Trả lời:
Luật sư Nguyễn Thị Xuyến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, nhiều người nước ngoài và người Việt Nam hiện có quốc tịch nước ngoài đang sử dụng 2 loại giấy phép lái xe quốc tế là giấy phép lái xe quốc tế IAA (International Automobile Association) do Hiệp hội ô tô quốc tế IAA có trụ sở đặt tại New York (Mỹ) cấp và giấy phép lái xe quốc tế IDP (International Driving Permit) do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của các nước (bao gồm cả khu vực hành chính) tham gia Công ước về giao thông đường bộ năm 1968 (sau đây gọi tắt là Công ước Vienna) cấp theo một mẫu thống nhất.
Tại Điều 3 của Thông tư số 29/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải về cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế đã quy định, giấy phép lái xe quốc tế là giấy phép lái xe do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của các nước (bao gồm cả khu vực hành chính) tham gia Công ước Vienna cấp theo một mẫu thống nhất.
GPLX quốc tế IDP do Việt Nam cấp có khổ A6 theo quy định chung của các nước tham gia Công ước Viên (Ảnh: Nhật Minh).
Do đó, trên cơ sở quy định của pháp luật, thì chỉ có giấy phép lái xe quốc tế IDP do các nước tham gia Công ước Vienna cấp theo một mẫu thống nhất là có giá trị sử dụng trong lãnh thổ Việt Nam; các loại giấy phép lái xe quốc tế khác (bao gồm giấy phép lái xe quốc tế IAA) sẽ không có giá trị sử dụng trong lãnh thổ Việt Nam.
Với trường hợp người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, nếu muốn điều khiển xe tại Việt Nam bắt buộc phải có bằng lái xe do quốc gia của mình cấp cùng với IDP (nếu đến từ nước tham gia Công ước Viên) hoặc phải làm thủ tục đổi sang bằng lái xe tương ứng của Việt Nam.
Do Australia (Úc) là một trong các quốc gia tham gia Công ước Vienna 1986 về giao thông đường bộ nên nếu bạn đã được cấp "Giấy phép lái xe quốc tế" do Úc cấp thì bạn sử dụng Giấy phép lái xe quốc tế đó kèm theo "Giấy phép lái xe quốc gia" do Úc cấp để sử dụng tại Việt Nam mà không cần đổi sang Giấy phép lái xe của Việt Nam.
Giấy phép lái xe quốc tế IDP được dùng ở những nước nào?
Giấy phép lái xe quốc tế IDP do Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp và cấp cho: Người Việt Nam, người nước ngoài có thẻ thường trú tại Việt Nam, có giấy phép lái xe quốc gia do Việt Nam cấp còn giá trị sử dụng.
IDP do Việt Nam cấp không có giá trị sử dụng trong lãnh thổ của Việt Nam. Khi ra nước ngoài, người Việt Nam phải mang cả giấy phép lái xe quốc gia và IDP để xuất trình khi cần thiết trên lãnh thổ của các nước tham gia Công ước Vienna đồng thời tuân thủ pháp luật của nước sở tại.
Có thể thấy, giấy phép lái xe quốc tế IDP phần lớn được sử dụng ở các nước mà người Việt Nam ít khi đi, chỉ có Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Italy, Indonesia, Thái Lan, Thụy Điển là tương đối phổ biến.
Thủ tục đổi Giấy phép lái xe hoặc bằng lái xe của nước ngoài sang Giấy phép lái xe Việt Nam
Việc này được quy định tại Khoản 1 Điều 41 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017 của Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT ngày 8/10/2019. Thành phần hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị đổi Giấy phép lái xe (đối với người Việt Nam theo mẫu quy định tại Phụ lục 19, đối với người nước ngoài theo mẫu quy định tại Phụ lục 20);
- Bản dịch Giấy phép lái xe nước ngoài ra tiếng Việt được bảo chứng chất lượng dịch thuật của cơ quan Công chứng hoặc Đại sứ quán, Lãnh sự quán tại Việt Nam mà người dịch làm việc, đóng dấu giáp lai với bản sao Giấy phép lái xe; đối với người Việt Nam xuất trình hợp pháp hóa lãnh sự Giấy phép lái xe hoặc bằng lái xe của nước ngoài theo quy định của pháp luật về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự, trừ các trường hợp được miễn trừ theo quy định của pháp luật;
- Bản sao Hộ chiếu (phần số Hộ chiếu, họ tên và ảnh người được cấp, thời hạn sử dụng và trang thị thực nhập cảnh vào Việt Nam), Giấy chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh thư ngoại giao hoặc công vụ do Bộ Ngoại giao Việt Nam cấp hoặc bản sao Thẻ cư trú, Thẻ lưu trú, Thẻ tạm trú, Thẻ thường trú, giấy tờ xác minh định cư lâu dài tại Việt Nam đối với người nước ngoài.
Khi đến thực hiện thủ tục đổi Giấy phép lái xe, người lái xe phải chụp ảnh trực tiếp tại cơ quan cấp Giấy phép lái xe và phải xuất trình bản chính các hồ sơ nêu trên (trừ các bản chính đã gửi) để đối chiếu.
Nơi tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục đổi Giấy phép lái xe hoặc bằng lái xe của nước ngoài:
- Người lái xe lập 1 bộ hồ sơ, gửi trực tiếp tại Cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải (nơi đăng ký cư trú, lưu trú, tạm trú hoặc định cư lâu dài).
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC