ và hết giờ mới được về, tôi dừng học bất cứ khi nào cảm thấy mình tiếp nhận đủ. Một vài môn thi bắt buộc phải hoãn lại vì việc làm bài thi từ xa không đáp ứng được yêu cầu và đặc trưng của môn học. Một số hoạt động học tập theo nhóm cũng phải hủy bỏ.
Thời gian còn lại, tôi gọi điện thoại trò chuyện với gia đình, tập yoga, đọc sách, dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng… cố gắng làm việc nhiều nhất có thể để cơ thể liên tục vận động nhằm tránh những cảm xúc tiêu cực. Với tôi, điều tốt nhất hiện giờ là giữ sự lạc quan và tinh thần thoải mái.
Nguồn: phunuonline
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC