Khi những người đầu tiên tới định cư ở Nördlingen, Đức, họ chỉ nghĩ rằng mình sẽ sống trong một miệng núi lửa mà không biết đó chính là mỏ kim cương.
Thị trấn này hút khách nhờ được bao phủ bởi hơn 72.000 tấn bụi kim cương. Ảnh: BBC.
"Tòa tháp này được làm từ đá suevite (một loại đá dăm kết gồm nhiều mảnh vụn có cạnh sắc, có thể chứa thủy tinh, pha lê và kim cương), và bên trong nó là hàng nghìn, hàng triệu viên kim cương nhỏ. May cho chúng tôi là kim cương quá nhỏ. Nếu không, tòa tháp này đã bị trộm lấy đi từ lúc nào rồi", Horst Lenner, người trông coi tháp chuông trong nhà thờ mang phong cách gothic ở Nördlingen hài hước trò chuyện với khách tham quan.
Không chỉ riêng tòa tháp, mọi công trình trong thị trấn thuộc vùng Bayern, phía nam nước Đức này đều gắn hàng triệu viên kim cương siêu nhỏ.
Chỉ tính riêng nhà thờ St. Georges, số lượng kim cương cộng lại lên đến 5.000 carat. Nếu tính tổng, cả thị trấn có tới 72.000 tấn bụi kim cương nằm rải rác. Đó cũng là lý do, Nördlingen còn có tên gọi khác là Thị trấn kim cương và rất đông du khách ghé thăm mỗi năm.
Mọi bức tường trong các ngôi nhà ở thị trấn đều chứa hàng triệu viên kim cương lấp lánh. Ảnh: BBC.
Đây là kết quả sau khi một thiên thạch đâm trúng khu vực này cách đây 15 triệu năm. Vụ va chạm đã tạo ra một vùng lõm khổng lồ, trải rộng hơn 14 km và đi ngang qua vùng đồng quê Nördlingen.
Những viên kim cương này chỉ có giá trị khoa học, chứ không có giá trị kinh tế do quá nhỏ. Theo BBC, ngày nay suevite có thể được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới nhờ các tác động tương tự. Tuy nhiên không nơi nào hội tụ một lượng lớn kim cương như ở nơi này.
"Chúng tôi nhìn thấy chúng từ bao nhiêu năm nay, nên đã quá quen rồi. Dù mọi người nói chúng tôi sống trong mỏ kim cương, chúng tôi cũng không thấy nơi này có gì đặc biệt", một cư dân cho biết.
Kim cương ở đây tuy nhiều, nhưng chúng quá nhỏ để có giá trị. Ảnh: BBC.
Anh Minh-VnExpress
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC