Với sáng kiến của những người yêu nhạc cổ điển cách đây 127 năm, ngôi nhà nơi Beethoven sinh ra vẫn còn trụ vững và trở thành bảo tàng về nhà soạn nhạc thiên tài.
Trung tâm của thành phố Bonn là một trong những điểm đến đáng chú ý nhất của những người yêu âm nhạc Beethoven.
Hơn 100.000 người mỗi năm tới thành phố này để ngắm nhìn bộ sưu tập độc nhất vô nhị về các nhạc cụ, bức ảnh và nhiều hiện vật có giá trị liên quan đến Beethoven.
Ông Malte Boecker, giám đốc của Bảo tàng Beethoven ở thành phố Bonn cho rằng, tất cả phải cảm ơn ba món quà của số phận.
“Thứ nhất, Beethoven đã sinh ra tại đây. Thứ hai là vào năm 1889 một nhóm những người dân Bonn đã cùng nhau bảo vệ ngôi nhà từng chứng kiến giờ phút Beethoven chào đời.
Thứ ba là phép màu đã giúp ngôi nhà đứng vững trong Chiến tranh thế giới thứ hai”.
Bảo tàng Beethoven đã chứng kiến nhiều đổi thay trong lịch sử tồn tại của nó. Ví dụ vào năm 1889, có hơn 60 người đã từng sống ở trong ngôi nhà số 20 đường Bonngasse này. Tầng trệt từng là một quán trọ bình dân luôn đông nghịt người tới uống bia và nhảy nhót. Thậm chí có thể tin rằng, căn phòng mà Beethoven sinh ra là phòng thay đồ cho các khách nhảy nữ.
Sau khi tới thành Bonn vào năm 1885, Eduard Hanslick, nhà phê bình âm nhạc nổi tiếng người Viena thời kỳ đó đã thực sự sốc, ông không thể tin rằng căn nhà tồi tàn đó lại là ngôi nhà thơ ấu của nhà soạn nhạc thiên tài.
Ông lên án chính quyền đã “bỏ mặc không quan tâm” đến di sản của Beethoven, và kết tội họ “làm mất thanh danh của thành phố”.
“Căn nhà nơi Beethoven chào đời trên phố Bonngasse từng đứng trước nguy cơ đổ sập”, Hermann Neusser, người phụ trách công tác xuất bản của Bảo tàng Beethoven, giải thích.
“Vì vậy vào ngày 24/2/1889), 12 người ái mộ âm nhạc Beethoven đã gặp gỡ nhau tại nhà của ông cố nội tôi ở quảng trường Münsterplatz, để thành lập một tổ chức có trách nhiệm cứu lấy ngôi nhà nổi tiếng này”.
Hermann Neusser là chắt trai của một thành viên trong số 12 công thần.
Họ đã quyết định quyên góp để lấy kinh phí mua lại ngôi nhà để nâng cấp, sửa sang lại và biến nó trở thành một công trình kỷ niệm nhà soạn nhạc thiên tài.
Ông cố nội của Neusser và những người cùng chí hướng đã không ngừng chăm chút cho ngôi nhà từ con số không. Họ đã tìm mua những bộ sưu tập bản thảo, tranh ảnh, tượng bán thân và cả những vật dụng cá nhân của Beethoven – những di vật thiết yếu được trưng bày trong bảo tàng mà du khách ngày nay có thể chiêm ngưỡng.
Sau những nỗ lực đó, tới năm 1890, 360 hiện vật đã được trưng bày tại cuộc triển lãm đầu tiên của bảo tàng.
Tiếng vang của cuộc triển lãm rút cục đã thuyết phục được nhiều nhà bảo trợ danh tiếng như nhà soạn nhạc Johannes Brahms, Clara Schumann – nghệ sỹ piano và bạn đời của nhà soạn nhạc Robert Schumann, nhà soạn nhạc Giuseppe Verdi…
Cũng trong năm đó, nghệ sỹ violin nổi tiếng Joseph Joachim còn tổ chức một festival âm nhạc thính phòng.
Trên cơ sở thành công này, người ta đã tổ chức festival âm nhạc thính phòng thứ hai vào ngày 10/5/1893 tại ngôi nhà số 20 phố Bonngasse.
Nguồn: Tạp chí Tia sáng
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC