Tờ Wall Street Journal hôm 23/5 dẫn thông tin chưa được công bố trong báo cáo tình báo của Mỹ cho thấy ba chuyên gia Viện Virus học ở thành phố Vũ Hán, nơi dịch bệnh bùng phát cuối năm 2019, đã nhập viện điều trị vì các triệu chứng tương tự cả Covid-19 và bệnh cúm mùa. Trung Quốc bác thông tin này, tố Mỹ thổi phồng thuyết âm mưu về nguồn gốc dịch bệnh.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lệnh cho các cơ quan tình báo báo cáo với ông trong vòng ba tháng về việc nCoV có nguồn gốc từ động vật hay từ sự cố phòng thí nghiệm. Điều này khiến giới khoa học đang xem xét lại những câu hỏi về nguồn gốc nCoV, bao gồm cả giả thuyết từng bị bác bỏ với lý do “cực kỳ khó xảy ra”.
Nhân viên y tế bên ngoài chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán hồi tháng 3/2020. Ảnh: AFP.
Vì sao Viện Virus học Vũ Hán trở thành tâm điểm chú ý?
Viện Virus học Vũ Hán (WIV) là cơ sở nghiên cứu có mức độ an ninh cao, chuyên nghiên cứu mầm bệnh trong tự nhiên có nguy cơ lây nhiễm sang người và gây ra những căn bệnh nguy hiểm.
Cơ sở này đã tiến hành nhiều công trình nghiên cứu sâu về virus có nguồn gốc từ dơi kể từ sau đợt dịch SARS năm 2002, vốn bắt nguồn từ Trung Quốc và khiến 774 người chết trên toàn cầu. Cuộc tìm kiếm nguồn gốc chủng virus SARS-CoV-1 trong nhiều năm dẫn tới phát hiện chủng virus giống SARS trong một hang dơi ở tây nam Trung Quốc.
WIV thu thập nhiều mẫu gene từ động vật hoang dã để thử nghiệm ở phòng nghiên cứu tại Vũ Hán, trong đó sử dụng virus sống trên động vật để đánh giá khả năng lây nhiễm sang người. Họ áp dụng những quy trình nghiêm ngặt để bảo đảm an toàn, tránh nguy cơ vô tình phát tán mầm bệnh ra môi trường. Tuy nhiên, ngay cả những biện pháp chặt chẽ nhất cũng khó lòng hạn chế toàn bộ nguy cơ lọt virus ra ngoài.
Lý do gây nghi ngờ nCoV lọt ra từ phòng thí nghiệm?
Với một số nhà khoa học, virus bị phát tán ra ngoài vì sự bất cẩn của nhân viên WIV là kịch bản có thể xảy ra, đòi hỏi tiến hành cuộc điều tra sâu rộng về nguồn gốc nCoV.
Phòng thí nghiệm Vũ Hán, cơ sở nghiên cứu SARS hàng đầu của Trung Quốc, nằm không xa chợ hải sản Hoa Nam, nơi được cho là xảy ra tình trạng virus lây từ động vật sang người vào đầu đại dịch. Đây cũng là nơi ghi nhận sự kiện siêu lây nhiễm đầu tiên trong đại dịch Covid-19.
Khoảng cách gần giữa cơ sở WIV và chợ Hoa Nam đã gây ra nhiều ngờ vực về nguồn gốc nCoV, còn gọi là SARS-CoV-2. Trung Quốc đến nay chưa nhận diện được loài động vật mang chủng virus này, đồng thời từ chối điều tra toàn diện về kịch bản nCoV lọt ra từ phòng thí nghiệm.
Các nhà khoa học tại WIV khẳng định không có chủng SARS-CoV-2 ở phòng thí nghiệm vào thời điểm dịch bệnh phát hiện, nhưng vẫn có nhóm 24 nhà nghiên cứu gửi thư đến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi mở cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc loại virus này.
Phòng thí nghiệm thuộc WIV. Ảnh: AFP.
WHO hồi tháng 1 cử nhóm chuyên gia quốc tế đến Vũ Hán để tìm hiểu nguồn gốc Covid-19. Tuy nhiên, nhóm không đưa ra kết luận chắc chắn về nguồn gốc đại dịch, mà chỉ xếp hạng một số giả thuyết theo mức độ tin tưởng của họ. Báo cáo cho biết virus truyền từ dơi sang người thông qua động vật trung gian là kịch bản có thể xảy ra nhất, trong khi giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là “cực kỳ khó xảy ra”.
Ngày 5/5, bài viết của Nicholas Wade trên Bảng tin của Các nhà khoa học Nguyên tử (BAS) cho biết những nhà nghiên cứu đôi khi đưa vị trí đặc hiệu cắt furin vào chuỗi gene để khiến virus dễ lây hơn. David Baltimore, nhà virus học từng được trao giải Nobel, cho biết đã phát hiện vị trí đặc hiệu này trong chuỗi gene của nCoV, không xuất hiện trên những chủng virus corona khác như SARS hay MERS.
Cơ sở của giả thuyết nCoV lây từ động vật sang người?
Dù vậy, nhiều nhà khoa học vẫn tin rằng nCoV có nguồn gốc tự nhiên và không có bằng chứng ủng hộ giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
Kristian G. Andersen, chuyên gia về virus corona, Ebola và các mầm bệnh có thể truyền từ động vật sang người tại Viện Nghiên cứu Scripps của Mỹ, cho biết nhiều chuỗi gene có vị trí đặc hiệu tương tự đã xuất hiện một cách tự nhiên trên chủng virus corona và ít có khả năng chúng bị con người tác động theo cách Baltimore mô tả.
Những người ủng hộ giả thuyết này dựa chủ yếu vào lịch sử. Những căn bệnh chết người nhất trong 100 năm qua thường bắt nguồn từ tương tác giữa người với động vật hoang dã và vật nuôi, bao gồm đại dịch SARS đầu tiên có nguồn gốc từ dơi, MERS-CoV từ lạc đà, Ebola từ dơi hoặc loài linh trưởng, cùng virus Nipah khởi nguồn từ dơi.
Vật chủ mang nCoV chưa được tìm ra, nhưng mẫu xét nghiệm từ các cửa hàng trong khu bán động vật hoang dã ở chợ Hoa Nam sau đợt dịch cho kết quả dương tính nCoV, để ngỏ khả năng virus xuất hiện trên động vật và lây sang người.
Tác động từ báo cáo tình báo của Mỹ với cuộc điều tra?
Bất chấp thông báo của Biden và những thông tin trên truyền thông Mỹ, gần như chưa có thay đổi nào trong những bằng chứng ủng hộ kịch bản nCoV phát tán từ phòng thí nghiệm của WIV.
Dữ liệu mới nhất là vụ ba chuyên gia WIV phải nhập viện điều trị. Đây được mô tả là “bằng chứng chưa được kiểm chứng từ nguồn nước ngoài”, nói cách khác là không phải thông tin được tình báo Mỹ thu thập và xác thực. “Nó rất chính xác, nhưng lại không cho biết vì sao họ phải nhập viện”, một nguồn tin giấu tên tiết lộ cho WSJ.
Xe chở nhóm chuyên gia WHO điều tra nguồn gốc Covid-19 tại Vũ Hán hôm 14/1. Ảnh: Reuters.
Tờ New York Times cho rằng có hai tài liệu tình báo đề cập tới các chuyên gia này, tập trung vào ba cá nhân và nguồn gốc nCoV. Tuy nhiên, có nhiều trở ngại trong diễn giải những dữ liệu này, như các triệu chứng của họ là Covid-19 hay cúm mùa thông thường, hay căn bệnh của họ liên quan đến công việc tại WIV hoặc đơn giản là Covid-19 đã lây truyền trong cộng đồng từ trước vài tuần so với nhận định ban đầu.
Giả thuyết phòng thí nghiệm xuất hiện từ thời cựu tổng thống Donald Trump, nhưng quan điểm thù địch của chính quyền Trump với Bắc Kinh khiến nó không đáng tin cậy. Thái độ mềm mỏng hơn của chính quyền Biden và kết quả điều tra ít đột phá của WHO khiến một phần giới khoa học cho rằng cần xem xét kỹ hơn về giả thuyết này.
Nguồn: Vnexpress/Theo Reuters, Guardian
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC