Vì sao bạn nên mời một người Đức đến nơi làm việc?

Người Đức làm trung bình 35 tiếng mỗi tuần, nghỉ 24 ngày mỗi năm và chính phủ Đức thì từng cân nhắc cấm email công việc sau 6 giờ tối. Đất nước, con người quốc gia châu Âu có văn hóa làm việc khá thú vị.

Người Đức hưởng chế độ bảo vệ người lao động tốt và có số giờ làm việc ngắn hơn hầu hết các đối tác của họ. Nước Đức - cường quốc công nghiệp kiêm động cơ thúc đẩy kinh tế châu Âu - từng một tay cứu Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) khỏi sụp đổ vào năm 2012.

Làm thế nào để một quốc gia có số giờ làm việc trung bình là 35 tiếng/tuần và 24 ngày nghỉ có lương mỗi năm duy trì được năng suất cao? Tờ The Huffington Post có bài viết thú vị trả lời câu hỏi trên.

Giờ làm việc chỉ để làm việc

Trong văn hóa kinh doanh Đức, khi một nhân viên ngồi tại công sở, họ không nên làm bất cứ điều gì ngoài công việc. Vào Facebook, tám chuyện với đồng nghiệp, lướt web hay giả bộ kéo bảng tính ra xem khi sếp đi ngang là những hành vi không được chấp nhận. Ở Mỹ, sếp sẽ không hài lòng khi bạn làm chuyện riêng, nhưng khi tới Đức, cả đồng nghiệp cũng chẳng thích bạn làm thế.

Trong bộ phim tài liệu Make Me A German của hãng tin BBC, một phụ nữ trẻ người Đức từng chia sẻ về cú sốc văn hóa cô gặp phải khi đến làm việc ngắn hạn ở Anh. “Tôi đến Anh làm việc một thời gian… Tôi ở trong phòng và mọi người thì nói suốt về chuyện riêng của họ… “Tối nay có kế hoạch gì không?” họ còn uống cả phê cả buổi”, người phụ nữ nói. Cô cho hay mình đã khá ngạc nhiên bởi phong thái làm việc của người Anh. Ở Đức, Facebook và email cá nhân không được phép sử dụng tại chốn công sở.

Vì sao bạn nên mời một người Đức đến nơi làm việc? - 0

Người học nghề đang làm việc tại nhà máy thép lớn nhất châu Âu ở Duisburg (Đức) Reuters

Giao tiếp thẳng thắn, đúng chủ đề

Văn hóa kinh doanh Đức gồm cách giao tiếp tập trung cao độ và trực tiếp. Trong khi người Mỹ có xu hướng xem trọng những lần trò chuyện nhỏ và duy trì bầu không khí vui vẻ, người Đức hiếm khi vòng vo.

Người lao động Đức sẽ trực tiếp nói chuyện với nhà quản lý về chuyện đánh giá hiệu suất lao động, chạy thẳng vào một buổi họp kinh doanh, sử dụng ngôn ngữ chỉ huy mà không bận tâm đến chuyện “mềm hóa” chúng một chút. Trong khi người Mỹ có thể sẽ nói “Thật tuyệt nếu bạn có thể nộp cho tôi trước 3 giờ”, thì người Đức thẳng thắn “Tôi cần nó trước 3 giờ”. Khi người Đức làm việc, họ tập trung và chăm chỉ. Nhờ vậy, họ có năng suất lao động cao hơn trong thời gian ngắn hơn.

Giờ nghỉ ngơi thì để nghỉ ngơi

Người Đức làm hết sức, chơi hết mình. Vì giờ làm việc chỉ để tập trung vào việc tạo ra năng suất, hiệu quả, thời gian tan sở thực sự là lúc nghỉ ngơi. Vì Đức có không khí tập trung và hình thức ở nơi công sở, nhân viên không nhất thiết phải đi chơi cùng nhau sau giờ làm. Người Đức nhìn chung xem trọng sự tách bạch giữa đời sống riêng và đời sống công sở.

Năm 2014, chính phủ Đức từng xem xét lệnh cấm các email liên quan đến công việc sau 6 giờ chiều, nhằm hạn chế khả năng tiếp cận với người lao động thông qua điện thoại thông minh và kết nối mà người sử dụng lao động có thể có.

Hầu hết người Đức tham gia vào các “Verein”, hay câu lạc bộ, nơi họ thường xuyên gặp gỡ những người có chung sở thích. Vài sở thích phổ biến của người Đức có thể kể đến là thể thao, âm nhạc và đi bộ. Ngay cả ở ngôi làng Đức nhỏ nhất cũng có một số “Verein” hoạt động theo sở thích người dân. Thay vì ngồi trước màn hình tivi cả tối sau giờ làm, người Đức giao thiệp với cộng đồng và trau dồi bản thân.

Một năm, người lao động Đức hưởng từ 25 đến 30 ngày nghỉ có lương (luật pháp Đức quy định 20 ngày nghỉ có lương). Kỳ nghỉ dài đồng nghĩa với việc các gia đình có thể hưởng gần trọn một tháng vui vẻ cùng nhau, thuê căn hộ bên bờ biển hay du lịch dài ngày tới nhiều điểm đến thú vị.

Vì sao bạn nên mời một người Đức đến nơi làm việc? - 1

Chế độ thai sản rộng rãi

Hệ thống Elternzeit, hay nghỉ nuôi con, của Đức là điều hấp dẫn nhiều người Mỹ nhất. Năm 2014, Mỹ chưa có luật yêu cầu nghỉ thai sản, trong khi Đức có một trong số các chính sách bảo vệ hoạt động làm cha, làm mẹ rộng rãi nhất trong các nước phát triển.

Đơn cử, những bậc phụ huynh đã làm việc 12 tháng trước khi nghỉ thai sản thì đủ điều kiện hưởng chế độ Elternzeit, bao gồm đến ba năm nghỉ không lương với một hợp đồng “ngủ”. Ngoài việc bảo đảm hợp đồng, nhà nước còn chi trả 67% lương cho người lao động, tối đa là 1.800 EUR/tháng, trong 14 tháng. Những lợi ích này áp dụng cho cả các cặp vợ chồng đồng tính.

Tuy nhiên, nhược điểm của chế độ nghỉ thai sản là phía sử dụng lao động có thể tránh tuyển dụng nữ giới vì lo ngại rằng họ sẽ tận dụng các lợi ích dồi dào. Tỷ lệ nam giới trong phòng quản trị Đức nhiều hơn so với các nước phát triển khác, dù Berlin nỗ lực xoay chuyển tình hình. Lợi ích tài chính từ việc ở nhà, chăm sóc con thường quá tốt, đến mức có thể khiến sự nghiệp của các bà mẹ bị đình trệ hoặc biến mất.

Để vài người Đức đến công sở của bạn

Văn hóa làm việc của người Đức rất khác người Mỹ, và chắc chắn nhiều người sẽ học hỏi được nhiều từ các đối tác đến từ Đức.

Sự tập trung, chăm chỉ mà người Đức mang đến chốn công sở là điều đáng ngưỡng mộ. Tách biệt công việc và nghỉ ngơi giúp chúng ta sống cân bằng hơn. Đặt điện thoại xuống sau giờ làm việc giúp đầu óc thư giãn sau giờ làm căng thẳng, để chúng ta có thể thoải mái đến cơ quan vào sáng hôm sau. Khi cần làm việc gì đó, hãy đóng Facebook, tắt các thông báo mạng xã hội để giúp tâm trí yên tĩnh, vững vàng như người Đức. Ngoài ra, trò chuyện trực tiếp cũng giúp hoạt động giao tiếp trở nên rõ ràng, hiệu quả hơn.

Người Mỹ thường đánh đồng chuyện tăng số giờ làm việc với việc tăng năng suất và đạo đức nghề nghiệp. Song tìm hiểu mô hình của người Đức lại dẫn đến quan điểm ngược lại: Khi bàn đến số giờ làm việc, có thể càng ít sẽ càng hay.

Theo TNO


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan