Năm nay, ngày bầu cử tại Đức sẽ là ngày 24-9-2017, có 30 đảng đứng ra tranh cử.
Đức là một quốc gia có nền dân chủ đại nghị – khác với nền dân chủ trực tiếp (ví dụ ở Thụy Sỹ), mọi chính sách hoặc khởi xướng sẽ được các đại diện do dân bầu cử (tiếng Đức gọi là Bundestagsabgeordneten, là đại biểu quốc hội) quyết định và thực thi.
Điều này đồng nghĩa với việc các đại diện phải luôn đặt quyền lợi của dân lên hàng đầu.
Các đại biểu quốc hội không những có nhiệm vụ giám sát các cơ quan hành pháp, mà họ cũng chính là những thành viên sẽ bầu ra Thủ Tướng liên bang.
Số lượng người ứng cử của mỗi tiểu bang phụ thuộc vào mực dân số của tiểu bang đó.
Đôi khi sẽ có đảng đạt được số đại biểu quốc hội qua phiếu bầu cử trực tiếp số 1 nhiều hơn là số đại biểu được bầu qua đảng trên phiếu bầu số 2. Số đại biểu chênh lệch đó tiếng Đức gọi là Überhangmandate.
Năm nay, Đức vừa thông qua luật bầu cử mới, quyết định sẽ cân bằng số đại biểu này. Theo đó, rất có thể Quốc hội Đức (Bundestag) sẽ phải thêm 50 ghế đại biểu so với trước đây.
Để tránh trường hợp có quá nhiều đảng nhỏ cùng được vào Quốc hội, các đảng tham gia tranh cử phải đạt ít nhất ngưỡng 5% phiếu bầu số 2 (phần bên phải) – ngoại trừ trường hợp đã có ba ứng cử viên của cùng một đảng nào đó được bầu trực tiếp trong phiếu bầu lần 1 (bên trái), đảng này vẫn sẽ được xét vào Quốc hội (dù phiếu bầu bên phải chưa đủ 5%).
Công việc sau khi bầu cử
Sau thời kỳ bầu cử, các đảng lúc này sẽ họp bàn xem, đảng nào sẽ liên kết với đảng nào để lãnh đạo, “chỉ đường dẫn lối” cho đất nước nhiệm kỳ đó.
Họ sẽ đưa ra các chính sách, bổ nhiệm các chức vị như bộ trưởng và ban ngành lãnh đạo.
Cuối cùng, các đại biểu sẽ dựa vào ý kiến của Tổng Thống để bầu ra Thủ Tướng.
Nếu Thủ Tướng không đạt đa số phiếu bầu (hơn nửa số đại biểu) thì sẽ bầu cử lại lần 2, thậm chí lần thứ 3.
30 ngày sau kỳ bầu cử, Quốc hội sẽ chính thức mở phiên họp đầu tiên.
Năm nay, ngày bầu cử tại Đức sẽ là ngày 24-9-2017, có 30 đảng đứng ra tranh cử.
Cẩm Chi
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC