Vậy mà, bạn nghĩ sao nếu là một du học sinh, vừa chân ướt chân ráo về nước đã bị ai đó vô duyên hỏi: “Sao không ở lại bên đó làm việc, về Việt Nam làm gì?”
Nhận được câu hỏi này, du học sinh ngỡ ngàng lắm. Không biết trả lời ra sao! Không phải vì không có câu trả lời. Không phải vì không tự tin vào lựa chọn của bản thân. Mà là không biết làm sao để dăm ba câu có thể kể hết những suy tư trăn trở, những lý do đưa đến quyết định quay về nước của mình.
Ảnh minh họa
Thế nên, du học sinh viết ra đây vài dòng “tâm sự mỏng” để giải đáp cho thắc mắc của “ai đó” nhé:
Công bằng mà nói, thực ra thắc mắc vậy cũng không hề sai. Trong bối cảnh khi mà gần 2/3 số du học sinh đã tốt nghiệp quyết định ở lại nước sở tại để sinh sống và làm việc. Khi mà thực tế chế độ lương/thưởng khởi điểm tại Việt Nam thấp hơn nhiều với thế giới, chưa xứng đáng với công sức, tiền bạc du học sinh đã đầu tư trong quá trình học ở nước ngoài thì việc lựa chọn về nước khiến người ta thắc mắc cũng phải.
Tại sao du học sinh lại quyết định về nước trong khi không khó để tìm được công việc thu nhập cao tại nước ngoài? Tại sao du học sinh từ chối môi trường sinh sống văn minh hiện đại? Nhiều người muốn sang bên đó còn chẳng được, tại sao học xong bao năm lại muốn về?
Ừ thì, ở lại rõ ràng là thuận lợi hơn đấy. Chẳng phải có người đã từng nói, du học sinh ở lại nước ngoài giống như chiếc xe đi trên xa lộ, đường đã có sẵn chỉ cần băng băng mà đi thôi hay sao. Trong khi du học sinh về nước lập nghiệp phải tự xây đường mà đi. Ừ thì vất vả đấy, gian nan đấy nhưng nếu du học sinh đủ đam mê thì có hề gì!
Du học sinh khi về Việt Nam có rất nhiều lợi thế. Được đào tạo ở nước ngoài, có kiến thức bài bản, có vốn ngoại ngữ tốt, có sự tự tin, suy nghĩ độc lập và đầy ý tưởng sáng tạo,… Du học sinh có đầy đủ các yếu tố mà những doanh nghiệp trong nước đang tìm kiếm.
Không những vậy, với kinh nghiệm cọ xát thực tế của mình, du học sinh hoàn toàn có thể bắt tay vào con đường khởi nghiệp. Không ít những doanh nhân thành đạt, chủ nhân của những start-up đình đám là cựu du học sinh. Nếu du học sinh ở lại nước ngoài làm việc thì cũng chỉ có cơ hội làm đến chức quản lý, cơ hội thăng tiến khó khăn. Ngược lại khi về nước, họ hoàn toàn có thể trở thành ông chủ, không cần làm thuê cho bất cứ ai. Du học sinh về công hiến, làm việc cho quê hương, đem về Việt Nam tinh hoa nhân loại mà họ tiếp thu được ở nước ngoài, lẽ ra cần được hoan nghênh chứ sao lại thắc mắc!
Rất nhiều du học sinh từ chối cơ hội làm việc ở nước ngoài và về Việt Nam lập nghiệp, họ thành công với những dự án của chính bản thân mình.
Bên cạnh yếu tố công việc, du học sinh quay trở về còn bởi lẽ, về Việt Nam cũng có nghĩa là về bên gia đình. Bao năm tháng nỗ lực học tập nơi xứ người, du học sinh nhớ biết bao những bữa cơm nhà. Rồi lễ tết mà chỉ lủi thủi một mình, cách quê hương có khi đến nửa vòng trái đất, chỉ mong nhanh chóng được về Việt Nam, hít hà cái không khí của quê hương.
Mỗi dịp lễ tết, mâm cơm sum vầy ăm ắp yêu thương là ước mơ của bao du học sinh
Giờ hoàn thành xong nhiệm vụ học hành, cầm tấm bằng quý giá trong tay, du học sinh trở về quê hương lập nghiệp, đoàn tụ gia đình chẳng phải là điều hiển nhiên hay sao?
Nguồn: Sưu tầm
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC