Con đường là sự hòa trộn giữa lịch sử, thiên nhiên và văn hóa, đưa du khách trở về các thành phố thời trung cổ, những tòa lâu đài giống trong truyện cổ tích cùng các ngôi làng đẹp như tranh vẽ của miền Nam nước Đức.
Sau ba tháng hè đi làm thêm vất vả, trước khi học kỳ mùa đông bắt đầu, tôi tranh thủ xách ba-lô khám phá con đường lãng mạn nổi tiếng của Đức. Nó kéo dài khoảng 400km, bắt nguồn từ Würzburg (phía Tây Franconia), đi qua vùng Swabia dẫn tới dải Alps và kết thúc tại thành phố Füssen, thu hút vô số khách du lịch kể từ năm 1950 tới nay.
NGÀY THỨ 1
Vào một buổi sáng đẹp trời, tôi khởi hành lúc 8h tại bến xe buýt Frankfurt. 9h35, xe đưa tôi đến Würzburg, điểm dừng chân đầu tiên của cuộc hành trình. Würzburg nổi tiếng là thành phố của các trường đại học và tòa nhà hội nghị, bao quanh bởi những vườn nho bạt ngàn. Tôi chọn khám phá Würzburg Residence trước tiên. Đây là nơi ở của giám mục vương quyền, được xây dựng theo phong cách Ba-rốc và từng được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Thật ấn tượng với những bức tranh vẽ trên trần nhà!
Chúng được làm bằng thạch cao theo kiểu fresco, mang vẻ đẹp quyền quý sang trọng, khiến tôi không khỏi xuýt xoa. Buổi trưa, tôi đi lang thang ra khu chợ trời (Grüne Markt) với những cửa hàng bán đồ handmade, những quán ăn với các món đặc sản của Würzburg. Tôi chọn một cái Meter Feuerwurst, loại xúc xích dài nửa mét, có mùi vị đậm đà và khá cay. Khỏi phải nói tôi vừa ăn vừa tấm tắc khen ngon thế nào. Nó được kẹp trong chiếc bánh mỳ baguette dài tương đương, phủ lên trên là lớp nước sốt hành tây thơm lừng.
Buổi chiều, tôi tiếp tục cuộc du ngoạn đến Pháo đài Marienberg rộng lớn.
Du khách có thể chọn ô tô hoặc xe buýt để tới đây. Nếu đi đông người, bạn nên đặt Shuttle-Service. Tôi quyết định đi bộ theo biển chỉ dẫn, chỉ mất khoảng 20–30 phút.
Pháo đài này nằm trên cao nên càng lên cao phong cảnh càng đẹp. Từ đó, tôi có thể nhìn ngắm toàn cảnh thành phố Würzburg và dòng sông Main, các bức tường thành cùng lối kiến trúc rất ấn tượng.
Toàn bộ khu vực với pháo đài, hào, cổng và các đỉnh tháp được xây dựng từ nhiều thời kỳ, tạo nên công trình kiến trúc độc đáo có một không hai. Buổi tối, tôi đi dạo trên cây cầu cổ Alte Mainbrücke bắc qua sông Main. Từ đây, tôi thoải mái nhìn ngắm khung cảnh tuyệt vời của các pháo đài Marienberg, nhà thờ hành hương Käppele và những vườn nho nổi tiếng. Chiếc máy ảnh muốn “cháy” vì tôi sợ không lưu lại hết khoảnh khắc đẹp này.
NGÀY THỨ 2
Sáng hôm sau, đúng 9h35, tôi ra Würzburg để đón chuyến xe buýt đến điểm tiếp theo. Tôi xuống Rothenburg ob der Tauber lúc 12h. Được mệnh danh là viên ngọc thời trung cổ, nằm bên bờ sông Tauber lãng mạn, Rothenburg thu hút tôi với khu phố cổ kính, những con đường nhỏ ngoằn ngoèo, những ngôi nhà đủ màu sắc, nhà thờ và các ngọn tháp cao vút.
Cả thành phố tựa như một bảo tàng sống về kiến trúc thời trung cổ.
Trung tâm Rothenburg ob der Tauber là quảng trường, nơi người dân gặp nhau trong các phiên chợ hàng tuần và khách du lịch khởi hành chuyến tham quan thành phố. Marktplatz (quảng trường) và Rathaus (tòa thị chính) được xây dựng trong những năm 1250–1400, mang lối kiến trúc kiểu Gothic.
Làng Giáng sinh nổi tiếng thế giới Käthe Wohlfahrt cũng nằm ngay trung tâm của Rothenburg. Nó mở cửa quanh năm. Đến đây, tôi có cảm giác lạc vào đêm Giáng sinh khi dễ dàng tìm thấy những vật dụng trang trí trong đêm thánh.
Tôi còn được nếm mùi vị Lebkuchen, thứ bánh đặc trưng không thể thiếu trong dịp Noel ở Đức. Các thị trấn thời trung cổ có khá nhiều ngôi nhà gỗ xinh đẹp và ngõ hẻm quanh co. Trong số những góc đẹp nhất của Rothenburg phải nhắc đến Plönlein.
Nơi đây có một căn nhà gỗ hẹp, duyên dáng (Fachwerkhaus) với một đài phun nước, bao quanh là tòa tháp Siebersturm. Nó được được xây từ khoảng năm 1385, là một cổng của bức tường thành thứ hai trong thành phố.
Cái tháp nhỏ bên phải dẫn xuống thung lũng là cổng Kobolzeller, một phần không thể thiếu của pháo đài.
Chiều tối, tôi tự thưởng cho mình bữa ăn thịnh soạn với các món ăn vùng Franconia. Quả thật, hương vị của món Leberknödel (viên gan heo tẩm bột sốt dưa bắp cải chua) khiến tôi không thể nào quên.
NGÀY THỨ 3
Sáng hôm sau, tôi tranh thủ sắm vài món đồ lưu niệm, in hình những địa danh đặc trưng của Rothenburg. Tôi không quên nếm thử các món ăn truyền thống, chẳng hạn như Schneeball, một loại bánh ăn vặt rất nổi tiếng, có hình dáng quả cầu tuyết với đường kính 8–10cm. Phủ trên bánh là lớp đường bột, trông rất đẹp mắt.
Ở một số cửa hàng, như Diller Schneeballenträume – SB-Café, bạn sẽ tận mắt thấy họ chế biến Schneeball và nếm thử. Chúng không mềm như bánh bông lan mà giòn như bánh quy. Sau này, thật khó để tôi tìm được một loại bánh có mùi vị lạ như thế!
Vùng đất này sở hữu những cánh đồng nho bạt ngàn, nên chắc chắn không ai có thể bỏ qua đặc sản rượu nho. Tuy hơi nặng nhưng tôi vẫn quyết định phải mang một chai về làm quà.
Điểm dừng chân tiếp theo mà tôi chọn là Augsburg. Khởi hành lúc 13h từ trạm Bahnhof ở Rothenburg, khoảng 16h30, tôi tới nơi và ghé ngay khu phố cổ nổi tiếng Lechviertel (còn gọi là Handwerkerviertel).
Lechviertel được mệnh danh là khu phố của các thợ thủ công bởi nơi đây tập hợp vô số thợ thủ công lành nghề từ thời trung cổ. Tôi chọn Lechviertel là điểm khám phá đầu tiên vì nghe nói khu phố này vào ban đêm rất đẹp. Những cây cầu dưới ánh đèn đường lờ mờ in bóng trên những dòng kênh, con suối tạo nên vẻ lãng mạn và nên thơ.
Lechviertel có hệ thống kênh đào, những dòng suối dài hơn 135km và số lượng cầu nhiều hơn cả Venice.
Vì thế, nơi đây còn được một số người gọi là “Little Venice”. Lechviertel tương đối yên tĩnh, có rất nhiều cửa hàng boutique nhỏ cùng các quán cà-phê, bar, quán rượu bên đường – nơi nghỉ chân cho du khách.
Vào các dịp lễ hội, người ta đặt những chiếc đèn lồng dọc theo các con đường, làm cho khu phố trở nên xinh đẹp và ấm cúng hơn bao giờ hết. Sau khi đi loanh quanh gần hết khu phố và chụp được khá nhiều ảnh đẹp, tôi bắt đầu thấy đói.
Hỏi thăm người dân địa phương, tôi tìm đến một quán ăn với nhiều món truyền thống. Tôi gọi Maultaschen, đặc sản vùng Swabia (Augsburg nằm trong Swabia).
Tuy mùi vị có hơi khác nhưng trông chúng rất giống hoành thánh ở Việt Nam. Bên ngoài là lớp vỏ bọc bằng bột mỳ, trong là nhân thịt hành và rau, ăn khá ngon và lạ miệng.
NGÀY THỨ 4
Sáng hôm sau, tôi lên lịch thăm quan trung tâm thành phố Augsburg và Fuggerei là nơi không thể thiếu trong danh sách. Vé vào cổng 4 Euro, không rẻ nhưng những ai vào đây đều thấy đáng đồng tiền.
Đó là khu phức hợp “nhà xã hội“ (nhà dành cho người nghèo) cổ nhất trên thế giới nhưng vẫn tồn tại và được sử dụng cho đến nay.
Nó được thành lập từ năm 1516 bởi Jakob Fugger, một trong những thương gia giàu nhất lịch sử nhân loại. Tiền thuê nhà ở đây không tăng từ nửa thiên niên kỷ nay và có giá tượng trưng cho cả năm là 88 cent (chưa tính tiền điện, nước).
Để thuê được một căn hộ trong khu nhà này, bạn phải đáp ứng đủ các điều kiện có từ cách đây 500 năm: là người Công giáo của thành phố Augsburg, có hoàn cảnh khó khăn nhưng danh tính phải thật tốt.
Ngoài ra, 3 lần một ngày, bạn còn phải cầu nguyện cho linh hồn của chủ nhà và dòng họ Fugger.
Tôi đi qua một chiếc cổng vòm vào bên trong. Nhìn thấy các vật dụng từ thời xa xưa, tôi mường tượng ra ngay cuộc sống của những người nghèo thời bấy giờ. Fuggerei quả là một dự án xã hội tầm cỡ, vượt xa thời kỳ của nó.
Sau khi nghỉ trưa tại một quán ăn nhanh, tôi đến quảng trường thành phố rộng lớn với tòa thị chính và tháp Perlachturm. Nếu đến Rothenburg, bạn như trôi về thời Gothic thì ghé Augsburg, bạn sẽ lạc về thời Phục hưng.
Tất cả các công trình kiến trúc, nhà thờ và cả từng góc phố đều đưa tôi trở về Augsburg của thế kỷ XVI, nơi từng là trung tâm kim hoàn nổi tiếng của châu Âu.
Tầng hai bên trong tòa thị chính là Goldener Saal (Golden Hall) – một trong những điểm nổi bật của thiết kế nội thất thời Phục hưng ở Đức. Trần nhà cao 14m, được phủ bằng vàng lá. Năm 1944, trong chiến tranh thế giới thứ II, nó bị tàn phá nặng nề và được trùng tu trong 17 năm, đến năm 1996 mới hoàn tất.
Ra khỏi tòa thị chính, tôi lên tháp Perlachturm – biểu tượng của Augsburg – ngay bên cạnh. Tôi leo 258 bậc cầu thang để lên đỉnh ngọn tháp, ở độ cao 70m có thể nhìn ngắm toàn thành phố.
Ngay phía trên đầu là những chiếc chuông to và khi chúng bắt đầu rung, tôi phải bỏ dở việc chụp ảnh, bịt chặt hai tai vì tiếng chuông quá lớn. Lang thang cả buổi ở con đường Maximilian với những đài phun nước từ thời Phục hưng, tôi mới hiểu vì sao nó được mệnh danh là một trong những con đường đẹp nhất miền Nam nước Đức. Góc phố nào cũng đẹp, cảnh nào cũng đáng để ghi lại.
Chỉ đến khi thấm mệt, tôi mới ghé một quán bánh ngọt nghỉ chân. Tôi chọn loại bánh đặc trưng của Augsburg, Zwetschgendatschi, dưới là bánh ngọt, trên là mận.
Thêm chút cream và một ly cà-phê để nhâm nhi, thật đúng kiểu trà chiều.
5h chiều hôm đó, tôi lên xe buýt tiếp tục cuộc hành trình. Vì không còn nhiều thời gian, tôi quyết định đi thẳng đến điểm cuối của con đường, Füssen, thành phố có phong cảnh thiên nhiên rất lãng mạn. Bao quanh Füssen là dãy Alps hùng vĩ, những thác nước huyền ảo và tòa lâu đài cổ tích, tạo nên cảnh sắc thần tiên hài hòa. Khoảng 20h30 đến nơi, tôi về khách sạn nghỉ ngơi, mong ngóng đến chuyến thám hiểm vào ngày mai.
NGÀY THỨ 5
Neuschwanstein là một trong những lâu đài nổi tiếng nhất thế giới, tạo nguồn cảm hứng cho Walt Disney thiết kế nên Sleeping Beauty Castle ở Disneyland. Vì lý do đó, đây là nơi đầu tiên tôi chọn khi đến Füssen.
Shuttle Bus đưa tôi đến Neuschwanstein từ sớm. Tòa lâu đài nằm trên một sườn núi hẹp rất hiểm trở, gần dòng suối Pöllat. Do đó, trên con đường lên lâu đài bằng Shuttle Bus, tôi thỏa sức ngắm phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng, rất đặc trưng cho vùng Bavaria. Xe buýt dừng ở Marienbrücke (Marie’s bridge) và tôi lững thững đi bộ xuống lâu đài.
Neuschwanstein được xây dựng theo ý tưởng và nguyện vọng của vua Ludwig II.
Ông luôn muốn tạo nên một lâu đài mang kiến trúc thời trung cổ nhưng được trang bị nội thất hiện đại nhất thời bấy giờ. Vua Ludwig II. rất yêu thích nơi này, cũng như cha của mình Maximilian II (người đã cho xây dựng cây cầu bằng gỗ Marienbrücke bắc qua hẻm núi Pöllatschlucht chênh vênh, hiểm trở để tặng vợ Marie).
Tòa lâu đài, cây cầu cùng quang cảnh xung quanh đã tạo nên bức tranh sống động hài hòa, hiện thân cho chủ nghĩa lãng mạn của thế kỷ XIX. Từ cầu Marienbrücke, tôi không chỉ bao quát toàn cảnh tòa lâu đài mà còn nhìn ngắm được vách núi Pöllat.
Tôi hơi run chân vì sợ chiếc cầu quá tải. Nó khá nhỏ, bắc qua vách núi cheo leo nhìn rất nguy hiểm. Người thì đông, phải nhích từng bước để ra tới giữa cầu.
Đi bộ đến gần lâu đài, tôi hoa mắt vì dòng người dài dằng dặc đang đứng xếp hàng chờ mua vé.
Nhờ đặt vé online trước, tôi không phải hòa cùng dòng người. Du khách không được đi một mình mà phải theo từng tốp và có người hướng dẫn, cũng không được phép chụp ảnh khi vào trong.
Quả thật, không hình ảnh nào có thể truyền tải được vẻ đẹp nguy nga lộng lẫy toát ra từ nội thất và cách bài trí bên trong.
Sau cái chết bí ẩn của vua Ludwig II., việc hoàn thành Neuschwanstein bị bỏ dở và nhiều phòng chưa được bài trí trọn vẹn. Tuy vậy, nó vẫn rất cuốn hút tôi, đưa tôi về với thời hoàng kim của nước Đức vào thế kỷ XIX.
Sau 30 phút tham quan, tôi đi bộ nhìn ngắm xung quanh và từ vị trí ấy có thể nhìn thấy tòa lâu đài Hohenschwangau đối diện, cũng uy nghi không kém.
Quá trưa, tôi không đi xe buýt mà rảo bộ xuống núi, thưởng thức phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp không phải nơi nào cũng có được. Đường dốc thoai thoải rất dễ đi, cũng không mất nhiều thời gian lắm (chỉ khoảng 20–30 phút).
Tôi tận dụng nửa ngày còn lại để chiêm ngưỡng vẻ đẹp khu phố cổ của Füssen. Nó tương đối nhỏ nhưng rất nhộn nhịp với nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm và các quán ăn, cà-phê san sát. Tôi vào một quán bình dân bên đường, hơi xa khu phố cổ một chút. Nơi đây có những món ăn khá đơn giản nhưng rất đặc trưng cho vùng Allgäu/ Bavaria.
Tôi thử Spätzle, một loại mỳ trứng tươi (làm từ bột mỳ và trứng) ăn cùng xúc xích và rau củ. Nó ngon không thua gì mỳ Ý. Tôi mê mẩn khám phá hết mọi ngõ ngách của Füssen, ghé nơi này một chút, nơi kia một tẹo. Nếu không có tiếng chuông điện thoại vào lúc 23h, chắc tôi sẽ còn tha thẩn mãi nơi này.
Chỉ mất 5 ngày, tôi đã chinh phục được con đường nổi tiếng nhất nước Đức. Nếu bạn là một cư dân châu Âu, hãy thử một lần như tôi, đi dọc con đường này bằng những chuyến xe buýt. Nếu là du khách, thật khó để bạn bỏ lỡ điểm đến tuyệt vời này. Cho nên, hãy lên lịch đi ngay và đảm bảo khi về, bạn sẽ có một nhật ký hành trình thú vị không kém gì tôi.
BẠN CẦN BIẾT
Từ tháng Tư đến tháng Mười, các tuyến xe buýt “Hop On – Hop Off” hoạt động nối liền những thành phố trên con đường lãng mạn. Mỗi ngày có một chuyến xe khởi hành từ 8h sáng tại Frankfurt (điểm đầu) hoặc Füssen (điểm cuối).
Tổng cộng có 30 điểm dừng. Hành khách có thể xuống xe nghỉ chân và tham quan tùy thích, cũng có thể đi chuyến xe buýt khác theo lịch trình để đến các điểm tiếp theo.
Dịch vụ xe buýt “Hop on – Hop off” là những chiếc xe dừng đón và trả khách tại các điểm du lịch nổi tiếng dọc con đường lãng mạn, trên xe có trang bị hệ thống thuyết minh về các điểm tham quan và dịch tự động qua ngôn ngữ khác nhau. Nếu bạn đã có thẻ German Rail Pass hoặc Eurail Pass, bạn sẽ được giảm giá 20% khi sử dụng tuyến xe buýt trên. Xe buýt hoạt động mỗi ngày, từ tháng Tư đến tháng Mười theo lộ trình: Frankfurt am Main – Würzburg – Rothenburg ob der Tauber – Füssen.
(Nguồn Her World Việt Nam)
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC