Hệ thống các trường đại học đa dạng
Đức có 370 trường đại học trải đều khắp cả nước, trong đó bao gồm các trường đại học tổng hợp, kỹ thuật tổng hợp và chuyên ngành. Gần 1/3 tổng số sinh viên đang theo học ở các trường đại học chuyên ngành. Với thời gian đào tạo được rút ngắn và định hướng, ngày càng có nhiều sinh viên theo học ở các trường đào tạo chuyên ngành.
Sinh viên có thể chọn một trong 12.500 ngành học khác nhau ở các bậc như đại học và sau đại học. Đức thuộc nhóm dẫn đầu thế giới về tỷ lệ sinh viên kết thúc thành công khóa học là 77%. Tại đây, các khóa Cử nhân kéo dài từ 6 đến 8 kỳ tùy vào ngành học, các khóa Thạc sỹ kéo dài từ 2 đến 4 kỳ học. Đối với các chương trình Tiến sĩ, thời gian có thể kéo dài từ 3 – 10 năm
Điều kiện du học bậc đại học và thạc sĩ
TS.Dorothea Rüland (Tổng thư kí DAAD – Cơ quan Trao đổi hàn lâm Đức) từng khẳng định, có một sự thật là “không đâu dễ như du học Đức”. Bởi lẽ, chỉ cần hồ sơ đủ điều kiện xét tuyển, phỏng vấn là nhập học vì luật của Đức quy định ai cũng được phép học Đại học. Có thể nói, điều kiện đầu vào tương đối đơn giản.
Với bằng cấp Việt Nam, để được học Đại học tại Đức cần:
1. Tham gia và đỗ kì thi THPT Quốc gia với các môn thi Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và một số tổ hợp tự chọn (3 môn). Không chấp nhận dùng chứng chỉ ngoại ngữ để thay thế bài thi Ngoại ngữ.
Tại kì thi THPT Quốc gia phải đạt tổng điểm thi tối thiểu là 36 (tính 6 môn thi xét Tốt nghiệp, không nhân hệ số, không làm tròn), trong đó không môn thi nào dưới 4 điểm và có ít nhất 4 môn thi không dưới 6 điểm. Trúng tuyển vào hệ Đào tạo Đại học chính quy tại một trường Đại học Việt Nam.
2. Nếu thỏa mãn các điều kiện tại (1) và học thành công bốn học kì Đại học chính quy thì có thể được:
a) Chuyển thẳng vào học năm thứ nhất tại một trường Đại học trong cùng nhóm ngành
b) Chuyển vào dự bị Đại học và không bị giới hạn nhóm ngành.
3. Nếu tốt nghiệp hệ Cao đẳng thì có thể được chuyển vào Dự bị Đại học trong cùng nhóm ngành.
4. Nếu tốt nghiệp hệ Cao đẳng và thi chuyển tiếp lên Đại học thành công (Học kì thứ 5) thì có thể được chuyển thẳng vào học năm thứ nhất tại một trường Đại học trong cùng nhóm ngành.
5. Nếu thỏa mãn các điều kiện tại (1) và có chứng chỉ DSD I hoặc DSD II và xác nhận của điều phối viên DSD thì có thể được chuyển vào dự bị Đại học và không bị giới hạn nhóm ngành.
Sau khi tốt nghiệp đại học, tân cử nhân nên học thêm chương trình thạc sĩ để có cơ hội tìm được việc làm tốt cao hơn. Hiện nay, nhiều chương trình thạc sĩ ở Đức được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Các chương trình dạy bằng tiếng Anh
Ở Đức có nhiều trường Đại học tổ chức các khóa học quốc tế. Những khóa học này được nhiều sinh viên lựa chọn. Loại hình học tập này thu hút được sự quan tâm đặc biệt của sinh viên ngoại quốc cũng như sinh viên Đức có định hướng hoạt động quốc tế sau khi học xong. Chương trình học bao gồm những khóa cho sinh viên bắt đầu vào Đại học và những khóa cao học.
Trong nhiều khóa học loại này có đến 50% sinh viên là người Đức tham gia với mong muốn được sử dụng thành thạo tiếng Anh và hoàn thiện cũng như nâng cao kĩ năng giao tiếp quốc tế thông qua các chuyến thăm và thực tập ở các trường Đại học nước ngoài.
Để có được thông tin chính xác và đầy đủ về điều kiện và phương thức xin nhập học, thời gian và thủ tục đăng kí xin nhập học, hãy liên hệ trực tiếp với trường mà bạn quan tâm. Những trường này có quyền và chịu trách nhiệm trực tiếp về việc chiêu sinh. Điều kiện tiên quyết về ngoại ngữ cho đa phần khóa học loại này là tiếng Anh với chứng chỉ TOEFL 550 điểm hoặc tương đương.
Với câu hỏi “Con tôi cần học bao nhiêu tiếng Đức?”, TS. Dorothea Rüland (Tổng thư kí Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức - DAAD) cho hay, ở Đức cũng như bất kì một quốc gia nào khác, có thể hòa đồng vào cuộc sống chung, trên nguyên tắc ta phải giỏi ngôn ngữ của nước đó.
Để tiết kiệm thời gian và tiền bạc, học sinh, sinh viên nên bắt đầu học tiếng Đức ngay từ trong nước, ví dụ tại Viện Goethe. Dù các trường Đại học Đức không yêu cầu sinh viên quốc tế phải sử dụng thành thạo tiếng Đức ngay từ khi mới sang, song lí tưởng nhất vẫn là nên chuẩn bị trước về tiếng Đức.
Việc các bạn trẻ có ý định sang Đức du học cần đạt trình độ tiếng Đức ở cấp độ nào, hoàn toàn phụ thuộc vào khóa học muốn đăng kí:
Nếu đăng kí học tại một khóa học quốc tế, trước tiên phải giỏi tiếng Anh. Hiện nay, các trường Đại học Đức cung cấp hơn 1800 khóa đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ bằng tiếng Anh.
Nếu đăng kí học một khóa giảng dạy bằng tiếng Đức thì phải chứng minh được trình độ tiếng Đức nhất định qua các bài thi đã được chuẩn hóa như: DSH, TestDaF, DSD.
Ngoài ra còn nhiều khả năng để học tiếng Đức, ví dụ, các trường Đại học cung cấp nhiều khóa học tiếng song song với học chuyên môn, hay ở những cơ sở dạy tiếng với nhiều khóa học ở cấp độ khác nhau như viện Goethe và các trường dạy tiếng.
Đa số các trường công lập miễn học phí, chi phí ăn ở thấp
Bạn không đọc nhầm đâu? Nước Đức là một trong số ít các quốc gia dành cho sinh viên quốc tế ưu đãi miễn học phí. Sinh viên có thể tham gia các chương trình đào tạo Đại học/Cao học với chi phí gần như bằng không.
Hiện nay, 4 bang trong tống số 16 bang của Đức thực hiện việc thu học phí từ học kỳ một nhưng chỉ ở mức vừa phải, khoảng 500 Euro một học kỳ (tương đương 27 triệu đồng một năm). 12 bang còn lại không thu học phí. Sinh viên nước ngoài sang du học ở Đức chỉ phải trả chi phí sinh hoạt ở mức thấp (trung bình 4.800 đến 5.400 Euro một năm), sinh viên có thể làm thêm 90 ngày trong một năm.
Với mức lương bình quân là 7 Euro một giờ, sinh viên có thể kiếm thêm khoảng 5.040 Euro một năm (90 ngày x 8 giờ mỗi ngày x 7 Euro một giờ), đồng nghĩa, với mức thu nhập này, sinh viên có thể tự trang trải chi phí sinh hoạt của mình. Tại Đức, việc làm thêm tương đối dễ kiếm, vì vậy nhiều bạn du học tại Đức có thể tự nuôi sống bản thân mà không cần phải xin tiền thêm từ gia đình.
Các bạn không đủ điều kiện để đi du học đại học, có thể lựa chọn học nghề tại Đức. Với những chương trình đào tạo nghề có hưởng lương ở Đức, các bạn được chu cấp đầy đủ tiền ăn, ở và sinh hoạt phí (khoảng 800 đến 1.000 Euro một tháng) cho cả thời gian học tiếng Đức B2, lý thuyết và thực tập ở các cơ sở đào tạo. Với những bạn học nghề thì cơ hội ở lại làm việc và định cư lâu dài ở Đức sẽ rất cao.
Để du học tại Đức, bạn phải đậu và học xong ít nhất một học kỳ tại một trường ĐH mà Đức công nhận. Đó là tất cả các trường ĐH công lập và một số trường ĐH dân lập (danh sách các trường này sẽ được tìm thấy tại địa chỉ www.daadvn.org).
Chi phí nhà ở và sinh hoạt phí tại Đức được xếp vào nhóm thấp nhất Châu Âu với chi phí chỉ từ 20 triệu đồng một tháng. So với mức chi phí mà các bạn phải bỏ ra khi Du học tại Mỹ, Anh hay Úc thì con số này thực sự đáng lưu tâm. Ngoài ra Chính phủ Đức cho phép sinh viên làm thêm với mức lương hấp dẫn.
Chính sách hỗ trợ tốt cho sinh viên của Chính phủ Đức
Các dịch vụ hỗ trợ sinh viên: Giảm tiền ăn ở các nhà ăn sinh viên, miễn phí đi lại bằng các phương tiện giao thông công cộng trong nội bộ của bang, miễn hoặc giảm vé vào cửa ở các khu du lịch, danh lam thắng cảnh, được hưởng các dịch vụ chăm sóc y tế và sức khỏe tốt với mức bảo hiểm tối thiểu...
Chính phủ cho phép sinh viên được làm thêm 90 ngày trong một năm. Với mức lương bình quân là 7 Euro một giờ, sinh viên có thể kiếm thêm khoảng 5.040 Euro một năm (= 90 ngày x 8h/ngày x 7 Euro/h).
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có nhiều cơ hội ở lại làm việc tại Đức và chính phủ tạo điều kiện gia hạn visa. Hiện tại có 500 công ty lớn nhất thế giới có mặt ở Đức trong tổng số 45.000 công ty nước ngoài.
Một số tổ chức của chính phủ có chính sách hỗ trợ hồi hương cho sinh viên sau khi tốt nghiệp về nước với mức chi phí đầu tư cho một chỗ làm việc đến 10.000 Euro và từ 3 đến 6 tháng lương (bình quân: 500 Euro một tháng).
Theo Dân trí
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC