Học tiếng Đức là lãng phí cuộc đời?

Bất kể là của ai, ý nghĩa của câu nói trong ảnh, chắc chắn không phải là “Học tiếng Đức là lãng phí cuộc đời” như một số người vẫn nhầm hiểu.

Thay vào đó câu nói mang hàm ý rằng “Tiếng Đức rất là phức tạp và do đó rất khó để học”.

Tiếng Đức khó chăng? Đúng, nhưng cũng thật khó để so sánh độ khó của tiếng Đức với các ngoại ngữ khác mà người Việt thường học như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung và tiếng Nhật.

Tiếng Đức có khó không?

Tiếng Đức cũng dùng hệ thống ABC gồm 26 chữ cái như tiếng Anh, cộng thêm 4 chữ cái ä, ö, ü, và ß mà tiếng Anh không có.

Do đó hiển nhiên học viết tiếng Đức sẽ dễ hơn học viết tiếng Trung và tiếng Nhật. Từ tiếng Đức không có phiên âm như từ tiếng Anh, vì nguyên tắc phát âm của chữ cái tiếng Đức không thay đổi khi được ghép vào trong từ.

Cách phát âm trong từ tiếng Đức gần giống với tiếng Việt: viết sao đọc vậy.

Tuy nhiên, có những chữ đơn và chữ ghép trong tiếng Đức rất khó cho người Việt phát âm đúng, ví dụ chữ l, k, ch, sch, st, ü. Nhưng nhìn chung, về việc đọc và nhận âm/từ đúng khi nghe thì tiếng Đức dễ hơn tiếng Anh.

Tuy nhiên, ngữ pháp tiếng Đức khó hơn tiếng Anh vì danh từ tiếng Đức phân chia theo 3 giống khác nhau: đực, cái và trung lập.

Ngoài ra, tiếng Đức cũng phân chia sự khác nhau giữa các trường hợp: chủ từ, túc từ trực tiếp, túc từ gián tiếp, và sở hữu cách dựa trên sự phân chia của 3 giống danh từ.

Thêm nữa, thứ tự của từ trong câu tiếng Đức phức tạp hơn tiếng Anh vì vị trí của động từ chính hoặc trợ động từ trong câu sẽ thay đổi (đứng trước/sau chủ từ hoặc đứng cuối câu) tùy thuộc vào việc đó là câu đơn hay câu ghép hay từ nối nào được dùng để ghép câu.

Tuy nhiên, hầu hết tất cả các chủ đề ngữ pháp tiếng Đức đều có quy luật và có rất nhiều sách hay dạy về những quy luật này nên sẽ không khó để học giỏi ngữ pháp tiếng Đức.

Tóm lại, đọc và viết tiếng Đức không khó, nhưng nói đúng tiếng Đức lại là thách thức lớn.

books 1149959 640

Học tiếng Đức ở đâu?

Để nói tiếng Đức tốt và học tiếng Đức một cách bài bản, theo tôi, cách hiệu quả nhất là đi học tiếng Đức ở các “trung tâm giáo dục người lớn” (tiếng Đức gọi là “Volkshochschule”, viết tắt là VHS). Hầu hết mọi thành phố của Đức đều có một trung tâm VHS của thành phố đó.

Học phí các khóa học từ ngoại ngữ đến kỹ năng nghề ở VHS đã được tài trợ bởi thành phố nên thường rẻ hơn so với các khóa học ở trung tâm tư nhân.

Ngoài ra, sinh viên đang học ở một trường đại học của Đức, khi học ở VHS sẽ được giảm thêm 20% học phí (ví dụ ở VHS Düsseldorf).

Không giống ở Việt Nam, học tiếng Đức ở viện ngoại ngữ Goethe ở bất kỳ thành phố nào của Đức đều rất đắt đỏ, cho nên sinh viên trước khi du học Đức nên tranh thủ cơ hội học tiếng Đức ở các trung tâm ngoại ngữ của viện Goethe Việt Nam, chất lượng dạy tương đối tốt mà học phí thì khá rẻ.

Ngoài việc học ở VHS, sinh viên Việt Nam đang du học ở Đức nên cố gắng tiếp xúc nhiều với người Đức để thực hành tiếng Đức của mình. Nói sai hoặc biết ít từ để nói vẫn cố gắng sử dụng tiếng Đức thay vì tiếng Anh.

Hầu hết người lớn tuổi ở Đức sống thân thiện và thích người Việt Nam, do đó thực hành tiếng Đức với họ ở bất kể đâu, trên phố, siêu thị, hay trong xóm trọ, cũng là một việc nên làm.

Với kỹ năng nghe và đọc hiểu, người học có thể dùng các trang web học tiếng Đức online rất hay, ví dụ Deutsche Welle. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý thêm, để học tiếng Đức được hiệu quả mà không lãng phí thời gian và tiền bạc, du học sinh Đức nên học tiếng Đức một cách tập trung.

Nghĩa là, một khi đã đăng ký khóa học tiếng Đức và bắt đầu học, thì phải theo đến cùng, cho đến khi đạt đến trình độ (chứng chỉ B2) mà có thể tự học được hoặc cho dù có bị gián đoạn việc học một thời gian cũng không bị quên nhiều.

Do đó, sinh viên du học Đức cần xem xét yếu tố thời gian và khả năng học hỏi ngoại ngữ của chính bản thân để quyết định thời gian nào phù hợp để bắt đầu học tiếng Đức.

Ví dụ đối với người có khiếu học ngoại ngữ thì có thể học song song tiếng Đức và chương trình học ở trường đại học.

Nếu không, việc học tiếng Đức chỉ nên bắt đầu ở giai đoạn sau khi đã hoàn thành tất cả các kỳ thi của chương trình đại học và trước khi viết bài luận tốt nghiệp. Giống như học tiếng Anh ở nước Anh hay Mỹ, du học Đức là cơ hội hiếm có để học thêm tiếng Đức.

Học tiếng Đức là một lợi thế cho du học sinh Đức chăng?

 Đúng thế! Bởi vì, bất chấp những sự kiện gây bất ổn cho nước Đức nói riêng và xã hội Châu Âu nói chung trong thời gian gần đây, nước Đức đã và vẫn đang (hi vọng tiếp tục sẽ) là quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất Châu Âu và top 5 thế giới.

Bên cạnh đó, hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Châu Âu cũng vừa được ký kết hồi đầu năm nay.

Cho nên, những du học sinh Đức giỏi tiếng Đức khi trở về Việt Nam sau khi tốt nghiệp chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn so với các du học sinh chỉ có tiếng Anh là ngoại ngữ duy nhất.

Cơ hội cho các bạn muốn thực tập, xin việc và ở lại Đức

Thế với các sinh viên muốn thực tập hoặc ở lại Đức làm việc vài năm, thì liệu giỏi tiếng Đức thôi cũng đủ cạnh tranh trong môi trường quốc tế mà đa số sinh viên đến từ Châu Âu đều biết ít nhất 3 thứ tiếng?

Hiển nhiên câu trả lời là không. Để là ứng viên sáng giá cho các công việc thực tập hoặc chính thức, theo tôi, ngoài tiếng Đức là điều kiện đủthành tích học tập tốt (top 5 của chương trình học, hoặc điểm trung bình tối thiểu 1.7 theo thang điểm của Đức) là điều kiện cần, du học sinh phải có niềm tin mạnh mẽ vào bản thân cũng như định hướng rõ ràng cho tương lai và khả năng giao tiếp giỏi.

Với nỗi nhớ nhà luôn canh cánh trong lòng và với sự hấp dẫn của việc du lịch tự do giữa một nước Đức vốn tươi đẹp và nhiều nước Châu Âu cũng đẹp đẽ và lãng mạn như trong chuyện cổ tích, thì việc lọt vào top 5 sẽ là một thách thức lớn cho du học sinh, mặc dù sinh viên Việt Nam vốn có tiếng thông minh và chăm chỉ.

Mặt khác, sự tự tin và khả năng giao tiếp đều là những kỹ năng cần được rèn luyện và trau dồi theo thời gian.

Như vậy, làm thế nào để việc học được hiệu quả, quan trọng hơn là cần chuẩn bị tâm lý như thế nào cho sinh viên Việt Nam trước và sau khi sang Đức du học, trong phần tiếp theo của bài viết, tôi sẽ chia sẻ vài ý kiến cá nhân.

 

Tác giả bài viết: MSc. Lê Huỳnh Bích Ngân – Economics and Finance
Nguồn: hotrosv.de


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan