Nạn nhân sống sót duy nhất kể lại thảm kịch rơi máy bay

Nạn nhân sống sót duy nhất kể lại thảm kịch rơi máy bay

Bahia Bakari thuật lại trước tòa ở Paris khoảnh khắc kinh hoàng khi máy bay chở 153 người rơi xuống biển năm 2009, trong đó cô là người sống sót duy nhất.

“Lúc đó tôi không biết mình sẽ sống sót bằng cách nào”, Baraki, 25 tuổi, ngày 23/5 kể trong phiên tòa ở Paris, Pháp về thời khắc xảy ra vụ tai nạn máy bay của Yemenia Airways, ngoài khơi quốc đảo Comoros khiến 152 người thiệt mạng hơn 10 năm trước.

Baraki từ đầu tháng đã cùng cha tham dự một số phiên điều trần trong phiên tòa kiện hãng hàng không quốc gia Yemen, song đây là lần đầu tiên cô lên tiếng về thảm kịch.

1 Nan Nhan Song Sot Duy Nhat Ke Lai Tham Kich Roi May Bay

Bahia Bakari tại tòa án ở Pháp, ngày 9/5. Ảnh: AFP.

Ngày 29/6/2009, Bakari cùng mẹ rời Paris, Pháp, dự kiến tới quốc đảo Comoros ở châu Phi để tham dự đám cưới của ông cô. Họ nối chuyến ở Sanaa, thủ đô Yemen, lên máy bay của hãng Yemenia Airways để thực hiện chặng cuối hành trình tới thủ phủ Moroni của quốc đảo Comoros.

“Đó là một chiếc máy bay nhỏ, có ruồi trong khoang và mùi như nhà vệ sinh vậy”, Bakari kể, nhưng cho hay “chuyến đi diễn ra bình thường” cho đến khi máy bay bắt đầu quá trình hạ cánh vào ban đêm.

Chiếc Airbus A310 mang số hiệu 626 của Yemenia Airways đã lao xuống Ấn Độ Dương với công suất động cơ cực đại trong điều kiện thời tiết xấu.

“Tôi bắt đầu cảm thấy máy bay rung lắc, song nghĩ mọi thứ bình thường khi không thấy ai phản ứng”, Baraki chia sẻ với hơn 100 người thân, bạn bè nạn nhân tại phiên tòa. “Đột nhiên, dường như có luồng điện chạy qua người, tôi không biết gì cho đến khi mở mắt ra và thấy mình đã ở dưới nước”.

Baraki cho biết cô đã bám vào một mảnh vỡ và lênh đênh nhiều giờ trên biển, miệng ngập “vị nhiên liệu máy bay”.

141 hành khách cùng 11 thành viên phi hành đoàn trên máy bay đã thiệt mạng, Baraki là người duy nhất sống sót. Giới điều tra và chuyên gia cho biết chiếc Airbus A310 không gặp trục trặc kỹ thuật, song cáo buộc phi công “thực hiện loạt thao tác không phù hợp trong quá trình tiếp cận sân bay Moroni, dẫn tới mất kiểm soát phi cơ”.

Các công tố viên cũng cáo buộc hãng này có “lỗ hổng” trong chương trình đào tạo phi công và cho máy bay tới Moroni vào ban đêm dù đèn hạ cánh không hoạt động.

Yemenia Airways không cử đại diện tới phiên tòa. Hãng này bị cáo buộc có hành vi vô ý gây chết người, nhưng các luật sư của hãng phủ nhận.

Bakari cho biết cô đã chờ đợi hàng giờ dưới nước, cố gắng leo lên mảnh vỡ lớn nhất mà cô có thể chạm tới, song không thành công do kiệt sức. “Có một số tiếng kêu cứu xung quanh, tôi cũng đã kêu lên nhưng không nhiều hy vọng có người đến cứu, vì xung quanh bốn bề là nước, tôi cũng không thể nhìn thấy ai cả”, cô nhớ lại. “Tôi cuối cùng ngủ gật khi đang ôm mảnh vỡ máy bay”.

Theo Bakari, chính suy nghĩ về người mẹ luôn bảo vệ mình đã giúp cô trụ vững cho đến khi được thuyền cứu hộ tìm sau 12 giờ lênh đênh trên biển trong tình trạng hạ thân nhiệt, gãy xương đòn và nhiều vết bầm tím. Cô tỉnh lại và thấy mình đã được đưa vào bờ.

Bakari ban đầu tin rằng cô là người duy nhất bị rơi khỏi máy bay và những hành khách khác đã đến nơi an toàn, trước khi chuyên viên tâm lý tại bệnh viện tiết lộ cô là người sống sót duy nhất. “Vượt qua nỗi đau mất mẹ luôn là điều khó khăn nhất đối với tôi”, cô nghẹn ngào nói. “Tôi đã rất gắn bó với mẹ”.

Đại diện hãng hàng không quốc gia Yemen cho biết không thể tham dự phiên tòa trong bối cảnh đất nước rơi vào nội chiến kéo dài. Hãng bay này phải đối mặt với khoảng tiền phạt tối đa 240.000 USD.

“Thật đáng buồn, mọi người thường hay nhắc đến chuyện tôi là một cô bé sống sót thần kỳ, nhưng đây trước hết là một thảm kịch”, Bakari trả lời truyền thông sau khi rời phiên tòa. “Ngay cả khi ban quản lý hãng bay hiện tại không phụ trách thời điểm đó, chúng tôi vẫn muốn được họ lắng nghe”.

Nguồn: Vnexpress


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan