Bức tâm tình DHS Việt ” Khóc cho một kiếp người tại Nhật Bản “

Một chuyến hành trình dài từ Tokyo tới Fukuoka đã chỉ cho Thanh Giang thấy rất nhiều điều về cuộc sống thực tế của du học sinh vừa học vừa làm tại Nhật Bản hiện nay.

Thanh Giang xin được viết bày này với góc nhìn của Thanh Giang để chia sẻ với tất cả các bạn đang tìm hiểu về chương trình du học Nhật Bản hiểu rõ để các bạn suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định và cũng một phần nói lên nỗi lòng của du học sinh tự túc tại Nhật Bản hiện nay.

Khi đặt chân tới Tokyo, Thanh Giang đã bị choáng ngợp bởi sự tấp nập và vội vã của những dòng người ngược xuôi tất bật, chen chúc nhau trên những chuyến tàu.

Mọi người lặng lẽ bước đi và chỉ có một âm thanh duy nhất đó là tiếng thông báo của nhân viên nhà ga và tiếng bước chân người như những đoàn quân duyệt binh trên những đại lộ lớn. Dòng người ấy dường như bất tận.

Bức tâm tình DHS Việt ” Khóc cho một kiếp người tại Nhật Bản “ - 0

Trong đám đông ấy, thi thoảng Thanh Giang cũng bắt gặp những người em đồng hương. Nhưng dường như Thanh Giang chỉ nhận được một sự thận trọng và rụt rè từ những đứa em ấy khi muốn trao đổi. Điều này làm cho Thanh Giang cảm thấy rất ngạc nhiên. Ngày xưa, khi còn là lưu học sinh.

Thanh Giang thấy hạnh phúc vô cùng khi chỉ nghe thấy đâu đó có người nói tiếng Quê Hương là thế nào cũng phải ra làm quen và nói chuyện.

Ấy vậy mà, chỉ sau mấy năm quay lại Nhật Bản, Thanh Giang đã thấy học sinh bây giờ khác xưa rất nhiều. Có lẽ ngày xưa ít người Việt nên các bạn quý mến nhau hơn? Nhưng sau khi tìm hiểu sâu thì Thanh Giang lại nghĩ khác.

Tokyo nơi phồn hoa đô hội, nơi có rất nhiều cơ hội cho các bạn du học sinh về công việc làm thêm nhưng bù lại thì mọi chi phí ở đây vô cùng đắt, không yên bình và thoải mái như các thành phố khác.

Khi nhắc tới nhà trọ sinh viên thì chắc rằng phần lớn các bạn du học sinh sẽ tưởng tượng ra cảnh sống chật chội như thế nào và chi phí đắt đỏ ra sao tại Tokyo.

Rất nhiều bạn học sinh quan niệm thuê nhà ở Tokyo thực chất cũng chỉ là chỗ để được đồ đạc và có chỗ để đặt lưng sau những khoảng thời gian làm việc dài tại các xưởng cơm hộp, quán ăn,.v.v…còn lại phần lớn thời gian là đi làm và lên lớp.

Một số ít các bạn học tại các trường ở vùng ven thì sẽ thuê được những chỗ rộng dãi hơn nhưng chi phí thì cũng chẳng rẻ hơn là bao. Một ngày ở nhà chỉ được có 4-5 tiếng và đâu phải lúc nào tất cả cùng ở nhà vì các bạn còn phải đi làm các ca khác nhau.

Bữa cơm cũng vậy, chỉ kịp tranh thủ ăn trên tàu khi đến chỗ làm, ăn tại nhà ga để đợi tầu, có những bạn mua vội chiếc bánh để vừa đi vừa ăn, nhiều lúc nghẹn ngào ở cổ không nuốt được nhưng cố phải nuốt vì phải đi làm để kiếm tiền để trả nợ và đóng học phí.v.v…

Một ngày làm việc vất vả như vậy mà đến bữa ăn cũng không được ngon lành nên nhiều em sau khi sang Nhật một thời gian đi làm thì sút đến 5-6 kg.

Bức tâm tình DHS Việt ” Khóc cho một kiếp người tại Nhật Bản “ - 1

Ở nhà thì nghĩ rằng ở bên này kiếm được 40-60 triệu một tháng thì ăn uống phải sung sướng lắm nhưng khi nhìn cảnh các em ăn vội bữa tối chỉ là một nồi mì tôm cạnh nhà vệ sinh như thế này, các bạn có thấy chạnh lòng không?

Các bạn vẫn nói vui với nhau rằng.

Bên này, du học sinh sống một kiếp nhục hơn kiếp “con trâu” vì trâu đi làm còn có thời gian để nghỉ, còn các em thì chẳng có thời gian để nghỉ ngơi. Cố gắng “đi cày” để đủ tiền đóng học, gửi tiền về nhà để bố mẹ trả những khoản nợ khổng lồ. Nếu không thì sẽ đẩy cả nhà ra đường vì phải lo cho em một chi phí quá lớn khi các em sang đây.

Trước khi đi các em đều được giới thiệu là có thể kiếm được thu nhập cao và công việc thì nhàn hạ. Nhưng qua tới nơi rồi thì mới vỡ mộng nhưng không thể làm lại được. Các em hãy tham gia vào các nhóm du học sinh tại Nhật Bản thì các em sẽ nhận được rất nhiều chia sẻ thực tế của các bạn đã đi.

Nếu không thì sẽ đẩy cả nhà ra đường vì phải lo cho em một chi phí quá lớn khi các em sang đây. Trước khi đi các em đều được giới thiệu là có thể kiếm được thu nhập cao và công việc thì nhàn hạ.

Nhưng qua tới nơi rồi thì mới vỡ mộng nhưng không thể làm lại được.

Các em hãy tham gia vào các nhóm du học sinh tại Nhật Bản thì các em sẽ nhận được rất nhiều chia sẻ thực tế của các bạn đã đi.

Thanh Giang khuyên các em cũng cần phải cẩn thận vì có nhiều facebook giả mạo để đánh lừa các em đó.

Hãy cùng Thanh Giang tính toán theo kiểu du học Nhật Bản của các bác ở quê thông qua tâm sự của một du học học sinh đang học ở Tokyo để thấy vì sao nhiều người lại sẵn sàng chấp nhận tất cả để cho con đi du học nhé!

Khi nghe được lời giới thiệu sang Nhật du học có thể kiếm được 40-60 triệu/ tháng (Với mức thu nhập khủng này, thì một ngày các em phải làm 10-14 tiếng liên tục cả tuần với cường độ công việc vô cùng vất vả). Chi phí đi sẽ hết từ 250-370 triệu đóng cho công ty, chưa kể tiền mang theo

Như vậy, đặt một phép tính đơn giản.

Sau 1 năm các bạn sẽ làm được 480 triệu – 720 triệu.

Như vậy, trừ đi chi phí đầu tư cho con và sinh hoạt phí hàng tháng khoảng 15 triệu cũng như tiết kiệm tiền học phí 10 triệu.

Tổng cộng là 25 triệu* 12 tháng = 300 triệu.

Vì thế sau 1 năm các em sẽ gửi được về nhà 180 – 420 triệu và chỉ cần 1 năm thôi các em sẽ trả được hết nợ và 4 năm tiếp theo các em sẽ có 720 – 840 triệu.

Sau 5 năm các em vừa có bằng cấp lại vừa có vốn để làm ăn. Nói thực, nếu được nghe chiếc bánh vẽ này thì bản thân Thanh Giang cũng muốn thử sức để đổi đời. Và nhiều bạn vì nghe những lời giới thiệu như vậy nên cũng quyết tâm đi làm núp bóng dưới hình thức du học vì so với tu nghiệp sinh thì du học kiếm được nhiều tiền hơn mà lại có bằng cấp.

Ở nông thôn thì các bác nông dân chỉ lam lũ làm ăn, quanh năm chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời”. Chứ đã có mấy ai tìm hiểu được thông tin kỹ càng đâu.

Chỉ nghe rằng có người quen giới thiệu và có con nhà ông ấy cũng đi ở đó hết 220-370 triệu rồi (mà thực chất chi phí này chỉ từ 155-185 triệu trọn gói) nên cũng muốn cho con mình đi để con mình không phải khổ như cuộc đời của chính mình.

Làm cha, làm mẹ ai không mong muốn con mình sung sướng, ai chẳng sẵn sàng hy sinh tất cả để con mình được bằng chúng bằng bạn.

Chẳng ai muốn con mình phải làm việc quần quật suốt ngày mà chẳng có tiền.

Sang bên Nhật, thời gian lên lớp chỉ là thời gian duy nhất trong ngày để ngủ. Nói thực với các bạn, nếu các bạn làm việc với cường độ như các em ấy và ngủ ít như vậy thì các bạn cũng như vậy thôi. Cho nên có nhiều người trách các em thế này thế nọ là thực sự họ chưa hiểu các em.

Nhiều bạn sang Nhật 1 năm rồi mà tiếng Nhật vẫn dậm chân tại chỗ vì khi mới sang các em chỉ học hết bài 7 bài 8. Có những em chỉ biết hết mặt chữ và rồi cũng phải mất tiền cho công ty để công ty giới thiệu vào làm việc ở các xưởng mà cả ngày chỉ nói được với nhau vài câu chào hỏi.

Nếu không đi học thì sẽ không thể xin được Visa cho các năm tiếp theo khi thành tích đi học dưới 80%-90%. Nếu làm quá nhiều mà công an điều tra ra thì họ sẽ cho về nước.

Nghĩ tới cảnh này Thanh Giang cảm thấy hoàn cảnh của các em y hệt như hoàn cảnh của “Chị Dậu” vậy. Phải đối mặt với quá nhiều khó khăn khi du học tự túc tại Nhật Bản.

Nếu như các em ấy được định hướng từ đầu và chi phí du học hợp lý thì các em đâu phải vất vả kiếm tiền để trả nợ cho bố mẹ ở nhà. Các em sẽ có thời gian để học tập.

Đó mới là con đường đích thực để các em ấy đi tới thành công, chứ không phải bán rẻ sức lao động, đi làm những công việc chân tay vất vả mà người Nhật họ không muốn làm để đổi lại chẳng được cái gì khi phí hoài tuổi thanh xuân nơi xứ người và nhiều gia đình phái đối mặt với nợ lần nếu các em ấy bị về nước sớm.

Chính vì những lý do đó, nên hiện nay mới có nhiều tình trạng gây rối của các sinh viên Việt Nam đến như vậy, công an Nhật Bản khi bắt gặp sinh viên Việt Nam thường hỏi giấy tờ và có nhiều nơi công an còn nói tiếng Việt để dạy du học sinh “ Không được ăn trộm, không được lừa đảo,.v.v..”

Nhà trường phải dán giấy thông báo lưu học sinh Việt Nam cẩn thận bị chính những bạn Việt Nam của mình lừa giới thiệu việc làm, mua điện thoại, thuê nhà,.v.v…

Viết tới đây, Thanh Giang đặt một câu hỏi với các bạn là nên trách hay thông cảm? Với quan điểm của Thanh Giang thì thông cảm hơn đáng trách.

Bởi vì sao?

Vì, khi rời vòng tay gia đình, các em ấy bước vào đời như một tờ giấy trắng và phải đi trên chính đôi chân của mình .

Chính những người lớn như chúng ta đã vẽ lên trang giấy trắng ấy. Chính những người đưa các em đi đã lấy tiền giới thiệu việc làm của các em để rồi các em cũng lấy tiền giới thiệu việc làm của các bạn khác và làm những điều như chính người lớn đã làm với các em ấy.

Nếu chúng ta cùng chỉ ra được những khó khăn khi tham gia chương trình du học Nhật Bản này thì sẽ không có những thực trạng như hiện nay và nhiều em đã phải bỏ trốn khi nghe những bạn bè xấu dụ dỗ bằng cách trốn sang nước thứ 3 hoặc trốn sang những vùng khác để sống một cuộc sống bất hợp pháp và sẽ bị trục xuất về nước bất cứ khi nào.

Hôm nay, ngồi viết bài này có lẽ cũng là một ngày buồn.

Thanh Giang đã không cầm được lòng mình khi nghe tin một du học sinh đã bỏ dở cuộc đời của mình nơi xứ người khi em đã đi vào giấc ngủ mãi mãi vì làm việc quá sức. Đến lúc em đi vào giấc ngủ ngàn thu thì gia đình em vẫn chưa thể sang được vì chưa xin được Visa.

Gia đình em chỉ còn có mẹ, thật tiếc thương cho em, một người con có hiếu đã không muốn một mình mẹ gánh khoản nợ trên lưng mà em đã lao đi làm như một con thiêu thân. Để rồi, em đã gục ngã khi sức chịu đựng của em đã tới hạn. Thanh Giang xin gửi lời chia buồn tới gia đình và cầu mong em siêu thoát.

Cũng có biết bao nhiêu bạn vì làm việc quá nhiều mà khi lên lớp đã bị ngất. Có rất nhiều bạn cũng đã gục ngã khi tuổi đời còn quá trẻ nơi xứ người. Nghĩ tới đây mà Thanh Giang thấy quặn lòng trước thực trạng nhức nhối của việc đưa người đi du học như hiện nay theo kiểu chộp giật.

Có em mới tốt nghiệp cấp 3 đã sang Nhật Bản vì 6 tháng không xin được việc làm và tiền thì đã hết. Em đã phải đi ăn trộm gạo ở siêu thị, sau khi lấy được lần thứ nhất em ấy thấy lấy dễ quá nên tiếp tục quay lại để lấy bao gạo thứ 2 thì bị công an ập tới bắt giữ. Nghĩ tới cảnh này thú thực là xót xa quá các bạn à.

Là những bậc phụ huynh, các anh chị có thấy đau lòng không khi nghe những tâm sự sau của một em du học sinh Nhật?

Bạn còn bao nhiêu ngày để sống? Tôi chỉ biết tôi còn rất ít….

Đời người nó có quá nhiều chữ ngờ mà mãi ta không học hết được. Cuộc đời tôi là những nốt thăng trầm mà suốt 24 năm qua chưa một lần bình yên. Bệnh tật ốm đau có là gì, sống chết nay mai có là gì, chỉ có chăng nhìn cảnh gia đình mình còn khốn khó lầm than thôi. Ngày qua đến Nhật đúng 2 tuần là tôi phát hiện mình không được bình thường.

Vẫn cứ vui vẻ sống thôi, nhắn tin về báo cho chị cả biết rằng em bị bạo bệnh, không thể sống lâu được nữa. Tôi và chị giấu cha mẹ đến giờ.

Giờ thì 3 tháng chưa gửi về được đồng nào do không có việc làm tôi càng lo lắng hơn.

Tôi sợ mình phải đi vác Yamato, vác Sagawa, sợ những ngày nhịn đói bên này rồi liệu tôi có trụ được nổi để trả hết nợ không? Có những hôm tôi nằm xỉu trong Toilet càng khiến tôi sợ mình càng đến gần với cái chết hơn. Hay cũng có những đêm không thở được tôi cũng không dám nhắm mắt ngủ vì sợ không tỉnh dậy nữa. Tất cả vì tôi còn nợ nần, còn trách nhiệu của một đứa con trai.

Con số nợ nần đi Nhật, nợ của gia đình gần 400-500 triệu, nhắm mắt xuôi tay rồi cũng hết, cơ mà rồi ai sẽ thay tôi trả? Ba mẹ già đau ốm, trách nhiệm của đứa con trai, là nguồn sống duy nhất của cả gia đình không cho phép tôi được quỵ ngã để rồi đem trách nhiệm đó khoách lên vai của cha mẹ già. Tôi hứa sẽ sắm sửa cho ba mẹ những thứ ba mẹ thích, coi như trả ơn một phần mà còn chưa làm được. Giờ còn phải để ba mẹ lo âu buồn rầu thì tôi quá bất hiếu rồi.

Tôi phải cố gắng mạnh mẽ, phải cố gắng làm hết những gì có thể để trả xong nợ rồi về sống với ba mẹ những ngày còn lại nữa chứ…

Dù cho bây giờ vẫn chưa xin được việc thì tháng sau con cũng sẽ đi làm bốc vác như bao bạn.

Dẫu có nằm xuống bên này, con cũng chỉ mong được về nằm trên đất mẹ…

Con nhớ nhà!

 


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan