Truyện ngắn: Thành và sự trừng phạt...

Truyện ngắn: Thành và sự trừng phạt...

Thành cao nhất lớp. Năm đó Thành là học sinh mới duy nhất chuyển vào lớp Năm của tôi. Tôi có nhẩm tính, Thành cao nhất là phải, lẽ ra ở tuổi là học sinh lớp Bảy, Thành lại ngồi chung với đám chúng tôi. Thành ở lại hai năm, không lớp nào muốn nhận nên Thành mặc định vô lớp tôi, lớp có mọi thành tích kém nhất toàn khối lớp Năm.

1 Truyen Ngan Thanh Va Su Trung Phat

Thành ngồi bàn cuối. Những khi tôi thấy Thành là lúc cậu bị gọi tên lên bảng trả bài, đứng lớ ngớ im lặng không trả lời câu nào, ăn con điểm 0 hay 1 rồi về chỗ. Đó là khoảnh khắc tôi quan sát áo của cậu vàng khè. Cổ áo cáu bẩn màu đất đỏ. Áo vàng loang ra thành từng mảng. Không sơ-vin. Thành luôn nhìn xuống đất, vì thế chúng tôi không bao giờ chạm mặt nhau.

Sau nửa học kỳ thì một bữa cuối tuần mẹ dắt tôi đi chợ. Đường ra chợ đất đỏ mù mịt. Một chiếc xe công nông chạy qua. Bánh to. Tất nhiên là mù mịt hơn. Trên ghế lái xe là một bác chở hàng ra chợ. Trên chỗ đứng giữa thùng xe và đầu máy là Thành. Thành vẫy gọi tôi. Vẫn là cái áo trắng vàng khè đi học, chiếc quần xanh nhem nhuốc hóa đen, và đôi dép tổ ong to quá khổ giống loại cha tôi thường mang. Tôi ngẩng đầu vẫy lại. Thành bảo: “Đi không! Lên bố tớ chở!” - Mẹ tôi gật đầu cho phép, Thành kéo tôi lên phía sau đứng kế.

Đó là lần đầu tiên tôi đươc đứng ngay sau đầu máy xe công công. Thế giới bé lại và sức mạnh nằm trong tay bác lái xe trước mặt. Tôi có thể nhìn xuống bên kia đường thấy cửa hàng tạp hóa giàu nhất chợ cũng nhỏ hơn thường lệ, gói trong một khung tầm mắt. Bác lái xe là bố của Thành, một người đàn ông da đen thui vì chịu nắng, mặt nhăn, răng vàng khè, nhưng miệng cười rất to. Bác không hỏi gì tôi cả. Đến chợ thì Thành thả tôi xuống để chờ mẹ, còn cậu thì đi tiếp đến chỗ các xe công nông bán hàng bày ra bán.

Lát sau mẹ tôi hỏi bạn con bán hàng chỗ nào, rồi hai mẹ con đi lại khu xe công nông, mua vài kg sắn từ xe của bố Thành. Thành bê những bao sắn lớn xuống, mở ra. Thành lại bê những bao sắn người ta đã chọn mua lên xe cho họ, chất sau xe máy, hoặc bỏ vào túi nhỏ để họ đèo trên xe đạp. Sau khi vãn chợ ra về, tôi đi ngang để ý cái áo đi học của Thành có màu của đất trồng sắn, màu của những củ, bao tải mà cậu đã ôm, bê cả buổi sáng. Ra là vậy mà áo của Thành luôn có màu xỉn bẩn.

Thành luôn đi học về trễ nhất. Lý do tôi biết Thành về trễ nhất vì tôi cũng vậy. Tôi có hai người bạn nữa, nhà gần trường, nên chúng tôi có thể thoải mái chơi trong sân trường đến khi nào bảo vệ đuổi ra, đóng cửa thì về. Đó cũng là lúc Thành về. Cậu bạn thân của tôi là người đầu tiên mở lời chào Thành trong một hôm cả đám cùng bị bác bảo vệ đuổi khỏi lớp học sau khi chơi ở đó quá lâu. Lúc đó tôi mới để ý Thành ở lại để ngủ, trong lúc chúng tôi chơi tạt lon và đá banh.

Chúng tôi không chơi với Thành, vì cậu không thích nói chuyện với ai cả. Một lần kiểm tra, tôi được xếp ngồi kế Thành. Tôi nhìn qua bài và thấy rõ cậu không làm bài. Tôi “bày đặt” tỏ ra làm người tốt, đẩy bài qua cho Thành nhìn. Cậu nhìn xong xếp giấy và bút lại, nằm ngủ, đến cuối giờ thì nộp tờ giấy trắng. Tôi cảm thấy lòng tốt của mình bị coi thường. Hay chút hãnh diện kiêu ngạo của đứa thuộc bài có, nhưng không được đứa bạn không thuộc bài đón nhận?

Chúng tôi không chơi với Thành. Có lần cậu bạn trong nhóm rủ Thành chơi tạt hình cùng sau giờ học. Thành nói chỉ muốn ngủ thôi, rồi cậu kê đầu lên cặp sách nằm, tiếng ngáy đều đặn. Trong khi ba chúng tôi ngồi xếp đống hình chuẩn bị ra bên ngoài sân chơi.

Lâu dần chúng tôi quen với sự tồn tại của nhau. Thành ngủ. Ba đứa chơi. Có hôm mẹ của bạn tôi gói cho cả đám mấy cái bánh dầy với chả lụa ăn sau giờ học. Tụi tôi đã bỏ ra mỗi đứa một mảnh (hai phần bánh, một miếng chả), rồi làm thành cái bánh nguyên, đưa cho Thành lúc cậu ngủ dậy. Thành ăn ngấu nghiến xong cảm ơn. Hóa ra cũng có thứ mà cậu không từ chối.

Sự thật là chúng tôi không hề biết Thành là ai, như cách trẻ con ở quê biết rõ về nhau. Dù tôi đã gặp ba của Thành, nhưng tôi không hề quen bác trong xóm. Hai đứa bạn kia cũng vậy, chúng không biết Thành ở đâu, nhà có gì, hay đi học đường nào, bố bán hàng ở đâu (những thông tin cá nhân mà tất cả chúng tôi đều biết về bố mẹ của nhau). Tôi chỉ biết bố của Thành bán hàng cuối tuần ngoài chợ như vậy, và các món bác bán cũng thay đổi theo vụ thu hoạch chứ không chỉ có khoai mì.

Chuyện Thành ở lại lớp hai năm rồi vào học lớp tôi là một điều ghê gớm. Có cô giáo nói bóng gió về sự tồn tại của cậu, “những em học sinh không bao giờ học bài, làm ảnh hưởng thành tích của lớp”, hoặc “những em học sinh thường xuyên ngủ gục trong lớp” - tất cả chỉ có dành cho Thành, chúng tôi biết vậy hết. Tuần nào lớp tôi cũng đội sổ dưới sân cờ về thành tích toàn khối. Tôi còn nhớ, khi nêu tên lớp tôi đội sổ, hai lớp kế bên hân hoan vỗ tay cười chế nhạo.

Nhưng cô chủ nhiệm tôi không lấy đó làm thứ để bàn cãi trong giờ sinh hoạt lớp. Lạ lùng thay, cô thản nhiên với sự tồn tại của Thành trong khi bao giáo viên khác thấy phiền hà. Có một hôm tụi tôi đang ở lại chơi sau giờ, thì thấy cô đi vào, đến chỗ Thành nằm ngủ, gọi cậu dậy, và đưa cho cậu hai cái áo sơ mi. Cô bảo Thành đứng dậy, cô ướm, xong lấy phấn đánh dấu. Cô bảo là đây là áo đi học cũ của con trai cô, để cô sửa lại cho vừa rồi Thành mặc. Hơn hai tuần sau thì tôi thấy Thành có áo trắng tinh mặc đi học. Sự trắng tinh đó tồn tại được vài tuần trước khi nó xỉn thành màu vàng đất đỏ như cũ.

Một hôm vừa xong giờ ra chơi, thì một đứa trong lớp bảo nó mất máy trò chơi điện tử xếp gạch. Nó đứng lên cáo với cô giáo dạy Toán. Cô dạy Toán không phải chủ nhiệm, cô nói hết giờ sẽ gọi chủ nhiệm lên làm việc Đến khi cô chủ nhiệm tôi vào, đứa đó bảo nó mất máy trò chơi điện tử rất đắt tiền, và nó chắc chắn là Thành lấy. Nó yêu cầu cô phải khám cặp Thành.

Cô đứng dậy và bảo, tất cả lớp đứng lên, lấy cặp ra, bỏ lên bàn, mở cặp ra, bao gồm cả cặp của cô. Xong cô mời đại diện lớp trưởng, lớp phó và 1 bạn ngẫu nhiên đi cùng cô đến từng bàn, khám hết cặp của hơn 30 đứa. Khám đến cặp của Thành - tất cả đều nhìn xuống như thể khẳng định nó là đồ ăn cắp. Cái cặp của Thành nhìn như cái cặp da của ba tôi đã xài cả chục năm, vừa xẹp, vừa đen đúa, cũ kỹ, vừa có khóa gỉ sét. Lớp trưởng lấy hết đồ ra, chỉ có một cây bút chì, một cây bút mực, một tập giấy Thành ghi tất cả các môn, hai quyển sách giáo khoa cũ. Và không có gì hơn nữa.

Cả lớp, hàng chục ánh mắt, trong đó có tôi, quay đi bối rối. Chúng tôi lần đầu cảm thấy mình đã phạm lỗi nghi ngờ bạn. Chúng tôi đã chờ đợi giây phút chứng kiến cái cặp của Thành được mở banh, háo hức, tò mò, chấn động. Tại sao chúng tôi không nghi ngờ ai khác mà chỉ nghi ngờ Thành? Tại sao chúng tôi lại tiếp tay cho người có máy trò chơi điện tử cáo buộc một người khác?

Cô không tìm được đồ chơi điện tử bị mất cắp sau phiên khám cặp.

Cô bảo cả lớp ngồi xuống và nói: “Các em cảm thấy thế nào khi bị người khác khám cặp của mình? Nhất là khi các em không lấy gì cả?” - Chúng tôi im lặng. Sau đó cô nhìn vào mặt đứa mất máy trò chơi, nói tiếp: “Còn em, lý do em mang máy điện tử lên trường để làm gì? Tại sao em có thể đổ lỗi cho bạn mà không có bằng chứng?”

Tất nhiên đứa đó không trả lời cô. Còn chúng tôi đều biết lý do Thành bị cáo buộc là vì cậu dơ nhất, nghèo nhất, học dốt nhất, hay ngủ sau giờ học. Thành là lý do cho mọi thứ đội sổ của lớp tôi. Vì vậy cậu giống gương mặt của kẻ ăn cắp đồ chơi điện tử nhất. Tất cả chúng tôi đã học cách nghĩ xấu về người khác khi họ có bề ngoài thấp kém hơn mình. Tất cả chúng tôi đều xấu hổ và khó chịu khi có ai đó lục cặp mình. Vậy tại sao chúng tôi đều nghĩ Thành xứng đáng bị khám xét hơn chúng tôi?

Cô nói và rời khỏi lớp học.

Chiếc máy trò chơi điện tử được tìm ra vài ngày sau đó. Cái đứa tố cáo đã “cầm” máy tại tiệm trò chơi điện tử trước cổng trường sau khi chơi quá nhiều giờ và không có tiền trả. Thầy giám thị đã tìm ra cái máy khi chủ tiệm điện tử nói chuyện với thầy.

Chúng tôi có lẽ là những đứa trẻ may mắn, vì không cần phải sống trong những tưởng tượng và nghi ngờ như nhiều vụ mất cắp ở trường học sau này tôi đọc trên báo. Cô chủ nhiệm dạy chúng tôi một bài học bẽ bàng về cách hành xử mỗi chúng tôi đều phải chịu hậu quả khi cùng im lặng tiếp tay cho một cáo buộc không bằng chứng.

Nhưng Thành, dù cao lớn nhất lớp, giờ càng trở thành một hình ảnh xa xôi với tôi. Tôi không dám nói chuyện với Thành, không dám đợi phiên chợ cuối tuần đi mua hàng ở chỗ ba cậu. Tôi thấy xấu hổ.

Chưa hết học kỳ 2 thì Thành biến mất khỏi lớp học, ngay giữa lúc mọi người ráo riết ôn thi tốt nghiệp. Cô giáo nói Thành xin nghỉ học luôn để đi phụ cha làm việc.

Vài tháng sau, khi tôi trở về trường lấy hồ sơ sau khi tốt nghiệp, tôi thấy dáng Thành đi bộ lững thững khỏi cổng trường. Tôi chạy theo và hỏi sao Thành không thi tốt nghiệp. Thành nói mẹ Thành đi xuất khẩu lao động về, đón Thành và cha lên thành phố làm việc cùng mẹ ở xưởng nhỏ mẹ mở, nên Thành nghỉ học luôn.

Chiếc áo Thành mặc vẫn có màu vàng vàng đất đỏ, chiếc quần tây rộng hơn khổ người, nhưng đôi dép là một đôi sandal mới, không phải đôi tổ ong ố vàng như cha tôi mang.

Chúng tôi đi bộ cùng nhau từ trường đến đường cái lớn rồi chào tạm biệt, rẽ về hai hướng.

Tôi thường cố nhớ về Thành ở khung cảnh đứng sau xe công nông buổi sáng, trời quang, bụi mù do xe quẩy lên, nụ cười tươi tỉnh. Nhưng giữa tiếng máy xe xình xịch và tôi đứng cạnh Thành sau lưng cha, một hình ảnh khác lại chen ngang, khi Thành cúi mặt khi cả lớp đang quan sát động tác xét cặp Thành. Chiếc cặp da có khóa gỉ sét. Tôi không nhớ được mắt Thành lúc đó nhìn vào đâu: nhìn đôi dép tổ ong, nhìn chiếc bàn lớp học vẽ bậy ngoằn ngoèo, hay chỉ nhìn vào hư không để tránh sự dò xét ác ý của tất cả chúng tôi?

Tôi ước gì hôm đi bộ rời khỏi trường đó, tôi đủ can đảm để nói lời xin lỗi. Nhưng tôi biết cô chủ nhiệm đã trừng phạt tất cả chúng tôi, những đứa trẻ mới nứt mắt đã học đòi coi trọng và coi khinh bề ngoài của bè bạn mình.

KHẢI ĐƠN


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan