Có hàng trăm thứ để xem, khám phá và vui chơi ở Berlin, thủ đô nước Đức. Do đó, không có nhiều du khách chú ý đến thứ nằm dưới chân họ – những miếng đồng khắc tên người có chiều dài 10 cm, gắn lên đá. Chúng có kích thước nhỏ bé, nằm khiêm tốn trên vỉa hè các con phố nên dễ bị du khách bỏ qua. Tuy nhiên, khi đã để ý, bạn sẽ thấy tần suất xuất hiện của chúng khá nhiều.
Trên mỗi phiến đá là tên tuổi, ngày tháng năm sinh của những nạn nhân bị nhốt trong trại tập trung của phát xít Đức. Ảnh: Amusing Planet.
Theo Amusing Planet, miếng đồng này có tên gọi là Stolpersteine. Trên đó khắc tên, ngày sinh và số phận của những người từng bị giam giữ dưới thời Đức quốc xã. Ngày nay, có hơn 8.000 Stolpersteine ở Berlin và hàng chục nghìn viên đá như vậy nằm rải rác khắp nước Đức và châu Âu.
Ý tưởng này được nghệ sĩ Đức, Gunter Demnig, nghĩ ra vào năm 1992 nhằm tưởng nhớ các nạn nhân dưới thời Hitler. Miếng đồng được đặt tại nơi ở cuối cùng của mỗi người có tên được khắc, trước khi họ bị chuyển tới trại tập trung. Đến nay, Demnig đã đặt hơn 70.000 mảnh trên khắp châu Âu. Mỗi năm, ông dành 300 ngày để đi giám sát việc gắn các Stolpersteine.
Những viên Stolpersteine trên đường phố Leipzig, thành phố phía đông của nước Đức. Ảnh: Amusing Planet.
Stolpersteine tôn vinh và tưởng nhớ các nạn nhân của chế độ Đức quốc xã, gồm người Đức gốc Phi, người Do Thái, Roma, Sinti, người khuyết tật, người bất đồng chính kiến, người đồng tính. Chúng ghi tên của cả những người bị sát hại cũng như những người sống sót đã trốn sang nước khác… Đó cũng là lý do bạn sẽ tìm thấy Stolpersteine tại những nơi chưa từng bị Đức quốc xã chiếm đóng như Thụy Sĩ, Tây Ban Nha…
Việc viết tên, tóm tắt tiểu sử của các nạn nhân để in lên đồng gồm nhiều công đoạn. Người nhà của các nạn nhân này cung cấp thông tin. Các nội dung sẽ được tổ chức lắp Stolpersteine tại từng địa phương nghiên cứu kỹ lưỡng. Sau đó, họ cùng các tình nguyện viên thảo luận để quyết định nơi đặt các miếng đồng mới, cũng như thời điểm diễn ra. Thông thường, quy trình hoàn tất việc lắp đặt mất 6 tháng.
Tuy nhiên, nhiều người bày tỏ sự phản đối với dự án này. Chủ tịch Cộng đồng Do Thái ở Munich và vùng thượng Bavaria cho rằng không nên đặt tên những nạn nhân lên vỉa hè vì nhiều người có thể giẫm giày lên. Điều này không khác gì hành động chà đạp nạn nhân và khiến những người đã khuất tổn thương.
Trong khi đó, Michael Friedrichs-Friedländer, thợ thủ công làm ra Stolpersteine, đã phát biểu ủng hộ ý tưởng. Michael cho rằng đây là một hình thức tưởng nhớ rất tốt: “Nếu bạn muốn tìm hiểu các thông tin trên miếng đồng, bạn sẽ phải cúi đầu để đọc. Đó chẳng phải hành động cúi đầu tưởng nhớ các nạn nhân sao”.
Nguồn: Vnexpress
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC