Nỗi lòng Kiều bào khi có con “nửa tây nửa ta”

Không chỉ Đức mà tại nhiều nước có kiều bào sinh sống lâu năm như Tiệp, Hung, hay Mỹ, nhiều phụ huynh đau đầu vì những đứa con “nửa tây nửa ta”.

Nói “nửa tay nửa ta” là vì các em dù mang trong người 100% hay chỉ một nửa dòng máu Việt Nam, thì tính cách và thái độ các em cũng bị pha lẫn nửa tây, nửa ta.

Nói tiếng Việt

Đau đầu nhất là nhiều phụ huynh không giỏi tiếng (Đức), mà các con toàn phang…tiếng Đức, ngay cả khi nói chuyện với bố mẹ. Thậm chí cả ba, mẹ là người Việt, nhưng con cái rị mọ mãi mới ra được chữ tiếng Việt để đối đáp.

Phần vì quá bận với việc mưu sinh nên phụ huynh quên, hay xem nhẹ việc dạy tiếng Việt cho con từ nhỏ; phần có người sợ dạy tiếng Việt thì con…dốt tiếng Đức.

Thế nên, dẫu có khi chạnh lòng vì con cái nói gì bố mẹ không hiểu, có phụ huynh cố gắng chỉ dạy tiếng Việt cho con nhưng cũng có người tặc lưỡi rồi đành thôi.

Nhưng qua quan sát chủ quan không mang tính đại diện, có thể thấy các em vừa giỏi tiếng Việt và tiếng Đức có khả năng đạt thành tích học tập cao hơn các em chỉ nói…tiếng Đức.

alone boy 2428041 640Lưu ý, đây chỉ là quan sát chứ chưa kiểm định liệu giỏi cả tiếng Việt có liên quan đến thành tích học tập/hoạt động xã hội của các em; hay sự phát triển chung của các em hay không.

Yêu đương và truyền thống

Ngoài chuyện tiếng Việt thì nhiều phụ huynh khổ sở vì chuyện yêu đương. Trẻ ở Việt Nam 18 tuổi vẫn còn được xem là quá nhỏ để…yêu; thậm chí các giai thoại hài còn cho thấy đến khi có vợ vẫn bị… quản lý (cả chuyện chăn gối). Trong khi ở Đức, không gian của trẻ cởi mở và tính riêng tư rất cao. Đó là chưa kể tuổi dậy thì có vẻ…sớm hơn, thế nên đến 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp phổ thông và làm 1 lễ trưởng thành hoành tráng, nhiều em dọn ra riêng sống với…người yêu.

Việc nam nữ hẹn hò, dẫn về nhà và làm đủ thứ trò là chuyện bình thường với (đa số) người Đức.

Phụ huynh Đức tin rằng con họ có quyền tự do khi 18 tuổi, kể cả chuyện trai gái. Trong khi điều này không được các phụ huynh Việt tiêu hóa dễ dàng.

Các ông bố Việt vẫn hay nói về “sự nghiệp trước gia đình”, trong khi các bà mẹ hay kể về những cái nắm tay đã thấy mắc cỡ cách đây vài thập kỷ. Dễ hiểu, càng xa quê hương thì các nét văn hóa của quê hương càng thể hiện rõ ràng. Ở đây không có chuyện đúng-sai, mà là sự khác biệt.

Bài toán đặt ra là làm sao để dung hòa, vì phụ huynh không thể ép con họ theo đường lối mà chính bọn trẻ chưa bao giờ hình dung ra, trong khi cái chúng muốn được xã hội thể hiện rõ ràng, rành mạch.

Vậy là có xung đột.

Có phụ huynh chọn cách xuôi 100% theo con; có người răn đe dữ dội. Cũng có người nhắc nhở, khuyên bảo nhưng hiệu quả vẫn là… hên xui.

Hiếu thảo: được hiểu làm sao

Chuyện thứ ba là chăm sóc bố mẹ, thờ cúng ông bà. Trong khi các bậc phụ huynh cần lao không quên ông bà, cha mẹ; vẫn thường xuyên nhắc nhở cháu con chuyện hiếu thảo theo phong tục phương Đông, thì các bạn trẻ được dạy ở trường về hệ thống y tế ngày càng cao cấp được trang bị trong các viện dưỡng lão – nơi mà ba mẹ chúng về già có thể được chăm sóc y tế một cách chu đáo và đầy đủ (vật chất).

Một người mẹ bị ung thư chuyển vào viện mổ, đứa con ở nhà bình thản như không:

“Vào chăm mẹ làm gì, trong đó có bác sĩ, y tá chăm sóc tốt hơn”.

Ai cũng giấu bà mẹ, chỉ sợ rằng nỗi đau sau cơn xạ trị không hạ gục bà, mà những câu nói “ngô nghê” của đứa trẻ đã qua tuổi 18 sẽ làm trái tim bà ngừng đập.

Nhiều phụ huynh tại Đức bất lực, lắc đầu rồi thả dài một câu theo hơi thở “Thôi già, chết là hết. Mong gì chúng nó thờ phụng khói hương”.

Ngoài kia, những đứa trẻ vẫn lúi húi bấm điện thoại và hẹn nhau cuối tháng này có cái tiệc disco hoành tráng ở Berlin, Hamburg hay một thành phố nhiều màu nào đấy.

Dẫu biết rằng sức mạnh của sự kiến tạo từ môi trường sống với tính cách con người là điều không thể tránh khỏi.

Nhưng hôm rồi, khi đi qua cái viện dưỡng lão rộng lớn và hoành tráng ở Leipzig, nhớ lại những khoảng khắc ngây dại của “những người trẻ con ở tuổi xưa nay hiếm” trong viện dưỡng lão tại Mie C (Nhật Bản), lại thấy chút xót xa…

Đó là những nỗi đau phải chấp nhận của những người làm cha, làm mẹ bỏ xứ vì con; nhưng tiếc rằng giá trị ấy không cùng một hệ quy chiếu với rất nhiều đứa trẻ mà họ rút ruột chăm nom.

 FB Đỗ Thiện


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan