​Văn hóa mặc của người Đức

Văn hóa mặc của người Đức và người châu Âu rất chỉn chu. Hễ cứ bước chân ra khỏi nhà là họ ăn mặc chỉnh tề, từ người lớn đến trẻ con, từ người trẻ đến cụ già…

 

Hết chuyện ăn, chuyện học tiếng, chuyện thích nghi khí hậu – người Việt ở Đức, cụ thể nhất là những người mới sang, còn phải đối diện với trăm ngàn bỡ ngỡ với văn hóa mặc và phải tự thích nghi, nếu không muốn tự mình đào thải và trở thành những người kỳ dị nơi bản xứ.

Vợ chồng chị Hằng Thủy (ở Đức, các cặp vợ chồng Việt thường được gọi tên cả hai vợ chồng để phân biệt với những người khác lỡ trùng tên, và là đặc điểm để những người khác khi nhắc tới dễ nhận biết) sang Đức đã hơn ba năm. Anh chồng tên Thủy làm quán ăn cho người Việt tại Đức, chị Hằng ở nhà chăm sóc con cái.

Chị vợ được chồng đón sang khá muộn sau khi anh đã ổn định công việc, nhà cửa bên này, nên việc thích nghi của chị với văn hóa nơi bản xứ còn gặp nhiều khó khăn.

bar 401546 640

Bữa đó, anh đi làm phục vụ quán như thường ngày, chị vợ ở nhà giặt giũ phơi phóng quần áo. Khi xuống tầng hầm lấy đồ, chị quen tay đóng sập cửa ra vào trong khi chìa khóa cửa để trong nhà. Không còn cách nào khác, chị vợ bươn bả đi bộ sang quán anh làm cách đó khoảng hơn cây số để cầu cứu chồng.

Đương nhiên với bộ đồ mặc ở nhà, chị cứ thế đi ra đường. Đường đến quán chồng làm việc, chị phải đi qua nhiều tiệm cà phê ngoài trời, quán bán đồ ăn nhanh…

Người dân ngồi uống cà phê sưởi nắng, rồi người qua đường được phen trố mắt nhìn một người phụ nữ Á Đông với bộ đồ mặc ở nhà diễu phố. Đến quán, anh chồng thấy thế tá hỏa, bỏ cả công việc đang dở dang, kéo vợ lên gác trên của chủ quán, cũng là người Việt, mượn tạm bộ quần áo chỉn chu tử tế của chị chủ cho vợ mặc về nhà.

Kể chuyện đó để thấy rằng, văn hóa mặc của người Đức và người châu Âu rất chỉn chu.

Hễ cứ bước chân ra khỏi nhà là họ ăn mặc chỉnh tề, từ người lớn đến trẻ con, từ người trẻ đến cụ già, không có chuyện chỉ vì “chạy ù xuống dưới nhà mang thùng rác đi đổ, hay ra siêu thị ngay gần nhà có mấy bước chân, chỉ cần mặc nguyên bộ ở nhà khoác tạm cái áo khoác mỏng bên ngoài là đủ”.

Nếu ăn mặc tạm bợ kiểu như thế sẽ dễ bị biến thành một người kỳ dị được chú ý đặc biệt và trở thành “điểm sáng” giữa đám đông ai cũng đang ăn mặc chỉnh tề nghiêm túc.

Không cần quần áo hàng hiệu lộng lẫy đắt tiền, chỉ cần ăn mặc giản dị nhưng đứng đắn, đi giày, có quần âu và áo sơ mi đi kèm là đủ, nhưng chủ nhân đã thể hiện được sự tôn trọng bản thân và tôn trọng những người khác, và nguyên tắc tuyệt đối là không mặc bộ đồ ngủ hay đồ mặc ở nhà đi ra đường.

beach 1867271 640

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ở Đức có đồ body (dạng áo liền quần bó sát người để giữ cho bỉm của bé được cố định chắc chắn và cũng để giữ ấm cho bụng của trẻ) mặc dù nhìn rất kín đáo; nhưng ngay cả mùa hè, không bố mẹ nào dù người Việt hay người Đức để cho bé của mình chỉ mặc như vậy khi đi ra đường, bao giờ bé cũng được mặc kèm thêm áo, quần một cách chỉn chu.

Trẻ nhỏ cũng được học nền nếp và nguyên tắc ăn mặc đó rất nhanh, nên khi có việc cùng bố mẹ ra khỏi nhà, các bé tự giác đi giày, thay đồ chỉnh tề, có khi chúng thao tác còn nhanh hơn bố mẹ. Mỗi gia đình có thói quen ăn mặc như thế khi ra khỏi nhà, tạo thành một tổng thể chung nghiêm chỉnh và lịch sự.

Con gái anh chị Hằng Thủy đã hơn ba tuổi, đã đi học và rất nghiêm túc trong ăn mặc mỗi khi ra khỏi nhà. Chị cũng đã rút kinh nghiệm, đánh một lúc ra mấy cái chìa khóa nhà gửi khắp nơi để tránh rơi vào tình huống dở khóc dở cười như hồi mới sang, và để tránh lỗi ăn mặc để tự biến mình thành “người nổi tiếng” như nhân vật mà chị bất đắc dĩ phải sắm vai.

Nguồn:  Lê Minh Thuật - Sài gòn Giải Phóng

 


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan