Cô gái 20 tuổi đang học ngành kinh tế từng có khoảng thời gian dài ngồi lọc chọn hàng chục bức ảnh gần như giống hệt nhau, để chia sẻ lên mạng. "Đó không phải điều nên làm. Đây là hành vi ám ảnh và độc hại nhưng ít người biết vì nghĩ chúng bình thường", Gabriella nói.
Khảo sát gần đây của ngân hàng đầu tư Piper Sandler, Mỹ cho thấy, Instagram đang mất dần sức hấp dẫn với các thế hệ tiếp theo. Chỉ 22% người được hỏi trong độ tuổi từ 7 đến 22 coi đây là ứng dụng yêu thích. Giảm 9%, so với cùng kỳ năm 2020.
Ngoài Instagram, các ứng dụng từng được Gen Z (nhóm người sinh năm 1997 đến 2012) ưa chuộng, giờ đây cũng trở nên nhạt nhẽo. Cuộc thăm dò của Tallo tháng 12/2021 phát hiện chỉ còn 4% số người trẻ thường xuyên dùng Facebook. Trong khi tỷ lệ này ở Twitter là 2%.
Theo bài phân tích trên Wall Street Journal năm 2021, Instagram bị cho là có hại với các cô gái tuổi teen. Nhiều người báo cáo sự lo lắng, mệt mỏi và trầm cảm khi tiếp nhận thông tin từ các ứng dụng này.
Halle Kaufax (bên trái) và hai người bạn Hayden Ciampini và Cecilia Bracey cùng thừa nhận họ rất ghét TikTok nhưng chưa thể bỏ được. Ảnh: Gabriele Holtermann
Pat Hamrick, sinh viên đại học bang Pennsylvania, đã từ bỏ Instagram và Facebook hai năm trước, khi tình trạng tự ti và mặc cảm gia tăng. "Mạng xã hội khiến tôi vô thức so sánh mình với những người khác. Lâu dần thành thói quen khó bỏ", Pat nói.
Chàng trai 22 tuổi quyết định xóa ứng dụng và nhận ra cuộc sống thường ngày tốt hơn. Giờ đây anh có thể chuyên tâm làm việc và yêu thương chính mình.
Cũng trong cuộc khảo sát của Tallo, 56% Gen Z cho biết "mạng xã hội khiến họ cảm thấy bị bỏ rơi khỏi bạn bè". Đó là lý do Olivia Eriksson, 21 tuổi, sinh viên Kỹ thuật hóa học Columbia, thường có cảm xúc lẫn lộn.
Olivia dành phần lớn thời gian để chỉnh sửa, đăng tải ảnh đẹp lên mạng xã hội. "Có những lúc tôi tự hỏi hành động đó có lợi ích gì", cô nói và cho biết trong vòng sáu tháng đã liên tục xóa rồi lại tải Instagram.
Ngoại trừ những người không đủ cam đảm để dứt bỏ như Olivia, người bạn cùng lớp Nicholas Mijares lại quyết định xóa sạch Instagram hay Tiktok. "Tôi cho rằng mọi người đăng ảnh trên mạng xã hội không đơn thuần là chia sẻ những điều vui vẻ, hài hước. Tôi nghĩ rằng họ có chủ đích khoe khoang", Nicholas nói.
Halle Kaufax, 23 tuổi, thú nhận bản thân dễ bị cuốn vào các video chạy không dừng trên Tiktok và không đủ dũng cảm để xóa ứng dụng khỏi điện thoại.
Nuôi mộng làm diễn viên, Halle tin rằng việc nổi tiếng trên Tiktok và có cơ hội làm việc với các thương hiệu lớn chắc chắn là đòn bẩy cho sự nghiệp. Muốn có lượng lớn người theo dõi, cô cũng thường xuyên đăng tải các clip nhảy nhót, hát nhép.
"Tôi thấy một cô gái khác có khoảng 3.900 người theo dõi, hơn tôi 1.000 người nhưng được nhận hộp quà lớn do Dior gửi để bóc hộp. Tôi có chút ghen tị, thắc mắc "sao không phải mình", điều này khiến tôi rất trăn trở", Halle nói.
Những trải nghiệm như Halle rất phổ biến. Ba phần tư phụ nữ được hỏi trả lời mạng xã hội dễ khiến họ so sánh mình với bạn bè đồng trang lứa.
Tim Lanten, 25 tuổi, sinh viên ngành Kỹ thuật Y sinh tại Đại học Columbia, cũng không tải Tiktok vì chúng lôi kéo người trẻ tìm sự nổi tiếng nhất thời.
Manny Srulowitz, 21 tuổi nói rằng sử dụng Tiktok mất nhiều thời gian. "Vòng lặp các video chuyển động liên tục, âm thanh ồn ào khiến tôi khó chịu. Tôi không thích cách chúng hoạt động nên đã xóa. Tôi cũng chuẩn bị xóa Instagram vì những lý do tương tự", Manny nói.
Ngoài ra, việc dành ít thời gian cho ứng dụng có tác động tích cực đến cuộc sống. "Tôi có nhiều thời gian để đi chơi với bạn bè. Tôi cũng không mắc hội chứng sợ bỏ lỡ (FOMO) khi rời xa mạng xã hội", anh nói.
Nhưng một số người thuộc thế hệ Gen Z thậm chí không có ý định dùng xã mạng xã hội ngay từ đầu, như Tzali Evans, sinh viên 22 tuổi tại Cooper Union.
"Tôi tin rằng những cuộc gặp gỡ, chia sẻ ngoài đợi thực chắc chắn có giá trị hơn tương tác trên mạng xã hội", Evans nói.
Minh Phương (Theo New York Post)
Nguồn: VNEXPRESS.NET
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC