Khung cảnh ga tàu từ Kyiv đến Lviv. VŨ TUYÊN DƯƠNG
Vượt qua hàng nghìn người đang xếp hàng dài ở các cửa khẩu, anh đã may mắn an toàn đến bên kia biên giới.
“Quyết tâm sống”
Đã gần 2 ngày trôi qua kể từ khi đến Ba Lan an toàn, gia đình anh Vũ Tuyên Dương (sinh năm 1990, sống tại thủ đô Kyiv, Ukraine) vẫn nhớ như in từng chi tiết của hành trình sơ tán khỏi Ukraine đầy gian nan, “quyết tâm duy trì sự sống”.
Theo lời kể của anh Dương, anh không thể nhớ nổi số lần tiếng bom, tiếng pháo bất chợt dội vào Kyiv, chỉ nhớ tình cảnh lúc đó là nguy hiểm bao vây tứ phía, tiếng bom đạn dội rung cửa sổ. Gia đình 6 người của anh (gồm vợ chồng anh, một con gái nhỏ 6 tuổi, mẹ vợ và em gái) nhanh chóng thu dọn hành lý chạy xuống hầm trú ẩn. Đến đêm, hầm càng lúc càng đông người, tình hình bên ngoài càng lúc càng căng thẳng, từ trong hầm vẫn nghe thấy tiếng bom đạn ngắt quãng.
Lo sợ hầm có thể bị ném bom hoặc sập bất kỳ lúc nào, mọi người không ai ngủ được vì quá sợ. 3 giờ sáng ngày 26.2, sau một đêm thức trắng cân nhắc và liên hệ hỗ trợ từ người bạn bên Ba Lan, cả gia đình anh đồng lòng "nhắm mắt làm liều" và quyết định tìm cách rời khỏi Kyiv ngay khi trời sáng.
Người dân đứng chờ nhiều giờ ở các cửa khẩu giữa trời cái lạnh âm 2℃. VŨ TUYÊN DƯƠNG
“Cả nhà đã quyết tâm đoàn kết đi là đi, phải đi thì may ra còn sống được, vì nằm ở nhà hay cứ trốn mãi trong hầm thì không khác gì chờ chết”, anh Dương nhấn mạnh
Đến 10 giờ sáng hôm sau, sau khi thăm dò lần nữa tình hình chiến sự ở Kyiv, gia đình anh bắt được một chiếc taxi lên ga tàu trung tâm. “Lúc đấy chúng tôi chỉ mong rời khỏi Kyiv càng nhanh càng tốt, ở đây quá nhiều rủi ro, ra đến biên giới thì tới đâu tính tới đó”, anh nhớ lại.
May mắn là gặp được người tài xế Ukraine rất thông thạo đường, chỉ đi vào những con đường an toàn và chỉ mất khoảng 20 phút sau đó để để đến ga tàu. Sau hơn 3 tiếng đồng hồ chờ đợi, đúng 14 giờ 7 phút, cả gia đình anh Dương được ưu tiên lên chuyến tàu sớm nhất đến thành phố Lviv (miền tây Ukraine) do có trẻ em đi theo.
Vượt quãng đường hơn 800 km từ Kyiv, gia đình anh đến Lviv vào hơn 23 giờ và được một phụ nữ Ukraine đã liên hệ trước giúp đỡ ăn uống, nghỉ ngơi qua đêm. Sáng 27.2, cả nhà đi taxi từ Lviv đến cửa khẩu Hrebenne - Rawa-Ruska (giáp biên giới Ba Lan) để tránh cảnh chen lấn, chờ đợi ở các ga tàu.
“Cả nhà ai cũng mệt hết, nhưng tội nhất là con gái tôi, con bé chưa bao giờ đi xa và lâu như vậy. Trộm vía là bé cũng hiểu chuyện, biết là đang trong tình thế nguy cấp nên không quấy nhiều”, anh kể.
Hàng dài xe ô tô kẹt cứng đường đến cửa khẩu biên giới Ba Lan. VŨ TUYÊN DƯƠNG
Ấm lòng tình người nơi biên giới
Rời khỏi Lviv hơn 10 phút, gia đình anh đã phải xuống taxi vì tình trạng tắc đường hơn 15km ở biên giới. Giữa cái lạnh âm 2℃, ngoài trời đổ tuyết, anh phải đi bộ. Còn 5 thành viên khác là phụ nữ và trẻ em nên được ưu tiên xếp hàng chờ đi xe buýt.
“Chúng tôi đã thống nhất với nhau ngay từ đầu là dù khó khăn cỡ nào cũng không bàn lùi, luôn đoàn kết và động viên nhau cố lên. Mình như thế là khỏe lắm rồi, có người đi xe ô tô đợi ở cửa khẩu 2 - 3 ngày là chuyện bình thường”, anh Dương tâm sự.
Với gia đình anh Dương, điều ấm lòng và xúc động nhất chính là những ổ bánh mì, những chai nước hoa quả… từ những đoàn cứu trợ ở cửa khẩu.
“Họ lịch sự, tốt bụng và nhiệt tình vô cùng, ai đang đợi thì được hỗ trợ đồ ăn, thức uống đầy đủ, còn không có người thân ở Ba Lan đón thì cũng được sắp xếp tạm ở các trại tị nạn. Miễn là mọi người đi đến được biên giới”, anh Dương chia sẻ.
Người sơ tán được sưởi ấm, cung cấp lương thực thực phẩm tại các lều tị nạn. VŨ TUYÊN DƯƠNG
Mất hơn 4 tiếng chờ đợi và làm thủ tục, do có giấy tờ định cư Ukraine đầy đủ, cả gia đình anh được thông qua nhanh chóng. Bước sang đất Ba Lan, mọi người hiện đã ổn định tâm lý, sức khỏe trở lại và được người bạn sắp xếp ở ghép nhà một người Việt tại thủ đô Warsaw.
Khi nói về con đường tương lai, anh Dương ngậm ngùi: “Chúng tôi lúc nào cũng mong muốn hòa bình trở lại để quay về Ukraine, quay về cuộc sống yên bình như trước. Còn nhà cửa rồi tài sản ở đó nữa, chạy trốn trong tình thế như vậy có kịp mang theo gì đâu, giữ được mạng là đã may mắn lắm rồi”.
Anh chia sẻ thêm, nếu không còn quay về Ukraine được nữa, anh sẽ thử liên hệ nhờ giúp đỡ tìm một công việc để có kế sinh nhai, hoặc sau này tìm cách trở về Việt Nam khi tình hình đã ổn trở lại. “Giờ chỉ đợi chứ không nói trước được điều gì”, anh thở dài.
Nguồn: Mai Ngô/ Thanhnien.vn
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC