Du lịch Đức, du khách cần chú ý một số luật cấm tại đất nước này để tránh gặp rắc rối. Một trong số đó là lệnh cấm đã được thông qua về việc cấm đưa hình ảnh món ăn lên mạng xã hội, điều này có thể là lỗi dễ mắc phải đối với những khách du lịch thích đăng và chia sẻ hình ảnh về thức ăn trên mạng xã hội.
Du lịch là niềm đam mê đối với rất rất nhiều người trên thế giới và chiếc máy ảnh hay những thiết bị có thể ghi lại hình ảnh trở thành những người bạn đồng hành không thể thiếu đối với dân du lịch.
Ngày nay với công nghệ phát triển, người ta có nhiều hơn một chiếc máy ảnh là công cụ để chụp ảnh. Thậm chí chụp ảnh khi đi du lịch càng được yêu thích hơn khi đó là một cách “khoe khéo” chuyến du hí của mình.
Chỉ cần một vài phút ngay sau khi chụp ảnh, bức ảnh “nóng hổi” ngay lập tức xuất hiện trên mạng xã hội và bất kỳ ai cũng có thể nhìn thấy điều thú vị mà bạn đang có được.
Tuy nhiên giờ đây khi những món ăn trình bày đẹp mắt cũng có “bản quyền” tác giả thì việc đưa ảnh món ăn tại Đức lên mạng xã hội đã trở thành một luật cấm. Điều này đồng nghĩa với việc bạn cần thận trọng hơn khi chụp ảnh món ăn ở Đức.
Bên cạnh đó, một số nơi ở châu Âu cũng đã bắt đầu có lệnh cấm chụp ảnh những địa danh công cộng.
Cùng điểm qua những thông tin này để có chuyến du lịch Đức và châu Âu suôn sẻ nhé!
Việc đưa ảnh món ăn lên mạng xã hội ở Đức bị cấm
Luật cấm đưa hình ảnh món ăn lên mạng xã hội
Chính quyền Đức đã quyết định mở rộng “Đạo luật về quyền tác giả” được thông qua từ năm 2013. Giờ đây, những ai muốn chia sẻ những ấn tượng về đồ ăn thức uống của mình với bạn bè hoặc với thế giới bằng cách đưa ảnh chụp những món ăn (ảnh) lên các mạng xã hội như Instagram, Facebook, Twitter… đều có thể bị coi là phạm pháp.
Theo tờ Die Welt của Đức, những món ăn được chế biến đẹp mắt trong các nhà hàng nổi tiếng đều được coi là các tác phẩm nghệ thuật của những đầu bếp thượng thặng. Bởi vậy nó cũng được xem là một sản phẩm sáng tạo nghệ thuật có bản quyền. Việc đưa ảnh chụp những món ăn đó lên các mạng xã hội mà không được tác giả tức là các đầu bếp của món ăn đó cho phép thì tức là đã vi phạm quyền tác giả và có thể bị đưa ra xét xử trước toà án.
Cách đây vài năm, tại nhà hàng Dorado ở thủ đô Berlin cũng đã xuất hiện tấm biển có dòng chữ “Đề nghị không đưa ảnh món ăn lên Instagram”. Điều đó cho thấy việc bảo vệ bản quyền cho những món ăn đầy nghệ thuật ở Đức đã bắt đầu được chú trọng hơn rất nhiều. Bởi vậy, nếu đưa ảnh chụp những món ăn đó lên các mạng xã hội mà không được tác giả (tức là các đầu bếp) cho phép thì tức là đã vi phạm quyền tác giả và việc đối diện với những mức phạt là điều khó tránh khỏi.
Vì thế dù món ăn Đức có ngon và nhìn hấp dẫn đến đâu chăng nữa, bạn cũng hãy cầm lòng lại mà giữ ảnh cho riêng mình xem thôi nhé, hay cố gắng đợi đến khi gặp bạn bè hãy đưa cho họ xem. Đặc biệt đối với những khách tour du lịch Đức có thói quen chụp ảnh và ngay lập tức chia sẻ lên mạng xã hội thì cần chú ý hơn để không phải đối mặt với tòa án nhé!
Những món ăn đẹp ở Đức đều có bản quyền của tác giả (đầu bếp)
Sắp thông qua luật cấm chụp ảnh địa danh công cộng ở châu Âu
“Quyền tác giả” không chỉ xuất hiện ở các món ăn ở nước Đức mà còn lan rộng đến những địa danh công cộng ở châu Âu. Đi du lịch châu Âu bạn cũng nên chú ý kỹ những vấn đề này nhé, bởi không phải nơi đâu cũng tự do để chụp ảnh.
Vừa qua, nghị viên châu Âu đã tiến hành bỏ phiếu tại Strasbourg. Nếu được thông qua, quyền tự do nhiếp ảnh sẽ bị hạn chế trong các nước EU.
Đơn cử như khi đến Paris, mọi người chắc hẳn đều chụp ảnh với tháp Eiffel nổi tiếng. Bạn có thể chụp ảnh tháp này vào ban ngày, tuy nhiên nếu bức ảnh được chụp vào ban đêm, theo như luật của Pháp, bức ảnh sẽ không được phép đăng tải. Ánh sáng chiếu trên tháp được coi là tác phẩm nghệ thuật cá nhân, cùng với việc không có luật về nhiếp ảnh phong cảnh tại nước này nên việc đăng tải tự do là bất hợp pháp.
Việc đăng ảnh địa danh công cộng ở châu Âu cũng có thể bị hạn chế
Việc sử dụng các bức ảnh nơi công cộng không bị giới hạn, và cũng không bị coi là vi phạm tác quyền của kiến trúc sư hoặc nghệ sĩ. Wikipedia sử dụng các hình ảnh đó với tác quyền nhiếp ảnh gia. Đa số các nước thuộc liên minh châu Âu đều cho phép điều này nhưng tại Bỉ và Pháp thì khá hạn chế. Ví dụ như trường hợp của tháp Atomium tại Bỉ. Bài viết của Wikipedia không có hình ảnh minh họa cho nó, thay vào đó chỉ là hình vẽ.
Về lý thuyết, điều này chỉ liên quan tới các đối tượng sử dụng ảnh chụp danh thắng ở châu Âu cho các mục đích thương mại, chẳng hạn như trong quảng cáo. Tuy nhiên, sẽ là vấn đề nếu bạn đăng ảnh lên Facebook, hay bất cứ trang web nào có quyền sử dụng hình ảnh của người dùng cho bất cứ mục đích nào mà họ muốn.
Luật này chỉ ảnh hưởng tới địa danh được bảo vệ bản quyền, như những công trình mới có tác giả hoặc người đại diện còn sống.
Luật bảo vệ quyền tác giả hiện cũng sẽ khác nhau trên toàn châu Âu. Vương quốc Anh, Ireland, Đức, Ba Lan, Thụy Điển và Tây Ban Nha là những nước hưởng “tự do phong cảnh”, đồng nghĩa du khách có thể chụp ảnh các địa danh, công trình văn hóa và sử dụng chúng tùy ý.
Các quốc gia như Na Uy và Phần Lan thì chỉ cho phép sử dụng tự do ảnh chụp các tòa nhà, không áp dụng với công trình điêu khắc. Những nước khác, bao gồm các nước vùng Baltic, Romania và Bulgaria, chỉ cho phép sử dụng ảnh chụp địa danh cho mục đích phi thương mại.
Đặc biệt ở Italy, Pháp, Hy Lạp và Bỉ không có “tự do phong cảnh”, có nghĩa là người chụp phải có sự cho phép từ chủ sở hữu quyền tác giả trước khi xuất bản hay đăng tải hình ảnh của các vật thể văn hóa ở bất cứ đâu.
Tổng hợp Die Welt
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC