Các nhà khoa học Australia vừa tìm ra phương pháp tái chế nhựa thành dầu nhiên liệu giá rẻ. Không chỉ có ưu thế về giá thành, công nghệ của các nhà khoa học Australia còn giải quyết nhu cầu về nhiên liệu và mở ra cơ hội thu lợi nhuận lớn cho ngành công nghiệp tái chế.
Giáo sư hóa học Thomas Maschmeyer. Ảnh: Getty.
Giáo sư hóa học Thomas Maschmeyer thuộc trường Đại học Sydney và nhóm nghiên cứu của ông vừa tìm ra phương pháp tái chế nhựa thành nguyên liệu hydrocarbon để có thể được sử dụng làm nhiên liệu, sáp, chất bôi trơn, dung môi và nhựa mới.
Ưu điểm của phương pháp này là rác thải nhựa không cần phân loại kỹ, và có thể xử lý các loại nhựa khó tái chế như túi ni-lông, màng ni-lông, tấm nhựa và nhiều loại nhựa hỗn hợp. Việc có thể xử lý nhiều loại nhựa, đặc biệt là những loại khó tái chế sẽ góp phần đáng kể vào nỗ lực hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải.
Ưu điểm thứ hai của phương pháp này chính là có giá thành rẻ hơn so với các phương pháp tái chế khác nhờ việc áp dụng công nghệ lò phản ứng thủy nhiệt xúc tác (được gọi là Cat-HTR). Công nghệ này cho phép trộn nhựa với nước ở áp suất cao, nhiệt độ cao đến mức hơi nước có thể hoạt động giống như dung môi lỏng.
Phản ứng hóa học diễn ra trong môi trường này có thể chuyển hóa nhựa thành dầu nhiên liệu và làm cho quá trình rẻ hơn rất nhiều so với các công nghệ trước đây. Sử dụng công nghệ lò phản ứng thủy nhiệt xúc tác khắc phục được nhược điểm về giá thành khiến cho việc tái chế rác thải nhựa có thể được áp dụng trên quy mô lớn.
Giáo sư Maschmeyer ước tính, nếu sử dụng công nghệ lò phản ứng thủy nhiệt xúc tác để tái chế một nửa lượng rác thải nhựa của Australia lên tới 1,5 triệu tấn thì có thể tạo ra 1,2 triệu tấn dầu nhiên liệu, tương đương với 8,3 triệu thùng dầu. Với giá thành khoảng 60 AUD 1 thùng dầu nhiên liệu, như vậy, việc tái chế một nửa lượng rác thải của nước này sẽ thu về 500 triệu AUD.
Với những ưu điểm vượt trội như vậy, giáo sư Mát-xkim-mơ cùng nhóm nghiên cứu của ông hy vọng, công nghệ mới sớm được áp dụng rộng rãi để làm giảm tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa vốn đang ngày càng vượt quá tầm kiểm soát./.
Theo Việt Nga / vov.vn
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC