Có chăng, lúc gió ngừng đưa, lá ngủ quên không xao động thì tiếng dầm khua hay tiếng sóng nhẹ nơi bến kinh trước nhà mới có dịp trỗi lên. Tuy nhiên, trong cái không gian yên ả đó, nếu thiếu những tiếng rao thì sẽ kém sắc màu và sức biểu cảm biết bao, chúng chỉ còn là sự xao động nhỏ nhoi, không có một nốt bổng nào xao xuyến và in đậm trong ký ức đến nao lòng.
... cứ mỗi khi nhìn lại tấm ảnh chụp con kinh quê mình từ trên cao, tôi luôn nghe những lời rao vang động duy tân |
Hồi nhỏ tôi thường nghĩ, chắc sợ xứ mình buồn, nên những người mua gánh bán bưng đã nghĩ ra cách đến tận đây để mua bán. Họ đánh thức xóm nhỏ bằng những tiếng rao, dẫu không mua không bán được gì nhiều thì khi bước đi ra khỏi xóm, họ cũng để lại trong lòng người những niềm nhớ, niềm thương.
Dường như nỗi nhớ ấy rất rõ rệt, giống như cái vệt tín hiệu mà họ đã vô tình quét thành thói quen trong lòng của dân xóm.
Như một thứ ám hiệu chỉ có dân nơi này biết được, nghe tít te tít te từ cái kèn bao tử nhựa thì biết ngay bà già mua ve chai lông vịt đã đến. Âm thanh đi trước, dáng người theo sau, nhưng chỉ cần nghe tín hiệu thì những đứa trẻ đã nôn nao lên.
Chúng hình dung rõ mồn một từ hình dáng cái kèn dẹp như cái túi màu đỏ đặc trưng trong tay bà già lưng còng đang đẩy chiếc xe gỗ bánh hơi có treo lủng lẳng những món đồ chơi, một ít bánh kẹo. Lúc đó, chạy tọt xuống võng lấy mớ ve chai hoặc lông vịt đã chờ sẵn, chạy ra trước đường đứng chờ.
Mớ lông vịt lâu lâu nhà cúng giỗ quải mới có được, hoặc mớ ve chai phải dành dụm cả tháng trời là thành quả vô giá của đứa nhỏ.
Bà ve chai đi qua, âm thanh vừa tắt chưa lâu thì có tiếng chuông leng keng từ chiếc xe cà rem của chú thanh niên cao như cây tre miễu. Thường thì đám trẻ sẽ xúm xít ở nơi mà xe kem ghé lại, đứa mua, đứa leo lên xe lắc chuông cho đã đời mà thấy no nê trong dạ. Lâu dần thành thói quen, đám trẻ biết chắc cứ ngủ một giấc đến xế trưa là xe kem sẽ tới xóm mình.
Không ai hẹn ai, nhưng định luật về giờ giấc ấy dường như chưa bao giờ sai lệch. Cũng như cứ ba bữa một lần, vào độ chín giờ sáng, ông chú vá nồi sẽ đi ngang. Không có tín hiệu riêng, nhưng cái chân gỗ của gõ xuống đường lộp cộp bằng một nhịp điệu đặc trưng, làm cho dân xóm biết ông đang qua ngang nhà mình. Theo lệ đó, mà mỗi tuần một lần vào ngày chủ nhật, nhìn xuống dòng kinh sẽ nghe tiếng máy nổ xình xịch của chiếc chẹt nhỏ cũng là nhà của gia đình người xay bánh ống, họ vừa đi vừa thả tiếng kèn hơi đùng đục “toeeeee toeeeee” dài trên mặt dòng kinh.
Nhưng họ không chỉ đến bằng tính hiệu, họ còn đến bằng lời rao, thứ lời lẽ đơn điệu nhưng lại bật lên một sắc màu không pha lẫn, chẳng khác gì những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng một thời, chỉ cần cất giọng thôi, sẽ biết ai là ai liền tức khắc. Cũng như bà bán bánh cam có dáng đi nặng trịch, nhưng giọng lại lảnh lót cao vun vút như tiếng hót của con chim: “Bánh cam bánh tiêu bánh bò bánh da lợn, hôn!”. Chữ “hôn” (không) bà đặt ở cuối câu sau một quãng dừng, như một cục mật ngọt thanh chẳng khác nào lớp đường áo bên ngoài thứ bánh cam bánh còng bà đang bán.
Hay giọng của anh bơm ga kiêm sửa lò xô, quạt máy, la - dô (radio)… mỗi lần ngang qua bằng chiếc xe đạp đòn dông, “sửa la dô, lò xô, bơm ga, đây…”. Anh này thì lại bỏ cái chữ “đây” nặng trịch ở cuối câu, như sự khẳng định mình cũng kiêm đủ thứ, kể cả nghề thuốc tán cho trẻ con bị ban hành. Một sự tréo ngoe giữa bơm ga và thuốc tán, nhưng dân xứ này ai cũng biết và mặc định rằng trẻ nít bị chướng bụng, khó tiêu, đau ban thì phải đón cho được chú bơm ga để mua… thuốc. Không biết tự bao giờ, anh ghé xóm này, bơm ga cho hầu hết những gia đình ven dòng kinh, trong lúc chuyện trò qua lại, có đứa trẻ nào đó chướng bụng khó tiêu, anh đã mai mối cho bài thuốc tán của ông thầy kề nhà anh, ở một xứ xa lơ xa lắc. Có lẽ thuốc tán hiệu nghiệm, nên từ lâu đã thành thói quen của dân xóm, hễ nhà nào có trẻ nít bị bệnh ban hay khó tiêu thì đợi anh bơm ga tới mà mua… thuốc.
Những tiếng rao cũng như nắng sớm, gió chiều đến – đi lặp lại mãi ở miền Tây. Họ đem lại những món hàng nho nhỏ, rồi cũng thu mua những món phế liệu đem đi. Ghé hiên nhà tránh nắng đôi ba lần, họ xin nước uống hay biếu thêm chút hàng mỗi khi bán. Người quê cũng thiệt thà, tội nghiệp người bán thủy chung xứ sở, nên đón mua món nào là chờ đón cho bằng được mới thôi, cũng chẳng trả giá mắc rẻ làm gì, vì người ta đã lặn lội đến tận đây rồi, công đạp xe, công dầm mưa dãi nắng tính vào đồng lời cũng chẳng bao nhiêu… Để rồi họ, những người bán buôn xa lạ đã in sâu mãi vào tâm trí tôi không chỉ lời rao, mà còn cả bài học về sự thơm thảo hòa nhã với nhau, thuận lòng kẻ mua vừa lòng kẻ bán…
Tôi nhớ mình hay xót lòng mỗi khi thấy ông già lưng còng, ở trần, đội nón lá đẩy chiếc xe muối nặng trịch ngang qua nhà. Nên đúng hẹn lại lên, mỗi khi nước lớn, cá ra là ông đến. Má hay để sẵn trái mướp, trái bầu, tôi hay vô sẵn một chai nước lọc để trong thùng nước đá, để khi ông già ngang qua, má có mua muối hay không thì má con tôi cũng chạy ra cho ông, gọi là “lấy thảo”. Má kể, ông già đã bán muối cho xứ mình từ hồi má mới về đây làm dâu, ông sống cùng người vợ bị tai biến và đứa con bị sốt bại liệt từ thuở mới lọt lòng…
Đón ông già thì phải chờ con nước, chú ý lắm mới được, bởi giọng người già ngày một nhỏ nên lời rao của ông nhỏ xíu lại theo từng năm.
Có dạo vuột mất hai lần nước lớn không đón được ông già, má gặp xe kem, ghe bánh ống ngang qua đều hỏi, có thấy ông cụ đi bán nơi đâu không? Một khoảng lâu, ông không tới, má nói, có lần ông bảo là nhà ở tận mương Hào Thơ. Vậy là một lần đi ngang mương Hào Thơ, má hỏi người ta, tìm đến nhà ông cụ. Ông già quá, mắt mờ tai yếu nhưng nghe giọng người khách quen, ông vẫn nhớ như in mà hỏi rằng, “Năm nay thiếm (thím) mua đủ ba mươi bốn lít muối cục chưa?”
Ông già nhớ từng người khách của mình, cũng như chúng tôi nhớ rõ ràng cái dáng vẻ đẩy xe nặng nề nhưng nhanh nhẹn của ông, cái âm thanh của tiếng kèn bao tử từ xe ve chai lông vịt, tiếng kèn ghe bánh ống hay cả tiếng chiếc chân gỗ của ông chú vá nồi thau… Tất cả hòa thành một thứ âm thanh mà khi tách khỏi nỗi nhớ ra, hình ảnh dòng kinh Đòn Dông và con đường nhựa sẽ chỉ là một tấm ảnh mà thôi…
Bao năm rồi, người ta đã đi đến việc thu âm lời rao cho xe gắn máy chạy rào rào ngoài đường, bán mua bao thứ. Nhưng cứ mỗi khi nhìn lại tấm ảnh chụp con kinh quê mình từ trên cao, tôi luôn nghe những lời rao vang động. Phải chăng ký ức là một thứ hình ảnh có thể chứa đựng cả âm thanh và cảm xúc của con người!
Nguồn: Báo Thanh Niên điện tử
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC