Là một quốc gia phát triển kỹ thuật công nghiệp hàng đầu thế giới, CHLB Đức nổi danh bởi đội ngũ nhân lực vừa giỏi lý thuyết vừa thành thạo thực hành.
Có được điều này, từ lâu nước Đức đã thực hiện chiến lược “Đào tạo kép” kết nối chặt chẽ, linh hoạt, đạt hiệu quả cao giữa lý thuyết và thực hành. Đây là điều mà nguồn nhân lực Việt Nam hiện đang còn thiếu và yếu.
Học tại doanh nghiệp
Hệ thống đào tạo nghề kép của Đức được hiểu là học ở trung tâm và thực hành ở doanh nghiệp trong suốt thời gian học nghề từ 3 năm đến 3 năm rưỡi tùy theo nghề học.
Tất cả các lý thuyết và kỹ năng cơ bản đều được đào tạo tại trường còn ứng dụng vận hành tại doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ngay cả học lý thuyết ở trường hoặc trung tâm đào tạo thì lý thuyết đó cũng được thực hành trên các modul thật hoặc bài giảng 3D trên màn hình chứ không phải lý thuyết chay. Khi xuống doanh nghiệp, học sinh hoàn toàn thực hành các kiến thức, kỹ năng đã được học tại trung tâm.
Tùy theo nghề và công việc, thông thường học sinh cứ 2 tuần học lý thuyết tại trung tâm thì 2 tuần làm việc tại doanh nghiệp. Nội dung học tại trung tâm gồm các kiến thức cơ bản liên quan đến nghề sẽ làm sau này, tiếng Anh kinh tế và tiếng Đức (đối với học sinh là người nước ngoài).
Kết thúc khóa học, người học được đánh giá bởi Phòng Công nghiệp Đức theo chuẩn thống nhất quốc gia.
Sau 3 năm rưỡi học nghề học sinh phải có một báo cáo tốt nghiệp. Những kỳ thi không đạt được kiểm tra lại.
Tốt nghiệp sau 3 năm rưỡi học nghề học sinh được chứng nhận là công nhân lành nghề – lương khởi điểm thường 1.200 – 1.500 euro/người/tháng. Nếu đáp ứng công việc được giao thì có những mức lương tương ứng và tăng dần theo kỹ năng.
Sau khi học sinh tốt nghiệp từ hệ thống đào tạo nghề kép, tình hình việc làm của học sinh nói chung tốt, phần lớn học sinh xin được việc làm ngay.
Theo báo cáo về hệ thống đào tạo kép của Bộ Giáo dục và Khoa học CHLB Đức cho biết, sau 6 tháng học sinh tốt nghiệp từ hệ thống đào tạo nghề kép.
- khoảng 60% học sinh nhận được việc làm với hợp đồng không hạn chế, có nghĩa là hợp đồng trong thời gian 3 – 4 năm, rồi sau đó ký tiếp hoặc hợp đồng vĩnh viễn nếu cả hai bên mong muốn,
- 10% thất nghiệp,
- 17% tham gia quân ngũ hoặc nhận hợp đồng ngắn hạn (từ 6 tuần cho đến 5 năm)
- và 13% tham gia đào tạo tiếp.
Trong số những học sinh có việc làm ngay, 78% học sinh được làm việc theo đúng chuyên ngành đào tạo.
Trung tâm chất lượng cao về đào tạo nghề
TS Horst Sommer, Giám đốc Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam cho biết, những yếu tố tạo nên sự thành công của đào tạo nghề (ĐTN) hướng cầu của CHLB Đức là sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà nước với các thành phần chủ thể của nền kinh tế.
- Đào tạo thực hành ngay tại nơi làm việc
- Cán bộ giảng dạy, đào tạo tại cơ sở đào tạo và doanh nghiệp đều đạt chất lượng.
Bên cạnh đó, nghiên cứu và dịch vụ tư vấn được coi là một nhiệm vụ của cơ sở ĐTN.
Do các yếu tố mang tính cấu trúc, như sự khác biệt về văn hóa, kinh tế, khoảng cách về trình độ… đương nhiên là không thể xuất khẩu hay copy nguyên xi hệ thống ĐTN kép của CHLB Đức.
Thông qua việc xây dựng các trung tâm chất lượng cao về ĐTN ở Việt Nam, nhằm áp dụng có điều chỉnh và diễn hiểu không sao chép kinh nghiệm về ĐTN của CHLB Đức.
Cung cấp đào tạo ban đầu và đào tạo nâng cao chất lượng cao, phù hợp việc làm theo tiêu chuẩn quốc tế.
- ĐTN theo tiêu chuẩn nghề (quốc tế) do các nhà tuyển dụng của các ngành công nghiệp đưa ra;
- ĐTN gắn với việc làm (hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp);
- Có xưởng thực hành theo mô hình 3 cấp độ trong các cơ sở ĐTN tại Việt Nam.
Ngoài ra, Trung tâm chất lượng cao còn đảm nhận các nhiệm vụ khác phục vụ hệ thống dạy nghề Việt Nam như cung cấp và đào tạo giáo viên các nghề trọng điểm; kết nối hợp tác về ĐTN; Tư vấn cho cán bộ quản lý các cơ sở dạy nghề khác.
Theo TS Horst Sommer:
“Quyết định số 761 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam được hình thành như một chương trình mở. Một vài yếu tố của hệ thống đào tạo nghề Đức có thể được thích ứng theo các nhu cầu cụ thể và hiện trạng của các trường dạy nghề chất lượng cao ở Việt Nam”.
Nguồn:Anh Quang / Báo Giáo dục & Thời đại
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC