Nhẹ dạ, mất tiền
Chị D. (quê tại tỉnh Tây Ninh) cho hay, anh trai của chị nhìn thấy thông báo tuyển dụng làm việc tại Hàn Quốc vào tháng 9/2022. Gia đình thuộc diện khó khăn, anh trai chị mừng rỡ khi nghĩ có thể kiếm tiền giúp cả nhà đổi đời.
Thời gian đầu, người môi giới thông báo đóng 6 triệu đồng để làm thủ tục, ngoài ra không mất khoản phí nào. Thế nhưng, không lâu sau phía môi giới lại thông báo đóng thêm 50 triệu đồng chứng minh tài chính. Số tiền này cam kết sẽ trả lại sau khi hoàn thành.
Chạy đua tới nhiều nước Đông Bắc Á lao động, nhiều người không tránh khỏi bẫy lừa đảo "tiền mất, tật mang" (Ảnh minh họa: CTV).
"Những tưởng như vậy là xong, họ lại đòi chúng tôi đưa 30 triệu đồng nữa là có thể bay qua Hàn ngay. Gia đình cũng nóng lòng vì đã đưa một phần tiền rồi, nên bấm bụng mượn đưa thêm nữa. Họ biết anh tôi là người thật sự muốn đi lao động nên dẫn dụ hết lần này đến lần khác", chị D. bức xúc.
Đã "đâm lao", nếu không tiếp tục làm theo, người lao động sẽ bị mất phần tiền cọc. Thế nhưng, sau khi đóng đủ tiền theo yêu cầu, những gì gia đình chị D. nhận được là sự im lặng, cùng số nợ không biết khi nào trả hết. Dù có đăng tải lên mạng xã hội cầu cứu, hay ra sức liên lạc với người môi giới, gần 90 triệu đồng bỏ ra "không cánh mà bay".
Chị N. bộc bạch, không chỉ riêng anh trai chị mà rất nhiều người bị lừa với cùng một thủ đoạn. Trong nhóm chat trên mạng xã hội có tên "Bị lừa thời vụ Hàn" do chị D. lập ra có 6 người ở cảnh tương tự, bị lừa với số tiền từ 27 tới 284 triệu đồng.
Có không ít lao động Việt đã bị lừa số tiền hàng trăm triệu đồng vì tin vào những tổ chức môi giới xuất khẩu lao động không rõ ràng (Ảnh minh họa: CTV).
Chấp nhận bỏ 70 triệu đồng để không bị lừa nhiều hơn, anh T.P. đành "ngậm đắng" vì thủ đoạn lừa đảo của trung tâm môi giới xuất khẩu lao động. Cũng theo hướng dẫn, anh thanh toán số tiền nói trên. Người môi giới nhiều lần hứa hẹn ngày sang Đức làm việc nhưng anh P. chờ mãi không thấy.
Nhận thấy dấu hiệu lừa đảo, anh P. đòi tiền cọc không thành, rồi đành chấp nhận bỏ trắng số tiền để đỡ "bâm" vào sâu hơn.
"Hợp đồng ban đầu là 250 triệu đồng, bao gồm chi phí học, ở, làm visa, khám sức khỏe, vé máy bay. Nhưng trong quá trình học tôi nhận thấy nhiều điều nghi vấn. Giáo viên dạy ở trung tâm phát âm, dạy ngữ pháp sai và thường xuyên rủ học viên tổ chức vui chơi, tiệc tùng bên ngoài", anh P. kể.
Theo anh P., một số người bạn của anh đã chấp nhận chi toàn bộ số tiền nhưng đến khi sang Đức cũng "bật ngửa" về công việc.
"Khi sang tới nơi, bạn tôi và một số người khác bị cắt đứt liên lạc với người môi giới. Họ không hướng dẫn nơi ở, chỗ làm hay bất cứ thông tin gì, chỉ hỗ trợ một căn nhà 20m2 cho 7 người cùng ở. Công việc thì mức lương cũng không phải 100 triệu đồng/tháng mà chỉ 19 triệu đồng", anh P. bức xúc.
Chi phí 200 triệu đồng đề đi Nhật?
Cay đắng, chị Trần Yên (quê Hậu Giang) nhớ lại khoảng thời gian phải lao động quần quật 3 năm để trả số nợ bị lừa xuất khẩu lao động. Tệ hơn, khoảng thời gian đó là đợt dịch Covid-19 bùng phát, không có việc làm, chị Yên đành cắn răng nhìn số nợ "nở" dần.
Tình trạng lao động Việt dính bẫy lừa đảo xuất khẩu lao động đã xảy ra từ lâu (Ảnh minh họa: CTV).
Tháng 10/2018, chị Yên đỗ đơn phỏng vấn ngành điều dưỡng tại Hàn. Chị ứng tuyển thông qua công ty nguồn. Theo thỏa thuận, khi có thông báo đỗ đơn, công ty này sẽ đưa chị sang doanh nghiệp khác để học tiếng cũng như đào tạo nghề.
Song, thực tế công ty đào tạo đó không có giấy phép cung cấp lao động làm việc trong ngành điều dưỡng. Sau 6 tháng học tại đây, chị Yên mới tá hỏa khi được thông báo "không xác định được ngày bay".
"Sự thật là do doanh nghiệp không có giấy phép. Khi mới học, tôi đóng tiền cho công ty khác, nên bên đào tạo bảo tôi quay lại đó lấy tiền. Ban đầu họ có kết không mất chi phí để đi nhưng khi tôi yêu cầu lấy lại số tiền đã đóng, nơi nhận tiền lại nói tôi tự rút đơn nên 58 triệu đồng đã đóng chỉ lấy lại được 32 triệu", chị Yên kể.
Thấy chị Yên phản ứng, trung tâm môi giới nói sẽ trả thêm 10 triệu đồng nữa sau 3 tháng, để chị Yên cam kết không nộp đơn vào trung tâm khác.
"Họ viết cho tôi biên lai, nhưng 3 tháng sau thì chữ trên tờ biên lai kỳ lạ đó bay sạch. Dù tôi có ảnh chụp lúc biên lai còn nguyên chữ, nhưng vẫn bị từ chối trả tiền. Vậy là 58 triệu đồng tôi lấy lại được 32 triệu, mất 10 triệu tiền biên lai, 16 triệu còn lại họ nói trừ các chi phí ăn uống, luyện phỏng vấn nên không trả", chị Yên nói.
Sau đợt bị lừa đó, chị Yên được gia đình cho ra TP Hà Nội để tìm cửa sang Nhật Bản lao động. Mất phí 9.000 USD (khoảng 212 triệu đồng) để đặt chân được đến Nhật nhưng tại đây, chị lại ngã ngửa với "bánh vẽ".
Ngoài việc chọn đúng nghề khi xuất khẩu lao động, người lao động cần tìm hiểu rõ những thông tin xoay quanh diện lao động nước ngoài này (Ảnh: CTV).
"Qua Nhật rồi mới thấy lương thấp hơn nhiều so với lời mời chào ban đầu. Xung quanh tôi, không ít người làm một thời gian lại trốn ra ngoài làm chui, rồi bị phát hiện, trục xuất, tai hại cho cả gia đình, những người đi sau", chị Yên thở dài.Phía doanh nghiệp Nhật thực tế cũng "choáng" với thông tin về mức chi phí hơn 200 triệu đồng cũng như mức lương người lao động được "vẽ".
Chị Yên cho rằng, những chuyện phát sinh đó là từ trung tâm môi giới. Thực tế, khi còn đang học, chị đã thấy đơn vị bị cơ quan chức năng điều tra, các ứng viên còn bị rỉ tai "không được giao tiếp, kể chuyện với ai mới được... đi".
Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH lưu ý người lao động cảnh giác với các thông tin mời chào, lừa đảo ra nước ngoài làm việc.
Những người có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần liên hệ trực tiếp với các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Cục Quản lý lao động ngoài nước nhấn mạnh, các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chỉ được tổ chức sơ tuyển, tuyển chọn lao động sau khi được Cục Quản lý lao động ngoài nước chấp thuận cho chuẩn bị nguồn lao động hoặc đăng ký hợp đồng cung ứng lao động.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC