ABIBALL - Đánh dấu sự trưởng thành của Học sinh Đức
Những ngày cuối tháng 6, các trường phổ thông Đức đều tổ chức Lễ tốt nghiệp cho các em học sinh. Nói một chút về lễ tốt nghiệp 12 tại Đức.
Đây là 1 trong 2 dịp lễ quan trọng nhất của thanh thiếu niên.
- Một là vào năm 14 tuổi, được nhà trường tổ chức vào dịp hè (khoảng tháng 4, tháng 5), đánh dấu mốc trẻ em đã đến tuổi thành niên.
- Hai là năm 18 tuổi, khi tốt nghiệp lớp 12, đánh dấu mốc trưởng thành và bắt đầu bước vào đời.
Ở những dịp này, các em học sinh được tự do chọn lựa trang phục và cách trang điểm để tham dự chương trình kỷ niệm. Trang phục hay trang điểm không chỉ thể hiện cá tính, mà còn thể hiện phong cách thời trang, cái tôi của từng em.
Các em được tự do lựa chọn trang phục và cách trang điểm. - Foto: freshideen.com
Một vị phụ huynh kể: “Em nào cũng phải mặc thật lộng lẫy. Có em còn đặt quần áo làm sao để “không đụng hàng” với bạn bè”.
Phụ huynh Đức có vẻ phóng khoáng và thoáng tay cho con em mình trong những dịp này, tuy nhiên đừng hiểu lầm đây là sự xa xỉ của các bạn trẻ.
Trẻ ở Đức được dạy cách quản lý tài chính, chi tiêu thuộc dạng kỹ và hiệu quả.
Trẻ em có quyền chọn lựa thứ chúng muốn để mua bằng tiền bố mẹ cho, nhưng chúng không có quyền muốn chi bao nhiêu thì chi. Mọi chọn lựa của chúng đều phải “trả giá”, buộc chúng phải tập tính toán tài chính từ nhỏ. Có những đứa trẻ biết bán lại sách, truyện, đồ chơi,… cũ để lấy tiền mua lại những thứ khác; bán thứ chúng không cần (nữa) để mua tiếp những thứ chúng thích hơn.
Trở lại câu chuyện mặc đồ đẹp, lộng lẫy ngày tốt nghiệp, chúng cũng phải chi tiêu trong một phạm vi nhất định với một ý thức tài chính đã được định hình tốt.
Có lần mình đã kể, bạn mình là sinh viên, đi bán quần áo cho shop The New Yorker để lấy tiền tiêu vặt.
Bạn này bảo “Ba mẹ tôi có thể cho tôi tiền, nhưng tôi không thể dùng tiền của ba mẹ phục vụ cho những nhu cầu của riêng mình” (ví dụ đi club uống bia và phì phèo thuốc lá đến gần 3 giờ sáng).
Chuyện học hành thì sao?
Các em muốn tốt nghiệp 12 không cần phải thi tốt nghiệp nặng nhọc theo kiểu “đèn sách 12 năm đổ hết vào vài ngày thi cử”. Áp lực này được trải đều trong tất cả các năm học theo một định hướng cụ thể. Em nào học xong cấp 2, nếu thấy mình thích học nghề thì chuyển hướng học nghề, rồi làm việc ăn lương theo bằng nghề; trong khi các em có khả năng và mong muốn vào đại học thì tiếp tục học chữ và tốt nghiệp 12 thì dựa vào điểm để nộp xét tuyển đại học.
Các em học 12 phải làm 1 đề tài nghiên cứu “nho nhỏ” nhưng có tính thiết thực rất cao và làm từ năm học 11.
Ví dụ, có cô gái người gốc Việt cùng nhóm bạn làm đề tài “Ứng dụng bàn tay giả cho người khuyết tật: mức độ tạo ra cảm giác “giả như thật” của thiết bị”. Nhiều em khác có thể chọn các đề tài khoa học tự nhiên, khoa học xã hội,… phù hợp với định hướng học đại học của mình trong tương lai (gần).
Ngoài kiến thức, vốn ngoại ngữ của các em cũng khá tốt khi hầu hết các em nói tốt ít nhất 1-2 ngoại ngữ.
Tại buổi lễ tốt nghiệp 12, nam thì lịch lãm, nữ thì quý phái.
Ba mẹ đến đông đủ, cùng con chụp ảnh và theo dõi con được gọi tên lên sân khấu nhận bằng tốt nghiệp. Các em học giỏi (điểm 1,0 – điểm cao nhất), và các em giỏi các bộ môn (toán, lý, hóa, vẽ, hát, thể dục thể thao,…) đều được nêu tên tuyên dương.
Các em được cấp học bổng hay các suất học đại học đặc biệt cũng được tuyên dương làm gương.
Một buổi lễ ra trường ở Đức - Foto: fgh-ev.de
Thầy hiệu trưởng và cả thầy cô giáo cấp 1, cấp 2 cũng được mời đến dự.
Họ phát biểu rất hài hước, nhưng tinh tế. Họ đối xử với các bạn học sinh tốt nghiệp bằng cách ứng xử với những người trưởng thành: từ cái bắt tay, câu chữ, cách trò chuyện,…
Các bạn “tú tài” cũng thể hiện mình trưởng thành, tất nhiên không chỉ qua cách ăn mặc, đi đứng, ăn nói,… mà còn cả cách họ trình diễn những tiết mục văn nghệ, phát biểu trước đám đông.
Hai cô bé đại diện học sinh 12 lên phát biểu, bằng tiếng Đức và có cả tiếng Anh: trôi chảy, thanh thót, quyết đoán, hài hước và tràn trề năng lượng. Đó thật sự là đại diện của những thanh niên 18 tuổi: trưởng thành và đủ tâm thế vào đời.
Những kỹ năng “linh tinh” như viết email, viết thư xin thư giới thiệu, làm hồ sơ nộp học bổng, viết thư cảm ơn,… là những điều rất căn bản mà phần nhiều các em học sinh tốt nghiệp 12 làm tốt.
Một buổi chia tay sau lễ tốt nghiệp Abiball của Học sinh Đức - Foto: oberberg-aktuell
Tất nhiên, cũng có số ít những em “ngoại lệ”.
Một điều rất tiếc là các em học sinh gốc Việt tại Đức khi còn học phổ thông thuộc tốp giỏi nhất nước Đức. Thậm chí các em còn giỏi tiếng Đức hơn cả người Đức; giỏi toán khỏi chê; thể dục thể thao hay văn thể mỹ thuộc nhóm nổi trội. Tuy nhiên, khi lên đại học, các em bắt đầu “lặn biệt tăm”.
Rất khó lý giải đến tường tận hiện tượng đáng tiếc này, nhưng phải thừa nhận một nguyên nhân dễ thấy là các em bị gia đình tạo áp lực suốt từ nhiều năm phổ thông.
Sau 18 tuổi, thoát khỏi sự giám sát của gia đình, các em cũng “giải thoát” mình.
Nhận thức vai trò của nghiên cứu, học hành dường như giảm, theo sau là việc dấn thân vào các mối quan tâm “mới lạ” như bạn bè, người yêu – điều mà đa số trẻ Việt bị “cấm” trong khi trẻ Đức được tiếp túc từ rất sớm.
Một buổi lễ tốt nghiệp không thể nói lên tất cả, nhưng quả thật phong cách tổ chức, cách giao tiếp và kết quả của tấm bằng phổ thông đều cho thấy trẻ ở Đức 18 tuổi có sự trưởng thành đầy đủ để bắt đầu một chặn đường học hành thật sự.
Nguồn: Do Thien (FACEBOOK)
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC