Rác ngập đường phố sau màn pháo hoa: Ý thức hay thói quen?

Rác ngập đường phố sau màn pháo hoa: Ý thức hay thói quen?

Sau màn bắn pháo hoa, có mặt tại xung quanh tượng đài cá basa (TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) chứng kiến cảnh tượng nhức mắt vì rác “ngập” đường phố.

Sau màn bắn pháo hoa chào mừng năm cũ sang năm mới, ai cũng hân hoan chúc mừng nhau những điều tốt đẹp. Nhưng bên cạnh đó, sau khi kết thúc màn bắn pháo hoa, rừng người bỏ đi về, còn lại ngổn ngang các loại rác thải.

Những nam thanh nữ tú, các cháu thiếu nhi, thậm chí cả một số người lớn cũng có hành vi xả rác bừa bãi. Thói quen ăn quà vặt là khởi nguồn của rác thải. Từ những túi nilon, vỏ chai, ly nước,… đều được vứt bỏ ngay dưới lòng đường. Tàn cuộc vui, mặt đường la liệt rác, chẳng khác bãi chiến trường.

1 Rac Ngap Duong Pho Sau Man Phao Hoa Y Thuc Hay Thoi Quen

Rác ngập đường phố tại gần tượng đài cá basa (TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) sau màn pháo hoa. Ảnh: Thành Nhân

Anh Nguyễn Văn Bé Hai (ngụ ở TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) cho biết: “Từng chai nước, ly nước, túi nilon,… bỏ xuống lòng đường. Việc này cho thấy ý thức của nhiều người rất kém, không có thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường nơi công cộng. Trong khi trẻ em có ý thức, hỏi bố mẹ chỗ vứt rác thì người lớn lại thản nhiên ném luôn rác ra đường. Người lớn không gương mẫu làm sao dạy được trẻ nhỏ”.

"Sau mỗi lần tổ chức sự kiện, xung quanh tường đài cá basa ở TP Châu Đốc lại vương đầy rác. Có người nói vì quá đông, muốn tìm đến chỗ có thùng rác cũng rất khó. Tôi lại không nghĩ vậy, đó chỉ là bao biện thôi", anh Trần Văn Giàu (ngụ ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) bày tỏ.

Theo anh Giàu, khi ăn uống xong bao giờ cũng giữ rác trên tay. Nếu chưa tìm thấy thùng đựng rác, họ sẽ vẫn cầm theo cho đến khi tìm thấy mới. Còn hiện nay, nhiều người vẫn có thói quen tiện đâu vứt đó.

Sau khi kết thúc màn bắn pháo hoa, dòng người đi về thì hàng chục công nhân môi trường đô thị phải gồng mình để nhanh chóng làm sạch đường phố.

Anh Đỗ Văn Trà, công nhân vệ sinh môi trường (Công ty Cổ phần môi trường Đô thị An Giang) cho biết, anh đã làm công việc này hơn 16 năm. Những dịp lễ, Tết, việc sau khi dòng người về thì anh, chị em công nhân môi trường đô thị vào cuộc để làm sạch đường phố đã là công việc quen thuộc.

2 Rac Ngap Duong Pho Sau Man Phao Hoa Y Thuc Hay Thoi Quen

Công nhân môi trường đô thị quét thu gom rác. Ảnh: Thành Nhân

Tương tự như anh Trà, anh Nguyễn Văn Tiền (sinh năm 1984, ngụ ở thị trấn An Phú, huyện An Phú, tỉnh An Giang) là công nhân môi trường của Xí nghiệp Môi trường Đô thị An Phú (huyện An Phú, tỉnh An Giang) - cho biết:

"Dịp Tết lượng rác nhiều nên công nhân phải căng mình làm việc. Thậm chí tần suất làm việc phải làm gấp đôi, gấp ba lần so với ngày thường. Tuy nhiên chúng tôi đều cảm thấy vui vẻ vì góp phần làm cho đường phố xanh, sạch, đẹp".

Nguồn: Báo Lao động


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan