Nữ kỹ sư người Mỹ gốc Việt Lê Duy Loan. (Ảnh: NVCC) |
Lê Duy Loan hiện là người phụ nữ đầu tiên và cũng là người châu Á đầu tiên trong lịch sử được vinh danh là Senior Fellow (nhà nghiên cứu thâm niên) – chức vị cao nhất trong nấc thang kỹ thuật ở Mỹ tại Texas Instruments (TI) – một trong ba công ty điện tử lâu đời tại Mỹ.
Bà có tổng cộng 24 bằng sáng chế tại Mỹ, trong đó có 4 bằng sáng chế tiên phong, góp phần đặc biệt quan trọng vào sự phát triển của máy tính hiện đại.
Bà cũng được coi là 1 trong 10 diễn giả xuất sắc nhất tại Mỹ thường được mời diễn thuyết tại các trường đại học uy tín và các tập đoàn lớn trong 20 năm qua. Bà là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực vật liệu bán dẫn, và là người luôn tự hào về nguồn gốc Việt Nam của mình.
Thành danh ở nước ngoài
Năm 1975, khi mới 12 tuổi, Lê Duy Loan cùng gia đình từ Việt Nam đến Mỹ theo diện nhập cư với 100USD trong túi và không biết nửa chữ tiếng Anh. Vì vậy, bà phải học lại lùi 2 lớp so với tuổi thật.
Lúc còn ở Việt Nam, bà đang học chương trình lớp 7 trường Trưng Vương. Khi qua Mỹ, do chưa biết tiếng Anh nên thay vì lên lớp 8, bà chuyển xuống học lớp 6 ở trường tiểu học Gordon Elementary ở Houston.
Bà đã cố gắng học hành thật chăm chỉ để quen với ngôn ngữ cũng như với nền văn hóa khác biệt so với Việt Nam. Với nỗ lực của mình, bà đã tốt nghiệp thủ khoa trung học phổ thông ở tuổi 16, sớm hơn 2 năm so với bạn bè cùng trang lứa.
Năm 19 tuổi bà bắt đầu làm việc tại Texas Instruments và 7 năm sau đó bà được thăng cấp quản lý thiết kế sản phẩm.
Bà từng chia sẻ: “Tôi tin rằng làm việc chăm chỉ có thể giúp tôi vượt qua mọi thứ. Ngoài ra, trước khi làm bất cứ điều gì tôi cũng nghĩ về đất nước đã sinh ra mình. Tôi biết rằng khi tôi làm bất cứ điều gì, mọi người sẽ nhìn vào và đánh giá: “Bà ấy là ai? Vẫn tóc đen, da vàng”…Suy nghĩ đó thôi thúc tôi làm việc và đạt thành tích vượt trội ở bất kì công việc nào có gắn tên mình. Tôi muốn người Mỹ hiểu rằng, người Việt cũng thông minh và giỏi giang ngang như họ”.
Với những động lực ấy, bà đã giành được những thành công mà ở nền công nghiệp nam giới đang nắm phần lớn ưu thế. Vì quá ấn tượng với một cô gái mới 19 tuổi có khả năng trả lời rõ ràng tất cả các câu hỏi trong buổi phỏng vấn nên công ty điện tử này đã tìm mọi cách chiêu mộ bà.
Công ty Texas Instruments đã không làm việc theo cách thông thường là gửi thư qua đường bưu điện mà cử một chuyên gia lâu năm đến tận nhà để phỏng vấn bà. Sau đó, họ sợ bà không nhất trí đề nghị tăng lương so với mức đề nghị trong buổi phỏng vấn và bà đã chính thức gắn bó với nơi đó cho tới ngày nay.
Bộ nhớ máy tính lúc đó mới đạt mức 64 kilobyte và bà là người đã nâng bộ nhớ lên các mức tiếp theo 128, 254 kilobyte; rồi 1,16, 64…megabyte… Bà còn được công ty Texas Instruments cử sang nhiều nơi như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore để hỗ trợ sản xuất bộ nhớ máy tính.
Khi đến Nhật Bản, bà kể lại rằng ở đất nước này phụ nữ thường có vị trí rất khiêm nhường trong xã hội như trông nom con cái, lo việc nhà. Vì thế, bà bị các đồng nghiệp nam giới Nhật Bản nhìn với con mắt soi mói, ngờ vực, nhất lại là một phụ nữ Á châu.
Tuy nhiên, sau buổi làm việc đầu tiên họ đã bị bà chinh phục với khả năng diễn thuyết hấp dẫn, kiến thức uyên bác. Bà cũng hướng dẫn họ rất tỷ mỉ phù hợp với người Á Đông.
Không quên tri ân quê hương
Bà Loan sinh năm 1962, thời kỳ đó quê hương còn đang chiến tranh, có những năm nhà cửa gia đình tan nát hết. Cha của bà đã dạy bà đan những chiếc giỏ để bắt cá rồi phơi khô ăn dần.
Khi dựng lại nhà, gia đình cũng không có tiền, vậy nên bà và các chị phải học cách xây từ các ông thợ, từ lát gạch đến quấy hồ. Rồi vài năm cuối của bà ở Việt Nam, cha bà chuyển từ Nha Trang vào Sài Gòn và mua một chiếc xe ô tô để chạy xe buýt.
Bà Lê Duy Loan trong trang phục áo dài truyền thống. (Ảnh: NVCC) |
Lúc đó dù còn bé, bà đã phải dậy từ 5 giờ sáng, theo cha đi bán vé xe, rồi đến 1 giờ chiều lại đến trường đi học. Chính khoảng thời gian đó đã hun đúc cho bà một tính cách cứng rắn và độc lập, nhưng cũng dạy bà biết cảm thông với những số phận kém may mắn hơn.
Bà nghĩ rằng những thành công sau này được xây dựng nền móng từ 12 năm đầu tiên đó. Bà luôn biết ơn ông cụ thân sinh vì cụ đã dạy bà những điều cơ bản nhất của một con người, đặc biệt là người Việt Nam.
Năm 2002, bà và một số người bạn cùng nhau lập ra tổ chức Sunflower Mission (SM), tượng trưng cho hy vọng, niềm tin và ánh sáng.
Lúc thành lập SM, Lê Duy Loan đặt ra mục tiêu rất đơn giản, trong 10 năm, gây quỹ được 1 triệu USD, giúp xây được 100 lớp tiểu học, trao 10.000 học bổng cho các em ở những vùng nghèo nhất ở Việt Nam.
Đến giờ sau hơn 13 năm, SM đã xây được 144 lớp học (hiện giờ đang xây thêm 5 lớp) và trao hơn 15.000 học bổng mà trong đó 388 em đã tốt nghiệp đại học.
Mỗi năm SM tổ chức một buổi trao học bổng ở Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh, cha mẹ của những em xuất sắc nhất sẽ được mời đến tham dự cùng. Trong buổi đó, không chỉ trực tiếp bay về Việt Nam, bà còn mời một vài người bạn bà là CEO hay giám đốc điều hành của các công ty nổi tiếng cùng tham gia giao lưu.
Chưa nói ở Việt Nam, ngay cả các em học sinh Mỹ muốn có cơ hội gặp CEO của một tập đoàn lớn có phải dễ. Tuy nhiên bà cố gắng thuyết phục những người đó tham gia cùng SM vì muốn cho các em học sinh nghèo ở Việt Nam thấy những người thành công thực sự, bằng xương bằng thịt. Và từ đó, các em sẽ nuôi dưỡng đam mê, khát khao, dám ước mơ và dám theo đuổi.
Nguồn: Baoquocte
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC