Ái Vân được biết đến là một nữ danh ca nổi tiếng tại hải ngoại lẫn trong nước, gắn bó với trung tâm Thúy Nga và là người diễn chung đầu tiên với nghệ sĩ Chí Tài.
Tại chương trình Chân dung nghệ sĩ trên kênh Jimmy TV mới đây, danh ca Ái Vân đã tâm sự chuyện đời của cô.
Show diễn đầu tiên của tôi là một show nhỏ tại Berlin
Thời gian đầu tiên sang hải ngoại, tôi đi hát cho cộng đồng người Việt tại Đức. Show diễn đầu tiên của tôi là một show nhỏ tại Berlin, hát chung với anh Duy Khánh.
Đó là một sự kết hợp rất lạ và độc đáo nên chính tôi cũng bỡ ngỡ. Anh Duy Khánh còn bảo: "Đây là cặp song ca bất đắc dĩ vì chưa bao giờ hát với nhau. Con bé này ngáo ngơ mới sang hải ngoại, không biết hát cái gì".
Thế rồi tôi vẫn hát được với anh Duy Khánh bài Kiếp cầm ca, tập trong thời gian khá ngắn. Sau đó, tôi hát thêm một vài show nhỏ trong phạm vi Berlin.
Một ngày nọ, tôi được một người chị giới thiệu cho trung tâm Thúy Nga. Khi ấy là vào tháng 11 năm 1990, trung tâm Thúy Nga qua Đức làm show và tôi được giới thiệu vào hát thử giọng cho trung tâm.
Tôi nghĩ mãi, không biết sẽ được Thúy Nga chọn cho dòng nhạc gì để hát nên hát đại ba bài thuộc 3 dòng nhạc khác nhau, không ăn nhập gì hết như Chiếc lá cuối cùng, Em đi chùa Hương…
Sau đó, tôi được Thúy Nga mời hợp tác luôn và được dẫn đi thu âm ngay, rất nhanh chóng. Thời điểm đó, tôi phải sang Pháp liên tục để ghi hình Paris by night rồi thu album.
Lần đầu tiên tôi xuất hiện trên Paris by night là cuốn 12, sau đó là cuốn 13, hát chung cùng anh Elvis Phương.
Năm 1993, tôi được Đức cấp giấy tờ nên đi chuyến đầu tiên sang Úc rồi tới 1994 thì đặt chân tới Mỹ và định cư luôn tại San Jose.
Trong thời gian cộng tác cùng Thúy Nga, tôi chủ yếu hát nhạc dân ca, hóa thân vào nhiều nhân vật dân gian khác nhau như Thúy Kiều, Thị Mầu, cô Tấm… Mỗi nhân vật là một tính cách, từ đau khổ, hiền dịu tới lẳng lơ.
Sau đó, tôi thôi cộng tác với trung tâm Thúy Nga và cộng tác cho một vài trung tâm khác.
Lúc buồn, tôi chẳng là gì, như con chó con mèo
Cách đây vài năm, tôi có ra một cuốn hồi ký, tự truyện. Trong cuốn tự truyện đó, tôi để trống vài trang giấy khiến nhiều người thắc mắc.
Tôi biết, mọi người rất mong chờ đọc về quãng đời với chồng cũ bị tôi bỏ trắng đó và tôi cũng đã viết ra bản thảo rồi. Nhưng đó là quãng đời mà tôi muốn quên đi và chôn giấu không muốn động lại.
Ái Vân bên gia đình khi còn ở Việt Nam
Chỉ có điều, khi viết hồi ký, tôi viết liền một mạch theo dòng ký ức nên quãng đời đó cứ tuôn ra, đến khi viết xong tôi mới đau, rất đau.
Tôi không thể hình dung được cuộc đời tôi lại có những năm tháng khốc liệt đến thế. Chính tôi đọc lại mà không cầm được nước mắt, đau đớn.
Vì vậy nên khi xuất bản, tôi quyết định bỏ trống những trang ghi lại quãng đời đau khổ đó, không để vào.
Khán giả thì rất hào hứng, mong đọc đoạn bỏ trống đó vì rất nhiều người biết về giai đoạn ấy trong cuộc đời tôi. Tuy nhiên, tôi phải bỏ đi vì nếu đưa lên giấy trắng mực đen sẽ làm đau lòng nhiều người liên quan.
Về cá nhân tôi, việc đưa quãng đời đó ra cũng chẳng để làm gì vì nó trôi qua cũng 30 năm rồi, cứ để mọi thứ như thế đi.
Hơn nữa, tôi vẫn còn một con chung với người chồng cũ đó. Dù cháu không đọc được tiếng Việt nhiều nhưng tôi không muốn để nó biết đến giai đoạn bi đát của mẹ.
Ái Vân và con trai 4 tuổi
Người chồng đó là một nghệ sĩ múa, rất giỏi giang, có tài. Chỉ có điều, lúc vui thì không sao, còn lúc buồn, tôi chẳng là gì, như con chó con mèo trong nhà. Tôi là nghệ sĩ, không muốn hình ảnh mình bị kém lung linh trong mắt khán giả.
Tôi muốn chia tay một cách bình yên nhưng người chồng đó không cho, nên tôi buộc phải chạy trốn bằng cách rời khỏi Việt Nam, giữa lúc sự nghiệp đang trên đỉnh cao.
Tôi đau đớn, vứt bỏ hết gia đình, cha mẹ già, đứa con thơ duy nhất mới 4 tuổi để đi Đức. Tôi đau hơn cắt da cắt thịt nhưng còn hơn ở lại để chọn cái chết.
Sau khi đi, tôi phải bàn mưu tính kế với gia đình nhiều lần để đưa được con sang vì người chồng ấy không chịu. Tất nhiên, tôi hiểu người chồng ấy ở lại còn khổ hơn tôi vì phải đối diện với dư luận, bạn bè, đồng nghiệp, công chúng dù mọi tội lỗi do anh ta gây ra.
Theo Pháp luật và bạn đọc
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC