Sáng nay, bà Nguyễn Thị Việt, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội dậy sớm đi chợ mua bột bánh về, cùng các cháu làm bánh trôi, bánh chay dâng cúng tổ tiên:
“Bây giờ không phải xay bột vì nó lích kích, với lại làm ít thì ra chợ, họ bán sẵn bột bánh, mình mua về làm. Ngày xưa không có những người bán như thế này thì mình phải xay lấy, còn những ai không có thời gian thì mua đồ người ta làm sẵn về thắp hương”.
Những năm trước, nhiều gia đình có thể mua bánh làm sẵn vì quá bận rộn, tuy nhiên năm nay, tất cả học sinh được nghỉ học ở nhà để phòng tránh dịch Covid-19 nên ông bà, bố mẹ có thể bỏ ra chút thời gian cùng các con quây quần làm bánh.
Bà Trần Thị Chung ở quận Nam Từ Liêm chia sẻ: “Khi tôi còn bé thì làm bánh cùng bố mẹ, đến bây giờ có con có cháu rồi, hàng năm vẫn làm, cùng cả nhà quây quần làm bánh, thắp hương thờ phụng tổ tiên, xong rồi chia cho các cháu ăn, để các cháu biết, nhớ ngày này là ngày Tết Hàn thực”.
Cứ mỗi độ tháng Ba về – khi hoa bưởi nở, người Hà Nội làm bánh chay Tết Hàn thực thường chọn những bông hoa bưởi trắng tinh thơm ngát, trộn với bột sắn rồi đun thành nước sền sệt với vị ngọt thanh đặc trưng của báng chay. Với bánh trôi, ngoài màu trắng đơn thuần, tinh khiết, những năm gần đây, người Hà Nội còn làm bánh trôi ngũ sắc để mâm bánh cúng ông bà tổ tiên thêm đẹp mắt và hấp dẫn.
Chị Đỗ Kim Ngân, một người bán bánh chia sẻ: “Năm nào tôi cũng bán cả bột và bánh vào ngày mùng 3/3. Hôm qua tôi xay 50 kg gạo và đến giờ đã gần hết rồi, cũng chủ yếu bán cho khách quen. Hôm nay người ta mua bột nhiều hơn là bánh. Do ảnh hưởng dịch bệnh, trẻ con được nghỉ ở nhà nên họ mua về làm nên bột bánh bán được nhiều còn bánh làm sẵn ít người hỏi mua”.
Tết Hàn thực không biết có từ khi nào, nhưng trong tâm thức người Việt lại gắn liền với nhiều kỷ niệm và luôn là nét đẹp văn hóa truyền thống đặc trưng. Tự làm bánh trôi bánh chay vào ngày mùng 3 tháng Ba âm lịch cũng là cách để người Việt nâng niu những giá trị văn hóa của dân tộc.
Nguồn: VOV
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC