Ông Trương Ngôn Chiếu và cô Đào Minh Thụy. Ảnh: QQ
Sự việc cô Đào Minh Thụy, 20 tuổi, bị kém phát triển trí tuệ nên không thể nói chuyện và không tự chăm sóc bản thân đăng ký kết hôn với ông Trương Ngôn Chiếu, 55 tuổi, sống tại thôn Hòa Cương thuộc thành phố Liêu Ninh, Thẩm Dương khiến dư luận Trung Quốc sôi sục nhiều ngày qua.
Bởi việc một cô gái 20 tuổi lấy người đàn ông đáng tuổi cha chú đã khiến nhiều người phải đặt ra câu hỏi về cuộc hôn nhân này có hợp pháp hay hợp tình hợp lý hay không. Áp lực từ dư luận không ngừng ập tới khiến cho tinh thần ông Trương sụp đổ hoàn toàn. “Cuộc sống của tôi tan nát hết rồi”, ông Trương buồn bã nói.
Thôn Hòa Cương thuộc thành phố Liêu Ninh có nhân khẩu khoảng 3.000 người. Khi các phóng viên tờ QQ tới nhà ông Trương, họ chứng kiến nơi ông sống không có cổng chính, mái nhà một số chỗ bị hư hỏng, dột nát.
Đối lập với gian nhà chính đã cũ kỹ, thì căn phòng tân hôn của ông Trương có một chiếc tivi mới, một tủ quần áo lớn, chiếc giường mới mua và một giấy dán có chữ ‘song hỷ’ treo trên tường.
Vào ngày 27/2, ông Trương đã cho tổ chức một lễ đón dâu nhỏ tại chính căn phòng này. Hôm đó, ông và cô dâu Đào Minh Thụy được sắp xếp ngồi cạnh nhau, hai người được đeo mảnh dải lụa trước ngực có ghi dòng chữ “tân lang”, “tân nương”.
Cô Đào khi đó không ngừng khóc, còn Trương thì lấy khăn lau nước mắt cho cô. “Cô về đây để hưởng phúc, người bình thường không được đối xử như vậy, ông ấy sẽ đối xử tốt với cô. Về nhà mới rồi, đừng khóc nữa”, một số người tham gia buổi lễ hết lời khuyên bảo cô dâu.
Ở ngoài sân, khách dự tiệc cưới chuyện trò rôm rả. Vì không có nhiều bạn bè, nên ông Trương cũng chỉ bày ba bàn tiệc để mời họ hàng hai gia đình và một số người láng giềng xung quanh.
Đám cưới tưởng chừng không có gì nổi bật của ông Trương sau đó đã gây xôn xao dư luận toàn Trung Quốc, sau khi một người thân quay video về lễ cưới và tung lên mạng xã hội. Mọi người sau khi xem xong video đều cảm thấy cô dâu trên trông giống một cô gái vị thành niên, hoàn toàn trái ngược với chú rể đã ngoài 50 tuổi. Họ cho rằng vì bị ép cưới, nên cô dâu mới không ngừng khóc lóc.
Trước sức ép của dư luận, các ngành chức năng tại huyện Cao Điện thuộc thành phố Liêu Ninh đã lập tổ công tác xuống nhà ông Trương để tìm hiểu và làm rõ nghi vấn “ép người vị thành niên kết hôn”.
Sau đó, kết quả cuộc điều tra cho thấy “cuộc hôn nhân của chú rể Trương Ngôn Chiếu và cô dâu Đào Minh Thụy xuất phát từ sự tự nguyện của hai gia đình. Cô dâu đủ tuổi hợp pháp, không hề có hành vi ép buộc kết hôn”.
Nhưng sự hoài nghi của dư luận vẫn còn đó, khi họ cho rằng vẫn có một số điểm đáng lưu tâm về cuộc hôn nhân này. Thứ nhất là cô dâu bị kém phát triển trí tuệ, thứ hai là khoảng cách tuổi tác giữa hai người là quá lớn. Ngoài ra, số tiền sính lễ trị giá 1 vạn Nhân dân Tệ (35 triệu VND) ông Trương định đưa cho bố mẹ cô dâu cũng là một điểm khiến nhiều người đặt nghi vấn.
“Tôi muốn tặng bố mẹ vợ 1 vạn Tệ, nhưng họ không cần. Họ chỉ nói rằng tôi hãy đối xử và chăm sóc với con gái họ thật tốt”, ông Trương nói.
Tình trạng khó lấy vợ như ông Trương tại những vùng nông thôn ở Trung Quốc không phải hiếm. Theo số liệu do Cục thống kê tỉnh Hà Nam, Trung Quốc công bố hồi năm 2019, tỷ lệ nam giới trên 15 tuổi sống tại vùng nông thôn của tỉnh này chưa kết hôn luôn cao hơn so với nữ giới.
Ảnh minh họa. Ảnh: QQ
Chẳng hạn, nam giới trong độ tuổi từ 25-29 chưa lập gia đình cao hơn 9,3% so với nữ giới; còn với nhóm dân số có độ tuổi từ 65 trở lên thì là 3,4%.
Phó Giáo sư Phan Lỗ làm việc tại Đại học Nông nghiệp Trung Quốc nhận định, hiện tượng nam giới ở những vùng nông thôn nghèo của Trung Quốc khó kết hôn đang ở mức báo động. Và có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.
Thứ nhất, sự mất cân bằng về tỷ lệ giới tính ở nông thôn đã kéo dài trong rất nhiều năm qua. Thứ hai, sự di cư ồ ạt của nhiều phụ nữ trẻ tại vùng nông thôn, sự thay đổi về quan niệm tình yêu và hôn nhân cũng như các tập tục thách cưới cao đã khiến nhiều nam giới ở các vùng nông thôn Trung Quốc khó có thể lấy vợ.
Bởi phụ nữ nông thôn Trung Quốc sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông thường không học đại học. Thay vào đó, họ sẽ đi làm thuê ở các tỉnh khác, từ đó tạo ra xu hướng tìm bạn đời nơi thành thị. Do những nam giới sinh ra nơi thành thị có cuộc sống và thu nhập ổn định hơn so với đàn ông nông thôn.
Nguồn: Vietnamnet.vn
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC