Có một cá tính đặc biệt nữa mà khi sống bên cạnh người Đức bạn sẽ nhanh chóng nhận thấy, đó là bạn không bao giờ phải đề phòng. Họ ghét hay yêu bạn, họ sẽ nói với bạn.
1. Có lẽ cái mà người Đức/ở Đức hoàn toàn khác với nhiều/mọi nơi trên thế giới là họ đề ra rất nhiều luật lệ.
Khắp nơi là biển báo, từ chỗ đỗ xe riêng cho đến nội qui trong nhà (Hausordnung) … Và đặc sắc ở chỗ là họ rất tuân thủ những qui định/luật lệ này.
Tất nhiên cũng có những bạn một vài lần “đi lệch quỹ đạo” nhưng một là bạn ấy sẽ phải gánh chịu hậu quả (phần lớn là bị đánh vào kinh tế!!), hai là qua cái tuổi thanh niên “húng hắng” đi thì cũng “đâu vào đấy”.
Nhưng do đâu mà Đức có nhiều luật và ai cũng chấp hành, dù là các luật cá nhân, riêng tư???
Để hiểu cái này phải xem xét điều 2 và điều 3!!
2. Người Đức luôn đề cao cá nhân.
Cái Tôi của họ đặt lên đầu tiên. Tất nhiên, mặt xấu của nó là tính ích kỷ kiểu: tôi đói thì tôi phải ăn, hoặc tôi bực là tôi phải nói, của tôi là tôi phải lấy … Nhưng nó lại có những mặt tốt là họ rất ý thức trách nhiệm cá nhân và luôn tự giác. Họ làm họ chịu, không đổ vấy cho ai cả.
Thậm chí như mọi người vẫn băn khoăn là sao người Đức không quan tâm bố mẹ, cho bố mẹ vào nhà dưỡng lão??? Xin thưa là họ còn phải có trách nhiệm với công việc và nếu ai đã có gia đình, thì còn phải lo cho con cái. Họ nghĩ rằng, trẻ con không tự chúng nói là “hãy đẻ con ra!!”
Mà bố mẹ muốn có con, sinh con ra thì phải có trách nhiệm nuôi con nên người, rồi chúng sẽ lại phải có trách nhiệm với thế hệ sau đó … Những người con “trao lại” cho bố mẹ họ tình cảm luôn là tình cảm thật, không phải vì chút trách nhiệm nào cả. Còn đưa bố mẹ vào nhà dưỡng lão thì họ chỉ nghĩ đơn giản là trong đó có đủ các phương tiện y tế và bạn bè cùng lứa cho ông bà đỡ buồn và mình đỡ lo …
Tuy nhiên nhà nào không đủ trang trải thì phải tự chăm bố mẹ, ngoài ra Bảo Hiểm Y Tế cũng gửi người hàng ngày đến nhà lau dọn, đi chợ giúp (Pflegedienst) v.v…
3. Người Đức (nói chung) rất đề cao kỷ luật, nguyên tắc và tiết kiệm.
Chính vì họ đề cao cá nhân, không muốn ai xâm phạm quyền cá nhân và “phạm vi riêng tư” của họ, vì thế họ cũng tôn trọng Privatsphäre của người khác.
Cộng thêm tính tiết kiệm, thích lên kế hoạch cho mọi chi tiêu, mà chỉ cần một lần họ bị phạt vì phạm luật (hoặc có khi là nghe nói người khác bị phạt thôi), họ cũng đã cố gắng theo đúng qui củ để … đỡ mất tiền ngu!!! Mất một khoản tiền không nằm trong kế hoạch thu-chi là người Đức không hề thích!!
Có một điểm khác nhau giữa người Việt – người Đức mà mình chỉ muốn nói sơ qua ở đoạn này là, khi đi chợ, được người tính tiền trả lại 1 Cent, người Việt hầu hết là phủi tay kiểu “đáng gì”!!!
Nhưng các bạn hãy quan sát, người Đức không bao giờ làm vậy. Hoặc là họ nhận về, còn không họ cũng cầm lấy rồi mới tự tay cho vào các hộp Spenden (hộp gây quỹ từ thiện được đặt mọi nơi trong các siêu thị). Họ quí trọng từng đồng xu, nhưng xin các bạn đừng hiểu lầm là họ bủn xỉn.
Họ chỉ muốn rằng đồng tiền được sử dụng một cách đúng nơi đúng chỗ và xứng đáng với giá trị của nó mà thôi!!
4. Người Đức vì tôn trọng kỷ luật nên lẽ dĩ nhiên là họ rất đúng giờ.
10 giờ là 10 giờ, chứ không thể là 10h15′!!!
Họ cũng không ưa những người hay đến muộn, và nếu bạn là người như vậy thì đảm bảo rằng sau 2-3 lần họ sẽ không hẹn bạn nữa, hoặc cũng sẽ không đợi bạn nữa (mà sẽ bắt đầu trước, ví dụ khi rủ nhau đi ăn v.v…)
5. Có lẽ cũng xuất phát từ tính đề cao cá nhân mà họ rất sòng phẳng.
Họ có thể đi ăn đi chơi cùng bạn, nhưng nếu chỉ là rủ nhau đi cho vui thì mạnh ai nấy trả, không ai liên quan đến ai. T
rừ phi một trong hai người nói ra từ “ich lade dich ein” = “tôi mời bạn nhé!” Mà cũng cần để ý rằng, có khi họ mời đi ăn và “chủ chi” từ đầu đến cuối, có khi họ chỉ mời nước uống, đồ ăn mình vẫn phải tự trả!!
Thế nên nếu đi chơi với người Đức, bạn hãy dắt tiền theo người, vì có thể sẽ xảy ra chuyện họ rủ bạn đi Kino nhưng chỉ mời bạn ăn Popcorn hoặc uống tách cà phê thôi, còn tiền vé bạn vẫn tự trả đấy!!
6. Mình cũng xin nói một chút về lý do tại sao người Việt lại có cách sống cộng đồng và người Đức lại đề cao cá nhân.
Chắc hẳn ai trong số chúng ta cũng từng qua Ý hoặc Hy Lạp chơi rồi, mọi người cũng thấy cùng là Châu Âu mà chẳng hạn người Ý cũng sống rất giống phong cách người Việt. Vì sao??
Tất cả phong cách đó đều bắt nguồn từ khí hậu khác nhau mà thôi. Việt Nam (hoặc Ý) nằm ở vùng có khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm, nhiều tháng nóng hơn là lạnh, lẽ dĩ nhiên là họ không thích ở trong nhà nhiều vì bí, oi bức. Họ thích xông ra ngoài cho thoáng. Lâu dần thành phong cách sống cộng đồng đặc trưng!!
Đức thì là nước khí hậu ôn hòa, tháng lạnh nhiều hơn nóng, vì thế họ hạn chế ra ngoài. Tuy nhiên đừng nói là người Đức không “buôn”, không “chém” hay không đưa chuyện. Họ cũng là người thôi, và cũng có nhu cầu giao tiếp.
Chỉ là họ thích rủ nhau về nhà cho ấm cúng (giờ tân tiến hơn là đi cà phê), mà vì không gian hạn hẹp nên việc gặp gỡ cũng chỉ giới hạn trong số vài người. Lâu dài cũng trở thành tính cách đặc trưng là không thích ồn ào, ầm ĩ cả “đống” người.
Dù vậy vẫn có những gia đình người Đức một năm phải gõ mõ khua chiêng gọi “tứ đại đồng đường” gặp nhau 1-2 bận chứ không phải là không!!
Có điểm thú vị khi đọc các khảo sát là nếu hỏi những người như Việt Nam hay Ý, họ đều cho là người Đức ích kỷ, coi cá nhân cao. Nhưng nếu đọc ý kiến của người Hà Lan hay Thụy Điển, Đan Mạch, họ lại rất đề cao tính kỷ luật và tinh thần trách nhiệm của người Đức. Giờ có lẽ mọi người đã đoán được là vì sao chứ ạ??
7. Còn rất nhiều những đặc trưng khác của người Đức nhưng có lẽ xin để dành cho một phần tiếp theo vậy.
Cuối cùng, mình chỉ xin nhấn mạnh một điều nữa rằng, tất nhiên là ở đâu cũng có người tốt và người xấu. Người Đức cũng như người Việt hay tất cả những dân tộc khác, ai cũng mang trong mình dòng máu màu đỏ, dù màu da của họ có khác nhau thế nào!
Nhiều người Đức cũng thích “ngồi lê đôi mách”, thích buôn chuyện tốt-xấu của người khác, hay soi mói, thậm chí là ghen ăn tức ở …
Thế nhưng có một cá tính đặc biệt nữa mà khi sống bên cạnh người Đức bạn sẽ nhanh chóng nhận thấy, đó là bạn không bao giờ phải đề phòng.
Họ ghét hay yêu bạn, họ sẽ nói với bạn.
Những điều họ gọi là “đi nói xấu” về bạn ư, không sớm thì muộn bạn cũng sẽ được nghe họ độp thẳng vào mặt bạn.
Họ thấy bạn là người thế nào, họ cũng sẽ luôn nói điều đó ra với bạn.
Sống cạnh người Đức không có sự “bằng mặt không bằng lòng”, không có những phong cách giả tạo kiểu “dĩ hòa vi quý”.
Ngược lại, bạn có thể là chính bản thân mình. Và nếu bạn thật lòng với họ, họ cũng sẽ thật lòng với bạn, dù họ ghét hay yêu quí bạn!
Cẩm Chi - Những nẻo đường nước Đức
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC