Abdul Rahim ở huyện Pinrang đầu tháng này đăng video lên mạng xã hội, cho biết được trả 100.000 – 800.000 rupiah (7-56 USD) cho mỗi mũi tiêm thay.
Những người thuê Rahim muốn được cấp chứng nhận tiêm chủng, nhưng không muốn tiêm vaccine. Indonesia hiện yêu cầu người dân phải có chứng nhận tiêm chủng nếu muốn du lịch hoặc đến nơi công cộng như trung tâm mua sắm, quán cà phê và nhà hàng.
Rahim khẳng định đã tiêm đủ hai mũi trước đó, đồng nghĩa anh đã được tiêm tổng cộng 16 mũi vaccine. Cảnh sát địa phương và Bộ Y tế Indonesia đang điều tra những tuyên bố trong video và sẽ quyết định liệu có buộc tội Rahim theo Luật về Bệnh truyền nhiễm.
Theo luật này, bất kỳ ai “cản trở kiểm soát đại dịch” có thể bị phạt tù đến một năm và bị phạt tiền.
Nhân viên y tế chuẩn bị mũi tiêm vaccine Sinovac tại điểm tiêm chủng ở Jakarta, Indonesia hồi tháng 7. Ảnh: Reuters.
Video của Rahim nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội Indonesia, nhưng không phải ai cũng sốc. “Đó không phải điều ngạc nhiên với tôi bởi tâm lý do dự và bài vaccine tồn tại đáng kể ở Indonesia”, Dicky Budiman, nhà dịch tễ học tại Đại học Griffith, Australia, cho biết. “Đó cũng là một trong những lý do tốc độ tiêm chủng bắt đầu chậm lại, đặc biệt bên ngoài đảo Java”.
Cảnh sát Sulawesi đã thu thập danh sách những người Rahim tiêm thay và yêu cầu họ đi tiêm vaccine. Ba người trong số đó nói rằng họ không tiêm chủng vì sợ kim tiêm và lo lắng tác dụng phụ. Các lý do phổ biến khác khiến người dân chần chừ tiêm chủng ở Indonesia bao gồm thiếu thông điệp tích cực rõ ràng về lợi ích của vaccine và người dân nghi ngờ về chính quyền địa phương ở một số khu vực.
Câu chuyện về Donald, doanh nhân 56 tuổi đến từ thành phố Medan, đảo Sumatra, cũng cho thấy tâm lý nghi ngại vaccine trong cộng đồng Indonesia. Ông tiêm mũi Sinovac thứ hai hồi tháng 7. Tháng trước, một người bạn gọi cho ông và hỏi có muốn tiêm mũi tăng cường không. Donald đồng ý, dù Bộ Y tế Indonesia chưa phê duyệt tiêm mũi nhắc lại cho hầu hết người dân.
Do nguồn cung thiếu hụt, nhân viên y tế được ưu tiên, với khoảng 1,2 triệu mũi nhắc lại được tiêm cho những người đã tiêm mũi thứ hai ít nhất 6 tháng trước. Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết mũi tăng cường sẽ chỉ được cung cấp cho công chúng khi 50% dân số đã được tiêm hai mũi.
Indonesia chưa đạt mục tiêu đó. Số liệu của chính phủ cho thấy khoảng 110 triệu, tương đương 41% dân số, đã được tiêm hai mũi.
Tuy nhiên, Donald đã được tiêm mũi thứ ba tại văn phòng của bạn. Một y tá nói với ông rằng đây là vaccine thừa của trung tâm y tế cộng đồng.
“Cô ấy nói vaccine này bị người dân địa phương từ chối”, ông cho hay. Theo y tá, trung tâm y tế có chỉ tiêu lượng vaccine phải tiêm hàng ngày. Bất kỳ liều nào chưa sử dụng sẽ được nhân viên tiêm cho những người sẵn sàng nhận.
Trường hợp của Donald cho thấy tâm lý chần chừ tiêm chủng đã làm phức tạp thêm nỗ lực tiêm chủng ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, nơi những thách thức về hậu cần khiến chiến dịch tiêm chủng ở quốc gia gồm hơn 17.000 hòn đảo trở nên vô cùng khó khăn. Indonesia hiện là vùng dịch lớn nhất Đông nam Á với hơn 4,2 triệu ca nhiễm, trong đó hơn 144.000 người đã tử vong.
Dicky Budiman, nhà dịch tễ học tại Đại học Griffith ở Australia, cho rằng để tránh xảy ra trường hợp tiêm hộ, giới chức y tế Indonesia cần dành nhiều thời gian hơn để xác minh danh tính và nhanh chóng xử lý nếu phát hiện bất kỳ điểm không trùng khớp nào. Theo quy định, người Indonesia phải cung cấp bản sao giấy tờ tùy thân có ảnh để được tiêm phòng nhưng các phòng khám ở một số khu vực dường như không tuân theo những yêu cầu này.
Nguồn: Vnexpress
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC