Khi cha của Kaylee Cong kể lại một người đàn ông đã đấm ông từ phía sau vào tối 20/3 ở khu Uptown, cô đã tự hỏi liệu những người Mỹ gốc Á khác ở Chicago, Mỹ có gặp những trường hợp tương tự không.
Cong cho biết mãi tới sáng hôm sau, người cha 60 tuổi mới nói thật với cô tại sao đầu ông bị đau, vì thế hệ của ông đã quen với việc im lặng trước những bất công như vậy. Cô đã thay ông trình báo vụ hành hung với cảnh sát.
Không thể tiếp tục im lặng
Một phát ngôn viên của Sở Cảnh sát Chicago cho biết vụ việc “đang được điều tra”. Cong cũng tích cực sử dụng hashtag “#stopasianhate”, một khẩu hiệu chống lại lại làn sóng bạo lực và phân biệt chủng tộc chống lại người Mỹ gốc Á tại Mỹ gần đây, trên mạng xã hội.
Kaylee Cong đã tự hỏi liệu những người Mỹ gốc Á khác ở Chicago có gặp những trường hợp tương tự cha cô hay không. Ảnh: Chicago Tribune. |
“Tôi nghĩ cha tôi không phải là nạn nhân đầu tiên vì, bạn biết đấy, với những bậc phụ huynh gốc Á như cha mẹ chúng tôi – những người đến từ Việt Nam, nếu điều gì đó xảy ra với họ, tôi nghĩ họ sẽ chỉ im lặng”, cô Cong, 32 tuổi, cho biết. “Còn tôi không nghĩ thế hệ của chúng tôi nên giữ im lặng”.
Cha Cong từ chối phỏng vấn nhưng cho phép con gái nói về vụ việc. Cô cho biết hàng ngày cha thường ra ngoài đi dạo khuya vào khoảng 23h. Ngày 20/3, ông đang đi về phía nam ở khu vực rìa đông North Broadway gần phố West Ainslie thì bị đánh vào đầu từ bên trái.
Lúc đầu, cha cô đứng hình khi người vừa đấm ông tiếp tục đi bộ thêm khoảng 30 m. Ông nhanh tay chụp ảnh người tấn công bằng điện thoại nhưng tấm ảnh không rõ. Sau khi quay lại, cha cô lại nhìn thấy một người đàn ông khác đang đứng trên vỉa hè ngay trước mặt mình, tay lăm lăm một cây gậy bóng chày.
Ông cầm điện thoại và hét lên: “Tôi đang gọi 911”. Hai bên chằm chằm nhìn nhau căng thẳng ít nhất một phút cho đến khi cha của Cong quyết định tiếp tục đi về phía bắc, ngang qua người đàn ông kia, tránh xa hắn ta và đi về nhà.
Cong cho biết cha cô nói ông không thể nhìn rõ người đàn ông đầu tiên, hắn chỉ mặc đồ đen, nhưng người đàn ông thứ hai hình như không phải là người châu Á. Cả hai đều cao to hơn ông rất nhiều.
Kaylee Cong cho biết cha cô đã không gọi cảnh sát vì e ngại vốn tiếng Anh hạn chế của mình. Ngay cả khi cô nài nỉ, cha cô cũng không chịu đến bệnh viện vì ông không có bảo hiểm và không muốn tốn kém cho gia đình.
Trình báo và chờ đợi
Cong mô tả quá trình nộp đơn trình báo và chờ cảnh sát Chicago làm việc với gia đình cô là “rất vất vả”. Một phát ngôn viên cảnh sát ban đầu nói có sai sót trong bản trình báo của cô ấy khiến nó bị từ chối. Về sau, họ mới thừa nhận rằng chỉ đơn thuần là sự việc bị xử lý chậm trễ.
Ngay sau khi nói chuyện với cha vào khoảng 15h chiều 21/3, Cong gọi 311 vì đã nửa ngày trôi qua, nhưng không được trả lời. Sau đó, cô gọi 911 và được thông báo họ sẽ gọi lại khi cô về nhà. Khi cô gọi 911 lần thứ hai vào khoảng 18h30 chiều cùng ngày, tổng đài đã chuyển cô tới một đường dây khác nhưng không ai nhấc máy.
Cong đã điền vào bản trình báo trực tuyến gửi cảnh sát vào khoảng 20h30 tối cùng ngày nhưng được thông báo vào ngày hôm sau rằng báo cáo không thể hoàn thành vì cô đã nói đây là một vụ tấn công đơn giản thay vì một vụ hành hung, phát ngôn viên cảnh sát Chicago, Don Terry, cho biết.
Các vụ hành hung, liên quan đến tiếp xúc cơ thể, mới cần báo cảnh sát. Nhưng Cong nói không biết điều đó và cô đã bỏ lỡ email thông báo cô phải thực hiện các bước tiếp theo để hoàn thành bản trình báo.
“Việc trình báo không nên khó khăn đến vậy”, Cong nói.
Phát ngôn viên cảnh sát Chicago Terry cho biết vào ngày 26/3, Cong và cha cô đã liên lạc với các sĩ quan Quận 20 và vụ việc vẫn đang chờ điều tra.
Trong một tuyên bố sau đó vào chiều 26/3, ông Terry nói: “Chúng tôi sẽ không dung thứ cho bạo lực đối với bất kỳ ai trong cộng đồng và sẽ điều tra kỹ lưỡng tất cả vụ việc được báo cáo. Chỉ huy khu vực của chúng tôi đang làm việc với các lãnh đạo địa phương, những người ủng hộ và các doanh nghiệp trên khắp cộng đồng Người Mỹ gốc châu Á – Thái Bình Dương (AAPI) của Chicago để khẳng định cam kết của chúng tôi trong việc bảo vệ cuộc sống, quyền và tài sản của tất cả người dân Chicago”.
Sau vụ xả súng tại 3 spa ở Atlanta đầu tháng 3, Thị trưởng Lori Lightfoot đã yêu cầu cảnh sát Chicago tăng cường tuần tra tại các khu dân cư người Mỹ gốc Á trong thành phố.
Nhiều người ở Mỹ đã tổ chức biểu tình để phản đối nạn thù ghét người gốc Á, sau vụ xả súng ở ba spa tại khu Atlanta ngày 16/3. Ảnh: AP. |
Không rõ liệu có những trường hợp tương tự cha của Cong ở Chicago hay không. Cảnh sát Chicago không công bố số liệu thống kê về chủng tộc của các nạn nhân trong cổng thông tin trực tuyến của họ.
Tội ác vì thù ghét người gốc Á?
Công cho biết cảnh sát nói tại thời điểm này không thể kết luận vụ việc có phải là một tội ác vì thù hận hay không, bởi những người đàn ông kia không nói bất cứ điều gì với cha cô. Tuy nhiên, hai cha con cô đều tin vậy. Ông Terry đồng ý khả năng đây là một tội ác thù hận là “một phần của cuộc điều tra”.
“Tôi vẫn cho đó là một tội ác vì thù ghét, vì tôi không nghĩ ai đó tự dưng lại muốn tấn công một người chẳng làm gì mình”, Cong nói. “Ông ấy chỉ đang đi bộ một mình trên phố và ông ấy không làm gì ảnh hưởng tới bất kỳ ai”.
Biểu tình chống lại bạo lực đối với người gốc Á tại Mỹ. Ảnh: Getty. |
Theo Trung tâm Nghiên cứu về Chủ nghĩa thù hận và cực đoan tại khuôn viên San Bernardino của Đại học Bang California, trên toàn quốc, số lượng các vụ tội ác thù ghét người châu Á được ghi nhận đã tăng 149% vào năm 2020, mặc dù lượng tội ác thù hận nói chung đã giảm 7%. Các nhà nghiên cứu nhận thấy New York là nơi có mức tăng cao nhất với 833%.
Số liệu thống kê của Chicago vẫn không đổi trong cả nghiên cứu trên và bảng thống kê tội ác vì thù ghét của cảnh sát Chicago. Theo thông tin trên trang web của cảnh sát Chicago, năm 2020 có hai vụ việc về tội ác thù hận chống lại người châu Á được báo cáo, tương đương năm 2019.
Cong quyết định cho công chúng biết về vụ hành hung cha mình để nêu gương cho những người Mỹ gốc Á lên tiếng khi đối mặt với sự bất công.
“Tôi muốn những người khác biết rằng nếu họ gặp bất cứ điều gì như thế này xảy ra trên đường, nếu họ tận mắt chứng kiến, hoặc đại loại thế, thì họ phải lên tiếng hoặc đứng ra bảo vệ người bị hại”, Cong nói. “Đối với thế hệ cũ của chúng tôi, thật khó để họ lên tiếng cho chính mình. Vì vậy, tôi thực sự mong muốn nếu các bạn gặp những sự việc như thế này hãy đứng lên, hãy lên tiếng vì họ”.
Nguồn: Zing
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC