Cá khô là món ăn phổ biến ở nhiều nước châu Á – Ảnh chụp màn hình Taiwan News
Nhóm nghiên cứu do giáo sư Hung Ching Chang (Trường Khoa học biển của NSYSU) dẫn đầu đã nghiên cứu 14 lô cá khô biển từ 7 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á để xem xét các loại cá khô đang bị ô nhiễm như thế nào bởi hạt vi nhựa. Kết quả cho thấy về nồng độ ô nhiễm nhựa, các mẫu cá từ Nhật Bản đứng đầu, tiếp theo là Trung Quốc, Sri Lanka.
Họ phát hiện một loại cá trích tròn được đánh bắt dọc theo bờ biển phía đông nam của Nhật Bản bị ô nhiễm nặng nhất trong số các mẫu được nghiên cứu.
Nhóm nghiên cứu của NSYSU cho rằng kết quả này là do các vùng biển Đông Bắc Á xung quanh Nhật Bản là điểm nóng của tình trạng ô nhiễm do hạt vi nhựa. Đây là khu vực có nồng độ hạt vi nhựa cao hơn hẳn so với các vùng biển còn lại trên thế giới.
Theo nghiên cứu, 75,9% mẫu của các loài cá trích tròn từ Nhật Bản (tên gọi chính thức là Etrumeus micropus) có chứa hạt vi nhựa. Một lô cá trích tròn của Nhật Bản có số lượng vi nhựa trung bình trên một gam cá khô là 0,56, cao nhất trong các mẫu nghiên cứu.
Con số đó vượt xa mẫu cá cát khô Thái Bình Dương lấy ở Trung Quốc, với 40% mẫu có chứa vi hạt nhựa.
Các loài khác được nghiên cứu công bố có hạt vi nhựa là cá trích tròn thân mỏng từ Sri Lanka (30%), cá cơm mũi ngắn từ Hàn Quốc (12,5%) và các loài cá trích tròn nói chung từ Đài Loan (3,2%) và Thái Lan (0,2%).
Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng loại polymer nhiều nhất được tìm thấy trong các mẫu cá khô là polyethylene, vốn thường được sử dụng để sản xuất túi nhựa, chai và bình sữa.
“Nghiên cứu này rất quan trọng vì cá khô biển là một món ăn phổ biến ở các nước châu Á”, trang Taiwan News dẫn lời giáo sư Hung, nhận định.
Trước mắt, theo ông Hung, cần phải có thêm nhiều nghiên cứu để đánh giá tác động thực tế đến sức khỏe con người nếu ăn phải những loại cá khô nhiễm vi nhựa. Các nghiên cứu đó có thể góp phần xây dựng, cập nhật các quy định mới về an toàn thủy sản.
Nguồn: Tuoitre
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC