Tháng Hai năm 2018 , cái tháng được coi là lạnh nhất trong năm , tuy không có tuyết rơi, nhưng cái lạnh luôn dưới âm độ khiến cho cả thành phố như muốn đóng băng , còn ra đường, chỉ thấy những bước chân thật vội vã dường như để chạy trốn cái lạnh buốt giá tưởng chừng có thể làm cho máu đông đặc lại .
Còn tôi cũng không ngoại lệ, bình thường tôi cũng không thích đội bất cứ thứ gì để che đầu vì vướng víu, nhưng hôm đó tôi phải trùm kín mít vì cái lạnh đã xuống tới âm độ , còn đôi tay thọc sâu vào túi áo khoác mùa đông dày cộm mà vẫn còn cảm nhận được cái lạnh làm tê cóng từng đốt ngón tay .
Tôi bước thật nhanh đến nhà băng Sparkasse để rút tiền, lúc đó khoảng 7 h sáng mà trời vẫn xám xịt lại còn kèm theo cả gió khiến cho càng lạnh hơn . Đẩy cửa bước vào , tôi chợt sững lại vì thấy một gã đàn ông vô gia cư đang ngồi gần cái máy rút tiền, một thoáng nghĩ ngợi, tôi định quay đi thì người đàn ông đó dường như đọc được ý nghĩ của tôi nên vội lên tiếng : " Bà đừng sợ, tôi không làm gì đâu , vì ở ngoài lạnh quá nên tôi vào trong đây để cho đỡ lạnh mà thôi "
Nghe ông ta nói như vậy, tôi cũng cảm thấy hơi ngượng ngùng vì đã hiểu lầm ông ta , mà không e ngại sao được, kể từ khi nước Đức thống nhất và mở cửa biên giới vì gia nhập EU , nên an ninh cũng không được như trước , biết bao chuyện xảy ra như đánh nhau , móc túi , lừa đảo...etc ...đã hoành hành khá nhiều ở Berlin . Nhưng hôm nay, thì đúng là hơi bất ngờ đối với tôi .
Khi rút tiền xong , tôi quay ra và bắt chuyện người đàn ông đó và đây cũng là lần đầu tiên tôi nói chuyện với người lạ, một phần vì tò mò về cuộc sống của những người vô gia cư và cũng muốn tìm hiểu do đâu mà họ ra nông nỗi này
Người đàn ông với vóc dáng gầy guộc , tuổi tác khoảng từ 45 tới 50 , nhìn có vẻ hơi bụi bặm , nhưng vẫn trả lời những câu hỏi của tôi mà không chút e dè . Ông ta kể là trước đây , ông cũng có vợ con và công việc ổn định , nhưng về sau , ông bị mất việc, còn vợ con thì bỏ đi .Do chán đời, nên uống rượu nhiều rồi thành nghiện ngập, căn hộ ba phòng cũng bị mất theo do không trả tiền thuê nhà và từ đó ông cũng chọn cho mình ngủ ngoài đường, từ chối xin trợ cấp xã hội cũng như không vào Wohnheim dành cho người vô gia cư, vì theo ông , vào Wohnheim sẽ bị mất " tự do" vì không được hút thuốc và uống rượu cũng như sau 22 h không được đi ra ngoài. Cho nên ông đã chọn vỉa hè làm nơi " định cư" dù biết rằng sẽ có nhiều nguy hiểm luôn rình rập , vì đã có vài vụ tấn công người vô gia cư hay dùng xăng đốt khi họ đang ngủ ..v..v.
Nói chuyện được vài phút, tôi vội chào ông ta và bước ra thật nhanh do cũng bắt đầu có lác đác vài người đi vào để rút tiền hay kiểm tra tài khoản.
Còn tôi lúc trên đường đi đến chỗ làm ,nhưng câu chuyện về cuộc đời không may mắn của người đàn ông đó khiến cho tôi cảm thấy chạnh lòng dù vẫn không sao hiểu nổi về việc ông ta quyết định chọn ra vỉa hè để sống .
Vẫn biết nước Đức có một nền an sinh và phúc lợi tốt như thế , không những có thể giúp được người dân Đức lúc sa cơ lỡ vận một thời gian cho tới khi họ ổn định và tìm được việc làm mới , mà còn hào phóng nuôi cả triệu người tị nạn tràn sang Đức năm 2015 . Vậy mà có một số người, lại coi trợ cấp như một dạng " hưu trí" hay lợi dụng để ăn hai đầu .
Trong khi người vô gia cư đó lại không muốn xin trợ cấp mà đáng ra họ được hưởng vì họ cũng có một thời gian dài đi làm và đóng thuế .
Nhưng dường như họ chẳng quan tâm tới điều đó và họ chỉ chọn làm những điều họ thích dù hơi khác người một chút.
Câu chuyện về người vô gia cư mà tình cờ tôi gặp vào những ngày đầu năm 2018 tưởng đã dần đi vào quên lãng . Nhưng vì tình cờ đọc được đoạn viết ngắn của một người đàn ông được cho là đã sống lâu năm ở Đức , mà người này luôn cảm thấy khó chịu khi thấy ai đó cùng thế hệ với ông ta hay người quen có vẻ như " hòa nhập " vào xã hội Tây hơn ông ấy ...
Vì đối với ông ta , đó là sự "mất gốc" cũng như câu mà ông ấy nói về xã hội Đức như sau : ......
"Tiếp xúc xã hội của Đức hơn nửa đời quá hiểu. Che đậy sự lưu manh, thì VN gọi Đức bằng cụ "
Tôi tuy không hiểu lắm sự Lưu Manh mà ông ta dùng để nói xã hội Đức về điều gì, nhưng thiết nghĩ, nếu sau này, ông ta cũng bị mất tất cả như người đàn ông vô gia cư mà tôi đã từng gặp, thì liệu ông ấy có đủ can đảm từ chối mọi trợ cấp của xã hội mà ông cho là Lưu Manh để ra đường nằm hay quay về cố hương của ông ta để sống nốt quãng đời còn lại hay không !
Vì nếu đã tự cho là tiếp xúc và hiểu xã hội Đức hơn nửa đời người và cho đó là một xã hội chỉ là che đậy sự lưu manh , thì tại sao vẫn tiếp tục sống ở một xã hội xấu xa đó để làm gì (?)
Tự nhiên, tôi lại nhớ đến chuyện ngụ ngôn về Cái Lưỡi của Esope .
Có thể tóm tắt câu chuyện như sau :
Khi ông chủ Xanthus sai Esope ra chợ mua món nào đó thật ngon để đãi khách. Esope ra chợ chỉ mua toàn là lưỡi đem về làm nhiều món khác nhau và khi chủ hỏi thì Esope nói... " Không có gì quý hơn cái lưỡi "
Hôm sau , ông chủ lại sai Esope ra chợ mua cái gì tệ nhất, thì Esope lại mua về cái lưỡi và giải thích với chủ rằng : cái lưỡi cũng là nguồn gốc gây ra những tranh cãi, kiện tụng, chiến tranh chia rẽ và sự vu khống
Từ chuyện ngụ ngôn Cái Lưỡi của Esope mà tôi có thể suy luận ra một điều, cái lưỡi có thể nói ra điều tốt đẹp mà cũng phun ra những lời không được hay ho cho lắm....
Vì hôm nay , người ta có thể nói thế này nhưng hôm sau lại lý luận kiểu khác .Cho nên, người VN mới có câu.... " Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo " là như vậy .
Nguồn: FB An Thanh Le
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC